50 năm chiến thắng Đồng Lộc: Hát về những đóa hoa bất tử

Nguyên Vân
Nguyên Vân
20/07/2018 08:16 GMT+7

Sau hơn 2 tháng tổ chức Cuộc vận động sáng tác ca khúc kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc (24.7.1968 - 24.7.2018), chương trình nghệ thuật tổng kết và trao giải Những đóa hoa bất tử sẽ diễn ra lúc 20 giờ hôm nay 20.7 tại Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh.

Chương trình do Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức, Công ty cổ phần Báo Thanh Niên thực hiện, dưới sự chỉ đạo của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Hà Tĩnh, được truyền hình trực tiếp trên kênh SCTV11 và tiếp sóng trên Đài PT-TH Hà Tĩnh, truyền hình trực tiếp trên Báo Thanh Niên điện tử.
Nhiều bài hát thể hiện cách viết mới về đồng lộc
Trong 87 tác phẩm tham gia Cuộc vận động sáng tác kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc (đều được xóa tên tác giả và đánh mã số khi xét - chọn), có khá nhiều sáng tác của các tác giả sinh sống, gắn bó với quê hương Hà Tĩnh hoặc từng tham gia các đoàn văn công phục vụ chiến trường Hà Tĩnh, từng đi qua Ngã ba Đồng Lộc khi tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Ca sĩ Phương Thanh
50 năm trôi qua, có rất nhiều ca khúc viết về các cô gái đã hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, về những chiến sĩ đã mãi mãi nằm xuống mảnh đất này. Và như chia sẻ của tác giả Ngọc Thịnh (Hà Tĩnh), dù đã viết không ít bài hát về quê hương mình hay dành riêng cho Ngã ba Đồng Lộc, vẫn luôn dấy lên những xúc cảm khó diễn đạt khi nhắc đến “huyền thoại 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc”. “Lần này, tôi đã tìm được sự đồng cảm trong Cổ tích quê mình - một bài thơ của Ngọc Vượng, em trai tôi. Lắng đắng chuông chùa dạo ấy, chị mang theo vầng trăng cong cong hình múi bưởi, câu ví quê hương ấm trong tình thương cùng chị, núi Hồng, sông La lắng trong bài ca cùng chị vào chiến tranh, ôi! huyền thoại quê mình... Khóm sả còn xanh, gương, lược hãy còn, bia đá, hố bom, chứng tích còn đây..., và những người nữ thanh niên xung phong ấy đã không trở lại. Tôi nghĩ chiến tranh là điều gì đó thật khốc liệt, dữ dội; và hình ảnh các cô gái lại mảnh mai, thanh khiết, đối lập nhau, cái không tưởng ấy đã làm nên một “huyền thoại quê mình”. Chính điều này đã dâng lên trong tôi niềm xúc động, cảm nhận điều gì đó thật khác lạ, thật đẹp đẽ, như các cô tiên trong những chuyện cổ tích, và những câu chuyện cổ tích thì sẽ luôn còn mãi...”, tác giả Ngọc Thịnh nói.
Ca sĩ Ánh Tuyết
Bên cạnh đó, cuộc vận động thu hút nhiều cây viết thuộc thế hệ 8X, 9X mà theo đánh giá chung của ban giám khảo (gồm các nhạc sĩ uy tín: Trọng Đài, Phạm Đăng Khương, Cát Vận, Trần Mạnh Chiến và đại diện T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), có những ca khúc mang màu sắc tươi mới, hơi thở trẻ trung từ chất liệu âm nhạc đến hình thức hòa âm phối khí, thể hiện sự thay đổi trong cách viết rất rõ của lớp thanh niên hôm nay khi cảm nhận về sự hy sinh của thế hệ thanh niên đi trước vì độc lập dân tộc.
