Ông Hùng kể: “Trước năm 1975, nhà tôi có một tiệm chè có tiếng ở Nha Trang tên là Bích Thuận. Tiệm chè lúc nào cũng mở nhạc bằng đầu máy băng cối phục vụ khách. Khi đó tôi mới 5, 6 tuổi, rất thích nghe nhạc và âm nhạc ở tiệm “ngấm” dần vào tôi khiến tôi như bị “nghiện”. Đến những năm cuối thập niên 1990, khi nhiều loại máy phát nhạc hiện đại ra đời, người ta bắt đầu vứt bỏ những máy nghe băng cối, tôi thấy tiếc nên sưu tầm đầu máy, băng cũ với mong muốn giữ lại những thanh âm xưa cũ một thời”.
Để có những đầu máy, băng cối, ông đã mất nhiều thời gian săn lùng. Có những đầu máy được ông đưa về Đà Lạt, Bình Thuận, TP.HCM…, cũng có những đầu máy ông mua lại từ những người mua bán ve chai, đồng nát. Theo ông Hùng, tìm được đầu máy đã khó, tìm những băng cối để nghe lại càng khó hơn, vì khi đầu máy không còn được sử dụng nữa thì hầu hết băng cối sẽ bị vứt xó, mốc meo và hư hỏng. “Mỗi lần sưu tầm được băng nhạc mang về, lòng tôi lại háo hức lạ thường. Tôi chỉ muốn phóng thật nhanh về nhà để bỏ vào máy, ngồi lắng nghe cho đến hết. Âm thanh phát ra rè rè, ngầu đục nhưng rất chân thật, mộc mạc có sức mê hoặc khó lý giải”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết, có thời gian nhà ông có đến 200 đầu máy và khoảng 6.000 băng cối được sản xuất trước năm 1975, với nhiều giọng hát của các danh ca như: Thái Thanh, Thanh Thúy, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Khánh, Chế Linh, Phương Dung... Tuy nhiên, điều khiến ông nuối tiếc và vẫn cảm thấy “thiếu” là chưa tìm lại được máy nghe băng cối của gia đình mình. Ông Hùng chia sẻ: “Khi bố mẹ tôi bán đi máy đó thì tôi chưa định hình được đam mê. Sau này, hễ nghe ở đâu bán đầu băng cối là tôi lặn lội tìm đến, vừa để sưu tầm vừa hy vọng biết đâu tìm lại được đầu máy của nhà mình. Nếu tìm thấy thì “giá trị” lắm, vì mình có nhiều ký ức về nó, nhưng tiếc là giờ cũng không biết nó ở đâu”.
Chia sẻ đam mê
Ông Hùng kể về một kỷ niệm khó quên trong thời gian ông săn tìm những “món đồ bỏ đi” ấy. Đó là lần ông được giới thiệu đến nhà một thầy giáo ở đường Hát Giang (TP.Nha Trang) để mua đầu máy băng cối. Mặc dù thuyết phục bằng nhiều cách nhưng thầy giáo vẫn kiên quyết không bán. Qua trò chuyện, ông được biết chiếc đầu máy này đã hỏng đầu từ, nhưng có lẽ đó là vật kỷ niệm nên người này muốn giữ lại. Hiểu được điều đó, ông từ bỏ ý định mua, sau đó còn đem đầu từ mới đến thay giúp để chiếc máy hoạt động được. “Bất ngờ, khoảng 10 năm sau, ông cụ tìm đến nhà tôi, nói tôi đến nhà chở chiếc đầu máy về. Cụ nói cũng không sống được bao lâu nữa nên chỗ tôi là “địa chỉ” tốt nhất để cái máy này có thể tiếp tục “sống”. Cụ còn nhượng lại cho tôi 50 cuộn băng cối, toàn những bản nhạc quý”, ông Hùng xúc động kể.
Có lẽ câu chuyện về cơ duyên với chiếc đầu băng cối của người thầy giáo đã tác động đến suy nghĩ về thú chơi này trong ông Hùng. Từ người sưu tầm đầu máy, băng cối thuộc loại “dữ dằn”, thì khoảng hơn 5 năm nay, ông Hùng muốn chia sẻ những gì mình có với những người có cùng đam mê. Ông nói: “Những đầu máy mình đưa về nếu không được làm cái “bổn phận” của nó thì chẳng khác gì những cục sắt vụn, các băng cối chất chồng để lâu cũng khó bảo quản, trong khi đó, những năm gần đây, thú chơi đầu máy băng cối thu hút nhiều người. Vì thế, tôi đã chia sẻ cho nhiều bạn bè, những người có cùng đam mê những đầu máy, băng cối, để những thanh âm xưa cũ được nhiều người biết đến hơn, tồn tại lâu hơn”.
Bảo tàng nhạc xưa
Tâm nguyện của ông Hùng là sau này sẽ mở một “bảo tàng nhạc xưa” để những người yêu nhạc xưa cũng như thế hệ sau có dịp hiểu và cảm nhận về âm nhạc một thời. Chính vì thế, ngoài sưu tầm máy phát nhạc xưa và băng cối, ông còn sưu tầm được khoảng 1.000 đĩa than thu âm các giọng ca nổi tiếng từ trước năm 1975; 1.500 bản nhạc… “Biết tôi có niềm đam mê với nhạc xưa, cách đây không lâu, từ Mỹ, nhạc sĩ Từ Công Phụng gửi tặng tôi các tập nhạc đã phát hành; con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng gửi tặng bản scan các bản nhạc viết tay của nhạc sĩ. Điều đó càng thôi thúc tôi thực hiện ý định về bảo tàng nhạc xưa của mình”, ông nói.
|
Bình luận (0)