Chơi sách cổ

23/03/2010 09:14 GMT+7

(TNTT>) Chơi sách cổ là một thú chơi rất tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc. Nhà văn hóa Vương Hồng Sển đã từng gật gù rằng: “Chơi sách là thú chơi phong lưu nhất trong mọi thú chơi”. Nhưng để có được cái “phong lưu” đó, người chơi sách cũng phải chấp nhận nhiều thứ…

Dân chơi sách cổ ở Hà thành chẳng mấy ai lạ Lê Tuấn Anh, một trong bốn người sáng lập ra diễn đàn sachxua.net. Giữ trong tay hơn môt nghìn cuốn sách cổ, Tuấn Anh bén duyên với thú chơi này từ hồi còn là cậu học trò cấp ba.

Những tay chơi nức tiếng

Hồi đó, anh chơi thân với một người bạn rất mê sách. Cứ mỗi lần đi học về là hai người lại cùng nhau ghé qua hiệu sách cũ ở Q.Đống Đa. Ban đầu chỉ tìm những cuốn Tam quốc, Tây du ký… nhưng khi bắt đầu thích thú cái cảm giác cầm trên tay một cuốn sách cũ đã được phát hành cách đây vài chục năm, có khi đến hàng thế kỷ, thì cũng là lúc không dứt ra được cái cảm giác đam mê như gây nghiện. Giờ thì liếc qua bộ sưu tập sách “khủng” của Tuấn Anh, nhiều đại gia trong giới đam mê sách cổ phải ước ao: “Tứ thư” (Mạnh Tử), “Từ điển Việt-Bồ-La”, “Văn Lang vũ bộ”, “Ý nghĩa về sự chết đau khổ và thời gian”…


Nhà sưu tập trẻ Hoàng Minh

Giới chơi sách cổ ở phía Nam lại “ngả mũ” trước một tay chơi còn khá trẻ: Hoàng Minh. Sinh ra ở Hà Nội, học Đại học Bách khoa nay làm việc trong ngành hàng không. Vốn “chẳng liên quan gì đến văn” nhưng Hoàng Minh lại khiến cho người khác tâm phục khẩu phục vì kho sách có sự độc đáo cao và sự am hiểu uyên thâm về sách cũ, sách cổ. Trong tủ của anh có cả những ấn phẩm xuất bản từ thời kỳ đầu chữ Quốc ngữ của Việt Nam như: “Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca” (1884), “Tứ thư” (1889)… của Trương Vĩnh Ký; “Dạy học tiếng Phansa và tiếng Annam” (1892), “Ấu học khải mông” (1893), “Tuồng Kim Vân Kiều” (1914) của Trương Minh Ký… Nhiều tác phẩm của các học giả lớn như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh cũng góp măt trong bộ sưu tập của Hoàng Minh: Nguyễn Văn Vĩnh với tác phẩm dịch “Thơ ngụ ngôn La Fontaine” (1943), “Trẻ con hát, trẻ con chơi” (1943)… Phạm Quỳnh với “Phật giáo đại quan” (1924), “Chính trị nước Pháp” (1946)…

Trùm săn sách


Nhà sưu tập Nguyễn Khắc Bảo

Chơi sách cổ cũng có nhiều kiểu: chơi theo tác giả, chơi theo nhà xuất bản, theo loại sách… đến mức nhắc đến tác giả nào, loại sách nào, giới chơi sách cổ lại “ồ” lên và nhớ ngay đến một cái tên. Đơn cử như “trùm Tam quốc” Yên Ba. Là một nhà báo, một sĩ quan quân đội, nhưng đam mê những nhân vật bất hủ trong Tam quốc diễn nghĩa mà Yên Ba đã dày công sưu tầm tất cả các bản Tam quốc cổ, bằng đủ thứ tiếng. Hoặc như “Trùm Kiều” Nguyễn Khắc Bảo với 52 bản Kiều Nôm vô giá.

Sinh ra trong một gia đình chuyên kinh doanh thuốc đông y, từ hồi trẻ, ông Nguyễn Khắc Bảo đã có nhiệm vụ dịch những cuốn sách Nôm trong tủ sách thuốc của gia đình. Vô tình tìm thấy một bản Kiều Nôm có nhiều câu khác với bản Kiều mà các nhà nghiên cứu đã công bố rộng rãi trước đó, sự tò mò cùng mong muốn khám phá truyện Kiều đã khiến Nguyễn Khắc Bảo “bén duyên” với sách xưa từ đó.

