Như thế cho thấy thơ đã mất dần vị thế và sự thu hút, thậm chí bị coi là mặt hàng văn hóa ế, chỉ tốn “đất” của trang văn nghệ tờ báo. Điều lạ ở chỗ ngày nay người làm thơ rất nhiều, nhiều hơn bao giờ, và dường như mỗi người Việt Nam là một nhà thơ ẩn dật, sẵn máu thơ từ trong bụng mẹ. Thế nhưng một tập thơ in ra số lượng bình quân chỉ 500 cuốn, ông nào máu liều mới dám in khoảng 1.000 cuốn và chủ yếu để… tặng cho bạn bè đọc chơi chứ “phát hành” chẳng được bao nhiêu. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng phải tự trào thơ mình in ra mà tặng được hết 1.000 cuốn cho bạn bè quả thật kỳ công.
Chả bù với thời bao cấp hồi sau giải phóng, ngoài các tờ báo văn nghệ in thơ xem như một nhiệm vụ của báo chuyên ngành, báo nghề nghiệp, hầu như các báo thời sự, chính trị xã hội trong nam ngoài bắc đều có mục thơ, trang thơ. Thời đó tôi cộng tác với nhiều báo và chủ yếu làm thơ, ngay như Báo Tin Sáng “làm nhiệm vụ chính trị” của báo tư nhân thời kỳ quá độ cũng có mục thơ do anh Võ Văn Điểm phụ trách tuyển chọn. Tôi đã vài lần được in thơ trên Tin Sáng, mỗi bài nhuận bút 20 đồng, số tiền ấy trong thời bao cấp cũng kha khá, rủng rẻng mời bạn bè cà phê cà pháo mấy cữ chứ không ít. Khi công tác ở Phòng Văn hóa - thông tin Q.4, làm Chủ nhiệm Nhà Văn hóa tôi cũng tổ chức, duy trì được hoạt động của câu lạc bộ thơ văn quy tụ 40 - 50 văn nghệ sĩ cây nhà lá vườn, lại có sự tham gia của vài chục cộng tác viên là những nhà thơ nhà văn nổi tiếng thành phố, thậm chí diện “trung ương” như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoài Vũ, Chim Trắng, Nguyễn Chí Hiếu, Văn Lê, Trần Mạnh Hảo… Nhiều bữa các anh chị ấy tham gia đọc thơ, nói chuyện thơ với phần đệm đàn tranh, sáo trúc hẳn hoi, vui lắm.
Nếu so sánh thời bao cấp ấy với thời kinh tế thị trường hôm nay thì cuộc sống của nhà thơ thời cũ khó khăn hơn nhiều nhưng sao nhà thơ vẫn vui vẻ, yêu đời, phấn khởi hồ hởi làm thơ, các báo đều đăng thơ như một mặt hàng văn nghệ không thể thiếu trong các trang mục của tờ báo. Nhiều tập thơ in giấy thủ công vàng khè, có lẫn cả những sợi rơm lợn cợn vẫn được bạn đọc tranh nhau mua, nâng niu quý trọng. Tất nhiên phải có người đọc thơ, có nhu cầu thưởng thức thơ thì thơ mới sinh tồn. Ngày nay cuộc sống đầy đủ hơn, sinh hoạt văn nghệ thoải mái hơn, nhà thơ ít phải lo cơm áo gạo tiền, vậy mà thơ không đắt, báo chí quay lưng với thơ, không đăng thơ? Vì xã hội không có nhu cầu thưởng thức thơ ư? Chả phải, bằng chứng là người làm thơ rất đông, thơ in dồn dập, các tập thơ đều bằng giấy trắng đẹp, bìa nhiều màu, kèm phụ bản tranh, nhạc hấp dẫn, chất đầy ở các hiệu sách. Chỉ có điều chúng cứ nằm yên đó chả mấy ai để ý, bị bụi thời gian phủ dần.
Người ta đang cảnh báo văn hóa đọc xuống cấp. Lúc “cơm no ấm cật” văn hóa lại xuống cấp hơn thời bao cấp lương ba cọc ba đồng thiếu thốn đủ mọi bề là tại làm sao? Băn khoăn tự hỏi, vậy thời nào “cơm áo không đùa với khách thơ”?
Từ Kế Tường
Bình luận (0)