Là tác giả thế hệ 9X, Khoa Hồ gửi tham gia một trường ca và cũng là tác phẩm duy nhất thuộc thể loại này của cuộc vận động sáng tác. Khoa chia sẻ: “Dù được biết về chiến thắng Đồng Lộc qua tư liệu từ sách báo, phim ảnh, nhưng có quá nhiều góc nhìn, cảm xúc khác nhau mà tôi khó có thể diễn đạt được trong một ca khúc. Hơn nữa tôi nghĩ, với chiến thắng mang ý nghĩa lịch sử ấy thì cần có hình thức chuyển tải khác hơn là một ca khúc bình thường, và trường ca có lẽ là phù hợp nhất”.
Về chất lượng các tác phẩm tham gia, nhạc sĩ Trọng Đài nhìn nhận tuy có một số bài trùng ý tưởng hoặc còn chung chung, nhưng không ít ca khúc có dấu ấn, mang tính nghệ thuật cao. Qua 3 vòng xét chọn, đánh giá của ban giám khảo, 10 tác phẩm xuất sắc sẽ được công bố và trao giải trong chương trình tối nay gồm 1 giải A, 1 giải B, 1 giải C và 7 giải khuyến khích.
Để ca khúc mới đi vào lòng người
Bên cạnh việc xây dựng kịch bản cho chương trình Những đóa hoa bất tử, MC Lê Đỗ Quỳnh Hương đảm nhận vai trò đồng đạo diễn cùng Đoàn Hùng Vũ Phong. Tuy đã làm nhiều chương trình mang ý nghĩa về sự tri ân, tưởng nhớ, nhưng đây là lần đầu tiên chị không đứng trên sân khấu dẫn chuyện như thường thấy, mà “dùng” cảm xúc của một biên tập viên âm nhạc và người viết kịch bản để “thiết kế” nên một không gian tạo được hài hòa giữa những giai điệu đi cùng năm tháng và các bài hát mới (được trao giải), để những sáng tác mới đi vào lòng người.
“Sau chuyến khảo sát tại Hà Tĩnh, đọc bài thơ được khắc trong khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, rồi xem qua 10 tác phẩm được chọn trao giải với nhiều lời thơ khó kềm được sự xúc động, chúng tôi nghĩ rằng sẽ cố gắng để chuyển tải được hết chất thơ mà các tác giả đã lẩy ra khi đưa vào ca khúc”, Quỳnh Hương chia sẻ. Chị cho rằng, có thể nhờ lợi thế là nữ đạo diễn, nên khi tìm kiếm chất liệu để chuẩn bị dàn dựng chương trình, chị cảm nhận được tâm sự, nỗi lòng, khát vọng của các cô gái thanh niên xung phong năm xưa, một cách đúng nữ tính hơn. “Những cô gái đương thời thanh xuân nhất đã quyết định gạt qua mọi mưu cầu tình yêu, hạnh phúc gia đình hay kể cả nhu cầu làm đẹp của thiếu nữ để xông pha ra tiền tuyến. Vì thế, “nhiệm vụ” của chúng tôi là sử dụng những thủ pháp hay hiệu ứng sân khấu thế nào để khi thưởng thức, khán giả sẽ quên đi kỹ thuật mà chỉ còn lại cảm xúc, để cảm nhận vẻ đẹp của câu chuyện, của âm nhạc và có thể trong khoảnh khắc nào đó, sẽ hòa vào ký ức của cánh rừng Đồng Lộc năm xưa”, nữ đạo diễn cho biết.
Chương trình có sự tham gia của các nữ ca sĩ: Ánh Tuyết, Phương Thanh, Bùi Lê Mận, Võ Hạ Trâm, Tố Ny; các nam ca sĩ: Đan Trường, Đức Tuấn, Kasim Hoàng Vũ, Hồ Trung Dũng, Vũ Thắng Lợi, Đăng Thuật, Hoàng Ngọc Sơn; nghệ sĩ xiếc: Trịnh Thắng, Phương Đông; vũ đoàn Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, Trung tâm nghệ thuật G-Music; MC: Bình Minh, Phí Linh.
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.