Trong suốt 21 năm tìm Kiều, ông cũng gặp lắm chuyện bi hài. Tìm được sách, nhưng để có được nó, nhiều khi cũng phải đau đầu để nghĩ ra mưu kế. Có lần ông đọc trên tạp chí Xưa và Nay, gặp bài viết của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường viết về kho sách Hán Nôm ở Nam bộ, trong đó có bản Kiều Nôm mà ông đang tìm kiếm. Muốn lắm, nhưng không lẽ gọi điện xin thẳng. May sao nhờ bạn bè, ông biết được “ông già Nam bộ” đang tìm 2 đồng tiền cổ thời Đinh - Lê là Thái Bình Hưng Bảo và Thiên Phúc Trấn Bảo. Người có tiền cần sách, kẻ có sách cần tiền. Bốn đồng tiền cổ đã nhận trách nhiệm đi đổi về cho Nguyễn Khắc Bảo hai bản Kiều Nôm - một cuộc trao đổi mà ai nấy đều hể hả.

Chẳng kể hết những vùng đất Nguyễn Khắc Bảo đã đi qua theo dấu chân nàng Kiều. Có lần nghe phong thanh về một người ở Bắc Ninh có giữ bản Kiều cổ, Nguyễn Khắc Bảo đi tìm, nhưng hình như người chủ sách lại vừa cùng vợ lên sống ở Yên Thế, Bắc Giang. Lên đến Yên Thế, lại biết bản Kiều cổ thì để ở nhà cô con gái ở Thổ Hà, Việt Yên, Bắc Giang. May sao bà vợ của ông chủ sách lại chính là học trò cũ, nên chỉ cần xuôi xuống Thổ Hà, đợi thêm một tuần để cô con gái chủ sách đi làm ăn về là rước được sách về dinh.


Kệ bày những cuốn sách cổ

Nghề chơi cũng lắm công phu

Cũng chính nhờ thú đam mê đó, Nguyễn Khắc Bảo đã có công nối lại họ hàng cho dòng dõi cụ Nguyễn Trừ (anh trai Nguyễn Du) ở Bắc Ninh với dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền, Hà Tĩnh. Bản thân ông Bảo cũng “lãi to” vì tìm được một bản Kiều có tên “Tiêu tương” được in cuối đời Thiệu Trị, đầu đời Tự Đức trong gia phả của dòng tộc Nguyễn Trừ. Chưa hết, trong 52 bản Kiều của ông, có 22 bản Kiều Nôm chính bản, 30 bản photo, trong khi thư viện Quốc gia chỉ có 20 bản. Thú vị là 22 chính bản của ông cũng không hề trùng với bản có ở thư viện.

Còn Hoàng Minh thì kể, có lần đi lo việc cho gia đình, đường tắc, chàng rẽ bừa vào một con phố nhỏ, rồi ghé vào một hiệu sách để giết thời gian. Vừa dựng xe, nhìn thấy giá sách bày la liệt Conan, Bảy viên ngọc rồng…đã thấy nản, nhưng không hiểu linh cảm làm sao mà anh lại hỏi ông chủ tiệm “có sách cũ không hả bác”. Ông chủ dẫn vào gian trong. Minh không khỏi giật bắn mình khi nhìn thấy vô số sách xuất bản từ những năm 30. Thế là bao nhiêu tiền mang theo nướng hết vào hai bao tải sách còn không đủ, phải gán đồ lại làm tin.

Người chơi cũng cần  phải có “duyên” mới gặp được sách. Cuốn sách quý như cô gái đẹp, bị lắm kẻ “nhòm ngó”, nên tìm được là phải rước về ngay. Bản thân Hoàng Minh cũng có một kinh ngiệm “thương đau” khi mua hụt một cuốn sách của Trương Vĩnh Ký vì không đủ tiền. Thật thà để sách vào chỗ cũ, đến khi mang tiền quay lại thì “người trong mộng” đã theo gió đi tận phương nào. Lê Tuấn Anh lại có một chuyện thật mà cứ như đùa, một lần lang thang, anh vớ được cuốn sách cũ với giá chỉ 10 nghìn đồng. Trớ trêu là trong túi chẳng mang đồng nào, thế là sách đi - chứng minh thư để lại "cầm cố".

Với những người chơi sách cổ, việc đem tiền của nhà đi, thậm chí thi thoảng trốn việc nhà, trốn việc cơ quan để “săn” sách đã trở thành cơm bữa. Nhưng khi cầm trên tay cuốn sách mà mình tìm kiếm bấy lâu, thì thật khó để diễn tả được cảm giác sung sướng, lúc đó mọi khó khăn như chẳng còn nghĩa lý gì...

Tịnh Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.