130 công trình di tích cố đô Huế được đầu tư trùng tu, bảo tồn

16/09/2016 08:36 GMT+7

Các công trình tiêu biểu sau thời gian hư hỏng, sụp đổ đã hồi sinh như Kỳ Đài, Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh...

Diễn ra trong 3 ngày từ 15-17.9 tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) hội thảo khoa học Di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn - Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị, quy tụ hơn 70 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nghiên cứu bảo tồn và quản lý di sản trong nước và quốc tế. Hội thảo do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạo và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô (TTBTDTCĐ) Huế tổ chức.
Các tham luận của GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, PGS.TS Đặng Văn Bài, TS Nguyễn Thế Hùng, GS.TS Takeshi Nakagawa, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, PGS. TS Đỗ Bang, TS Phan Tiến Dũng… đã đặc biệt đánh giá cao về công cuộc bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị di sản tại cố đô Huế suốt chặng đường 41 năm qua, từ sau ngày đất nước thống nhất (1975) và đặc biệt là từ sau năm 1993, khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Báo cáo của ông Phan Thanh Hải, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế cho biết, sau chiến tranh (1975), toàn bộ khu vực Tử Cấm Thành gần như bị xóa sổ. Khu vực Hoàng Thành chỉ còn lại 62 công trình so với 136 công trình kiến trúc lúc nguyên thủy. Khu vực Kinh thành còn 97 công trình trong tình trạng hư hỏng nặng. Các lăng tẩm hầu hết đều bị hư hỏng ở những mức độ khác nhau, hoặc bị dột nát, có nguy cơ đổ sụp vào bất kỳ lúc nào... (theo Danh sách cung điện trong Đại nội - Huế do Nguyễn Bá Lăng thống kê). Bằng sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành TƯ, sự nỗ lực của chính quyền địa phương đến nay đã có khoảng 130 công trình di tích lớn nhỏ đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn.
Các công trình tiêu biểu sau thời gian hư hỏng, sụp đổ đã hồi sinh như Kỳ Đài, Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Tử Cấm Thành), lầu Tứ Phương Vô Sự, Đông-Tây Khuyết Đài, điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), cung An Định, tổng thể đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc (khu vực đàn chính), tổng thể lăng Vua Gia Long, Minh Lâu, Điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi đình, Hiển Đức Môn (lăng Vua Minh Mạng), Điện Biểu Đức, Tả Hữu Tòng Viện (lăng Vua Thiệu Trị) Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện, Khiêm Cung Môn, Xung Khiêm Tạ, Dũ Khiêm Tạ, Bửu thành và bình phong (lăng Vua Tự Đức), Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Vua Khải Định), tổng thể chùa Thiên Mụ, Cung An Định, 10 cổng Kinh Thành, tường thành mặt Nam và Quan Tượng Đài, sông Ngự Hà...
Bên cạnh, trùng tu các di tích, sơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông; sân vườn, cây xanh, cảnh quan, điện chiếu sáng tại các di tích cũng đã được đầu tư nâng cấp. Các di tích còn lại chưa trùng tu hầu hết các di tích đều được bảo quản cấp thiết, bằng các biện pháp kỹ thuật, để tránh xuống cấp, bảo tồn và kéo dài tuổi thọ. Song song với công tác trùng tu di tích, công tác nghiên cứu khoa học, sưu tập cổ vật, trưng bày triển lãm… cũng được chú trọng để làm hồi sinh “linh hồn” của di sản. Nhiều bài bản Nhã nhạc cung đình, Tuồng cung đình, lễ hội cung đình… đã được nghiên cứu phục hồi.
Tổng kinh phí trùng tu di tích đã thực hiện khoảng gần 1.200 tỉ đồng, trong đó, giai đoạn 15 năm (1996-2010) gần 600 tỉ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hơn 250 tỉ đồng, ngân sách địa phương hơn 245 tỉ đồng và tài trợ quốc tế hơn 90 tỉ đồng. Đặc biệt, trong 5 năm (2011 - 2015), nguồn ngân sách tu bổ di tích đạt xấp xỉ 440 tỉ đồng, tức gần bằng 15 năm của gia đoạn trước cộng lại.
Riêng năm 2016, tổng nguồn vốn đầu tư cho công tác trùng tu bảo tồn di sản đạt hơn 177 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương là 84 tỉ đồng, nguồn địa phương là 80 tỉ đồng, còn lại lại được huy động từ xã hội hóa và tài trợ quốc tế. Ngày 17.3.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 441/TTg phê duyệt chủ trương đầu tư kế hoạch trung hạn trùng tu di tích cố đô Huế bao gồm 27 dự án với tổng nguồn đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng, trong đó vốn T.Ư không quá 374 tỉ đồng, vốn địa phương khoảng 362 tỉ đồng, còn lại là vốn tài trợ và xã hội hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.