“Văn hóa nhanh chân”

17/04/2006 00:29 GMT+7

Văn kiện Đại hội X nhấn mạnh thực hiện công bằng xã hội. Có một thứ trái với công bằng xã hội - đó là "Văn hóa nhanh chân".

Cách đây đã hai chục năm, có dạo tôi thường xuyên phải qua bến phà. Mỗi lần phải đợi phà cả tiếng đồng hồ. Đủ thời gian để những người xa lạ trò chuyện, tâm sự, thành thân quen. Nhưng khi phà đến thì mọi việc khác hẳn: người ta rùng rùng chen, đẩy, bật người khác ra để lên được phà. Tôi không thể làm cái việc chen xô như thể thù hằn nhau với những người vừa tâm tình lúc trước, do vậy thường xuyên lỡ chuyến. Lại cả giờ chờ đợi, mùa đông thì rét, mùa hạ còn khủng khiếp hơn. Và cũng chẳng có gì chắc là chiếc phà còn quay lại lần sau. Rồi tôi cũng không thể cứ nhường mãi được, phải đua chen, phải cố lên phà kỳ được, bởi không thể để con nhỏ ở nhà đợi những thứ thực phẩm ít ỏi tôi mua bằng tem phiếu mang về dịp cuối tuần. Nhưng mỗi lần đứng trên con phà rời bến, nhìn lại những người tôi đã xô bật được để giành chỗ, giờ họ ở lại trên bờ, te tua xộc xệch, hướng về phía những kẻ nhanh chân như tôi ánh mắt vừa cam chịu vừa bực bội, tôi lại có cảm giác như vừa bắt buộc phải làm việc gì xấu xa, không xứng đáng. Thôi thì có cái thời như vậy. Khó khăn quá, làm méo mó cách xử sự của con người.

Bây giờ, tôi ở trong một khu đô thị mới. Một bên là các chung cư được gọi là "cao cấp". Bên đối diện là các dãy nhà "di dân", tức là bán cho những người phải rời chỗ ở cũ do giải tỏa mặt bằng. Chất lượng nhà loại này thấp hơn. Những người ở bên đó mở các quán ăn vỉa hè. Mới rồi ăn sáng, tôi nghe họ nói chuyện mới biết rằng có người phải mua lại căn hộ "di dân" với giá còn cao hơn nhiều giá gốc căn hộ "cao cấp" bên này. Đáp lại sự ngạc nhiên của tôi, chị bán hàng mộc mạc hồn nhiên nói: "Vì các bác nhanh chân mua được, chúng em chậm chân phải mua giá đắt mà nhà xấu". Nhanh chân ở đây rõ ràng là do có chút ít vai vế mà biết được thông tin, mà liên hệ, qua thân quen để được mua. Người nghèo thì không có vai vế, càng không có thông tin, không có các mối quen biết, càng phải mua đắt.

Làm kinh doanh, thành công do có ý tưởng, biết nắm bắt sớm cơ hội, do tính toán, do quyết đoán - thì đó là nhanh nhạy. Nhưng tôi chứng kiến trong số bạn bè thì người thành công nhiều hơn lại không phải do những điều trên, mà nhờ vào các mối quan hệ, nhờ "nhanh chân".

Nhanh chân - ấy là khi biết trước để mua nhập mặt hàng từ lúc nó còn trong danh mục cấm nhập, mà khi hàng về đến cảng thì vừa vặn lúc ra đời văn bản mới cho phép nhập mặt hàng này !

Nhanh chân - ấy là khi người ta biết trước để mua một loạt lô nền giá rẻ chỗ hoang vắng mà khi nhà làm xong thì công bố quy hoạch mới có con đường chạy đúng ngang qua !

Nhanh chân - là khi biết chắc trúng thầu cả khi đề bài thầu chưa soạn !

Không chỉ trong làm ăn kinh tế mà trong nhiều chuyện khác, những chuyện có bề ngoài "mũ cao áo dài " hơn, có vẻ như nhanh chân vẫn là cách phổ biến để thành công. Có người đi đến với vị trí, chức quyền trong thanh thiên bạch nhật. Có người lẻn đến với chức quyền, bằng cách nhanh chân vượt qua những hành lang dài hun hút kín của các liên kết toan tính hậu trường. Một nhà báo lớn, cựu Ủy viên T.Ư Đảng, từng cay đắng thốt lên: người ta chạy chức chạy quyền, mà tệ nhất là chạy được !

Nhanh chân đã thành thói quen, nhiều khi tức cười: khi chỉ có hai ba người là đã có người nhất định cứ phải chen ngang. Để đổ xăng trước. Để lấy một cái vé trước. Có lúc đường rộng, xe ít, mà vẫn tắc, bởi ai cũng muốn nhanh chân.

