18 năm đội đất lấp đầm lầy

19/09/2009 16:33 GMT+7

Chỗ này từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cỏ lau mọc dày, nước phèn ngập quanh năm suốt tháng. Lúa không lớn, con cá không bơi. Người đàn bà này từng đóng quân ở đây, giờ tóc đã bạc trắng vì gian khổ 18 năm cặm cụi lấp bằng 22 ha đầm lầy chi chít hố bom để xây dựng công trình văn hóa ý nghĩa.

Tôi muốn nói tới làng nghề Một thoáng Việt Nam (MTVN), ở xã An Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM. Còn người đàn bà tóc trắng ấy là Trần Thị Tuyết Nga, chủ nhiệm. Làng nghề là nơi sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồng thời là điểm tham quan văn hóa. Người ta thấy hình ảnh VN thu nhỏ ở đó.

Hội tụ của Đất và Nước

* 18 năm quả là quãng thời gian dài, đủ để giết chết sự kiên nhẫn của một con người. Nhưng thưa, điều gì đã thôi thúc bà theo đuổi công trình này lâu đến như vậy?

- Tôi là người đã từng sống, chiến đấu ở Củ Chi trong hai giai đoạn. Năm 1961 khi Củ Chi còn là vùng đất trù phú và 1971, lúc Củ Chi đã trở thành bình địa bởi bom đạn. Khi quay lại Củ Chi để xây một trường học nhỏ tặng con em địa phương, nơi tôi đã từng đóng quân, nhìn đất, nhìn người tôi nảy ra ý định làm một cái gì đó thật ý nghĩa. MTVN ra đời đơn giản như vậy. Và, với tinh thần của một Củ Chi đã từng đội bom đạn mà bám trụ, chiến đấu và chiến thắng, chúng tôi cũng đã đeo bám, đóng hơn 4.000 chiếc cọc ven bờ sông để giữ đất, lấp gần nửa triệu khối đất lên đầm lầy... để có được MTVN của ngày hôm nay.

 Bà Trần Thị Tuyết Nga sinh năm 1944, hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề VN

Bà Trần Thị Tuyết Nga sinh năm 1944, hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội làng nghề VN

* Bà đã khóc trước hàng trăm khách mời trong lần mở cửa đón khách trở lại hồi đầu tháng 9 này, sau thời gian trùng tu, sửa chữa, khi giới thiệu về bàn thờ Tổ quốc. Có gì đó quá nghẹn ngào, thưa bà?

- Sách sử nước Việt có ghi chép rõ rằng, công trình quốc gia đầu tiên mà nhà Lý xây dựng sau khi định đô tại Thăng Long, chính là Đàn Xã Tắc cấp quốc lễ. Bất chấp “luật” của nước Trung Hoa thời đó không cho xây dựng Đàn tế cấp quốc lễ, nơi mà các vì vua nước ta hằng năm ra đấy tế lễ cầu cho mùa màng được bội thu để muôn dân ấm no, hạnh phúc. Chính vì thế, những lần giặc phương Bắc xâm chiếm nước ta, chỗ đầu tiên họ tàn phá là Đàn Xã Tắc. Với chúng tôi, Xã Tắc là Tổ quốc. Đàn Xã Tắc là biểu trưng của Tổ quốc, là một trong những nơi linh thiêng nhất của đất nước chúng ta. Cho nên, khi Đàn Xã Tắc tại Hà Nội được khai quật nhưng đã không được gìn giữ, chúng tôi đã mang đất đào được tại vùng đất thiêng đó về, hợp cùng đất và nước của nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước, từ địa đầu Lũng Cú đến mũi Cà Mau, với tro lấy từ lư hương ở Nghĩa trang Trường Sơn và chùa Hoa Yên, Yên Tử làm thành một khối thống nhất, tượng trưng cho đất nước VN.

* Ở đây, chúng tôi thấy lịch sử và văn hóa VN được tái hiện, đơn sơ nhưng trọn vẹn. Như ba chiếc cọc Bạch Đằng được trưng bày ngay đầu cổng vào và rất nhiều cổ vật…