Nhanh chân trở thành lối sống, khi người ta cười nhạo kẻ chỉ biết dùng trí lực, chỉ biết lao động, như cười nhạo các anh khờ luôn về đích chậm hơn những người không cần bỏ nhiều sức, nhưng nhanh chân năng đến những "địa chỉ" cần phải đến.

Nhanh chân trở thành "văn hóa", khi trong mọi hoạt động, từ kinh doanh đến chính trường, nó được coi như một phẩm chất, một cách thức dễ chịu, lợi đôi hoặc nhiều bề.

Nếu có thời sự thiếu thốn bắt người ta phải nhanh chân, kể cả khi không muốn thì bây giờ, cái nhanh chân không đi với sự miễn cưỡng nữa, mà là động tác tự giác của nhiều người. Dĩ nhiên, sự nhanh chân trắng trợn của những người đó thường kéo theo sự nhanh chân ép buộc của những người khác. Và dĩ nhiên, làm nảy sinh sự phẫn nộ hoặc khinh bỉ của những người còn lại. Nhưng đã sao - khi nhanh chân vẫn đem lại thành công? Thành công biện minh cho cách thức !

"Nhanh chân" để giành được (và có khi là giật được) quyền lợi vật chất - đồng nghĩa là đã cướp nó từ những người cần nó hơn (Ai đó từng nói: "Miếng bánh anh ăn khi no, là miếng bánh lấy từ tay người đói").  "Nhanh chân" trong cạnh tranh kinh doanh - đồng nghĩa với gian lận trong cuộc chơi đòi hỏi sự ngay thẳng."Nhanh chân" trong tìm kiếm thành đạt chính trường - đồng nghĩa là sự tiếm quyền của gian dối, mưu mô.

"Văn hóa nhanh chân" là thứ văn hóa bỉ ổi, về bản chất là phản văn hóa,  xa lạ với truyền thống người Việt. Nó làm băng hoại cuộc sống tinh thần. Nó là hiện tượng khó tránh của buổi giao thời nhưng về lâu dài, nó cản trở sự phát triển lành mạnh của các hoạt động kinh tế, xã hội. Vấn đề không chỉ ở con người. Kẻ có năng khiếu "nhanh chân" bẩm sinh thì đã đành, nhưng nếu như người không muốn "nhanh chân" vẫn buộc phải "nhanh chân" thì đây đã là vấn đề: Cơ chế xã hội nào đã tạo ra mảnh đất màu mỡ để thứ văn hóa cỏ dại này phát triển?

Làm thế nào để chặn đứng "văn hóa nhanh chân"? Nhiều cách, nhưng trước hết, chủ yếu phải bằng cách áp đặt. Áp đặt cái gì?

- Áp đặt sự minh bạch trong mọi hoạt động kinh doanh. Sự minh bạch được luật hóa, được thực thi, chứ không chỉ là khẩu hiệu.

- Áp đặt sự minh bạch trong hoạt động công quyền, trong dịch vụ hành chính. Không ai phải xin cái gì, không ai có quyền cho cái gì. Chỉ có các việc người nhà nước phải làm, một khi ăn lương, và nếu làm không đủ, làm không đúng, làm không tốt, thì không có cái lương ấy nữa.

- Áp đặt sự công bằng trong thông tin. Thông tin thiết thân cho mọi người thì mọi người đều được biết. Ở nhiều nước, bất cứ người dân bình thường nào cũng có quyền vào ngồi trên các hàng ghế quan sát để theo dõi bất cứ cuộc họp nào của Nghị viện. Nếu nhiều người muốn thì ai đăng ký trước được vào. Đó là chưa nói đến những thông tin cấp độ thấp hơn, người dân có quyền được biết. Trừ các vấn đề liên quan đến bí mật, an ninh, các chính sách, chủ trương dân sinh người dân, doanh nghiệp có thể biết từ lúc nó phôi thai. Có như vậy mới tránh được chuyện "hàng về cảng đúng lúc", chuyện "mua nhà đúng chỗ" như đã kể trên.

- Áp đặt cơ chế phản biện xã hội; áp đặt cơ chế quy trách nhiệm với bất cứ cá nhân nào có quyền ra các quyết định, kể cả quyết định về kinh tế - xã hội, quyết định về nhân sự.

..v..v và ..vv..

Tóm lại, sao cho "văn hóa nhanh chân" phải đối mặt với văn hóa pháp quyền. Và hỗ trợ cho văn hóa pháp quyền là giáo dục, là các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp, là công luận...

Chúng ta khó mà làm được điều này một sớm một chiều. Nhưng nếu không làm khẩn trương, e rằng đến lúc nào đấy, sửa các lệch lạc trong lĩnh vực thang bậc giá trị xã hội sẽ là việc bất khả thi.

Trần Đăng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.