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Một thoáng Việt Nam do chính tay những người thợ lành nghề làm ra - Ảnh: N.T.T 
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Một thoáng Việt Nam do chính tay những người thợ lành nghề làm ra - Ảnh: N.T.T
- Chúng tôi đã nhận được món quà hết sức thiêng liêng là ba chiếc cọc Bạch Đằng. Tự tay lau chùi, cọ rửa các cây cọc ấy, chúng tôi phát hiện ra một điều: ba cây cọc là thân của ba cây có độ tuổi rất khác nhau. Có cây rất già và có cây còn non hơn nhiều. Tôi thật sự xúc động. Ngày ấy, tổ tiên chúng ta trước họa xâm lăng đã phải huy động từng cái cây, từng con người để bảo vệ đất nước. Vậy thì, ứng xử duy nhất có thể có ở những con dân đất Việt hôm nay là sống tốt, sống đẹp để hợp sức cùng nhau xây dựng đất nước trước mọi loại hiểm họa. Lời nói này trong thời điểm hiện tại dễ bị nhiều người cười nhạo hoặc không chia sẻ, cho rằng không hợp thời.

Mong được nhiều người chung sức!

* Thời gian có sẵn, sức lực con người có sẵn. Nhưng tiền thì lại không. Vốn để làm công trình này đã lên đến gần 100 tỉ đồng. Bà làm gì để huy động được số vốn lớn như vậy?

Tôi cho rằng MTVN là một địa chỉ văn hóa độc đáo và cần thiết ở TP.HCM, không chỉ thu hút được du khách nước ngoài mà còn rất phù hợp đối với khách trong nước, đặc biệt là các gia đình, học sinh, sinh viên. Ở đây có nhiều cổ vật giá trị, các không gian văn hóa vùng miền được thiết kế thực tế, những ngành nghề truyền thống như làm giấy dó, dệt vải, tranh ghép gỗ, mộc, thêu, gốm sứ, đan lát… được những nghệ nhân thực thụ thể hiện tay nghề rất sống động” - ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt.

- Với những người không nhiều tiền như chúng tôi, quả thật thiếu tiền là vấn đề đau khổ, khó khăn nhất khi xây dựng công trình này. Bán hết những gì của cá nhân có thể bán được, vay được ở đâu là đi vay, thậm chí có lúc phải vay với lãi suất rất cao. Chúng tôi từng có 4 năm sống trong đói rách, lầm than, nhục nhã như vậy cho tới ngày lấy lại được sự công bằng, có giấy Quyền sử dụng đất trên miếng đất mà chúng tôi đã nhượng quyền sử dụng của dân, đầu tư vào không biết bao nhiêu tiền của và sức lực. Từ 3 năm nay, Công ty Khang Thông cho chúng tôi mượn gần 1 tỉ đồng và một xe gàu để thi công công trình. Ngân hàng Bắc Á vừa tài trợ cho chúng tôi một số lớn tiền để vượt khó, vừa cho vay để tiếp tục xây dựng.

* Dồn hết tâm sức để làm, nhưng thưa, vì sao trước đây MTVN lại thất bại? Có người cho rằng, do bà quá bảo thủ trong công việc?

- Tôi xin khẳng định, MTVN chưa hề thất bại mà đã gặp khó, bởi hai nguyên nhân: Thứ nhất, đất do chúng tôi nhượng quyền sử dụng của hơn 50 hộ dân, rồi đầu tư không biết bao nhiêu công sức, tiền của đã trở thành đất được giao và phải thuê. Từ đó chúng tôi không có tài sản để thế chấp vay thêm vốn. Thứ hai, các ngân hàng không muốn cho một công trình văn hóa vay vốn vì lợi nhuận không đảm bảo.

Tôi là đứa chịu học, thèm học và hằng ngày vẫn cố gắng học hỏi để làm được việc, nên tôi không nghĩ mình bảo thủ. Chỉ có điều, tôi cố gắng gìn giữ những nguyên tắc sống của gia đình và điều đó quả thật không dễ chút nào. Các dì lão thành, đồng đội của người mẹ quá cố của tôi, từng dặn rằng: “Nếu khó quá không làm nổi thì nghỉ, chớ con không được hư, không được làm bậy!”. Tôi làm sao có thể sống khác được với những lời dạy bảo như vậy? Giờ thì chúng tôi có một ước vọng: Đủ tiền để trả nợ và xây dựng MTVN xứng đáng với tên gọi của nó, là một công trình có ích cho đất nước. Thế thôi!

* Điều gì bà vẫn chưa thể làm được cho MTVN?

- Tôi già rồi, sức có hạn, trình độ lại càng có hạn hơn, tiền vốn quá ít. Nhưng hy vọng sẽ ngày càng có nhiều người chung sức, chung lòng để MTVN đủ điều kiện được xây dựng thật sự nghiêm túc và có ích lâu dài.

*Trân trọng cảm ơn bà!

 N.Trần Tâm
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.