7 công trình, tượng đài thế giới gây nhiều tranh cãi

Hoàng Thắng
Hoàng Thắng
25/09/2018 17:09 GMT+7

Nhiều công trình, tượng đài trên thế giới dù được xây dựng tốn kém lại bị đề nghị phá bỏ hoặc di dời. Một số may mắn tồn tại thì bị bủa vây bởi bao lời phản đối, đôi khi không dính dáng gì đến nghệ thuật.

1. Hải đăng Columbus ở Cộng hòa Dominica

Hầu như người dân châu Mỹ ngay từ thời tiểu học đã được dạy rằng nhà thám hiểm Tây Ban Nha tên Christopher Columbus chính là người đã khám phá ra châu Mỹ. Đây là một phát hiện quan trọng của nhân loại, hài cốt của ông đã được chôn cất trong một tòa nhà hình chữ thập khổng lồ có thiết kế một ngọn hải đăng ở bang Santo Domingo Este thuộc Cộng hòa Dominica. Nhưng nhiều tài liệu nghiên cứu cũng ghi lại chính Columbus đã phản bội bạn bè đồng hương của mình, chiếm hữu tài sản, bắt họ làm nô lệ và hành hạ thổ dân châu Mỹ bản địa. Không cần phải nói, dân chúng Dominica rất tức giận khi chính quyền đầu tư đến 70 triệu USD để xây lăng mộ có ngọn hải đăng tưởng nhớ Columbus chiếu rực sáng đến nỗi dân vùng phụ cận bị mất ngủ mỗi khi nó được bật lên. Nhiều cư dân đất nước này đã phải mất nhà cửa vì chính quyền giải tỏa lấy mặt bằng xây dựng công trình vào năm 1986.     

Ngọn hải đăng tưởng nhớ Columbus chiếu rực sáng đến nỗi dân vùng phụ cận bị mất ngủ mỗi khi nó được bật lên Ảnh: Shutterstock

2. Tượng Thiên thần sa ngã ở Madrid, Tây Ban Nha

Được biết đến như một trong các "tượng đài dành cho quỷ Lucifer”, pho tượng mang tên Fallen Angel (Thiên thần sa ngã) được dựng ở điểm cao gần 203m so với mặt nước biển tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, mô tả hình ảnh một thiên thần bị rơi từ trên cao xuống. Theo truyền thuyết, quỷ sa-tăng Lucifer vốn từng là một thiên thần, nhưng vì quá kiêu ngạo muốn được ngang bằng Thượng đế nên đã cố gắng bay sát mặt trời. Y bị trục xuất khỏi thiên đường và đày xuống địa ngục. Pho tượng lúc đầu hứng chịu nhiều lời chỉ trích vì cho rằng cổ động dân chúng thờ phụng quỷ dữ. Cuối cùng nó cũng được xem trọng vì tính nghệ thuật và đã thành điểm tham quan phổ biến cho những ai yêu điêu khắc, kiến trúc. Rồi số phận lại xoay chuyển lạ lùng, ngày nay tượng cũng được những tín đồ theo giáo phái mới, Satanic, sùng bái.

Tượng đài Thiên thần sa ngã ở Madrid, Tây Ban Nha Ảnh: Shutterstock

3. Đài tưởng niệm Phục hưng châu Phi ở Dakar, Senegal

Pho tượng đồng cao gần 49m mang tên African Renaissance Monument này mô tả một người đàn ông châu Phi lực lưỡng ở trần đang trèo ra khỏi miệng ngọn núi lửa, trong tay bế một bé sơ sinh, kéo theo đằng sau một phụ nữ châu Phi trong dáng vẻ lúng túng, bối rối. Hầu như ngay lập tức hình ảnh của công trình tượng đài đã khiến công chúng Senegal bất bình vì kiến trúc điêu khắc giống trường phái hoạt hình, thiếu quần áo che chắn và khá phô trương thân thể theo hướng khơi gợi tính dục. Lạ lùng hơn là tượng đài lại được giao cho một công ty Bắc Triều Tiên thực hiện với chi phí 27 triệu USD.   

4. Tượng đài thiên nhiên Mount Rushmore ở Black Hills, Nam Dakota, Mỹ

Mount Rushmore hay còn có tên là Founding Fathers (công trình tượng đài tưởng nhớ ghi công bốn tổng thống khai quốc công thần nước Mỹ) có lẽ là một trong các tượng đài biểu tượng nước Mỹ dễ nhận ra nhất. Nhưng điều xem ra nhiều người chưa nắm được là công trình điêu khắc trên bức tường núi đá cẩm thạch này lại thuộc lãnh địa mà Mỹ xâm chiếm của bộ tộc Lakota. Trong khi tác phẩm điêu khắc này thật hoành tráng và ngoạn mục, thì một số bộ tộc thổ dân châu Mỹ lại kiên quyết phản đối. Thậm chí, họ còn tổ chức một cuộc chiếm đóng núi Rushmore vào năm 1971, lập hẳn một nhóm cầu nguyện trên đỉnh núi và phủ một tấm vải liệm tượng trưng lên khuôn mặt trang nghiêm của các vị tổng thống.

Mount Rushmore là công trình điêu khắc trên bức tường núi đá ghi công bốn tổng thống khai quốc công thần của Mỹ Ảnh: Shutterstock

5. Đài tưởng niệm Crazy Horse ở Black Hills, Nam Dakota, Mỹ

Để phản ứng lại công trình tượng đài điêu khắc thiên nhiên Mount Rushmore, thổ dân châu Mỹ cũng cho thực hiện tượng điêu khắc khổng lồ của riêng mình, được khắc gọt trên sườn núi đá cẩm thạch ở Black Hills. Tượng tưởng niệm mô tả Crazy Horse, một chiến binh Lakota, tay cầm vũ khí chống lại cuộc xâm lăng của chính quyền Mỹ. Ông là người truyền cảm hứng cho các thổ dân châu Mỹ khác đứng lên bảo vệ đất đai và đẩy lùi những áp bức của người da trắng.

Sự đối lập giữa hai tượng đài là hình thức “ăn miếng trả miếng” lộ liễu gây xôn xao dư luận suốt nhiều năm. Tuy nhiên, ngay trong cộng đồng thổ dân châu Mỹ, việc xây dựng tượng đài kỷ niệm Crazy Horse cũng gây tranh cãi. Nhiều người dân bản địa phản đối công trình vì các vụ nổ mìn phá đá đã xâm phạm và hủy hoại các khu chôn cất linh thiêng, đồng thời cũng không được sự đồng ý của các trưởng lão bộ tộc... Tượng đài hiện nay cũng chưa hoàn tất trọn vẹn do thiếu kinh phí.   

6. Công viên suối phun nước tưởng niệm công nương Diana ở London, Anh 

Công nương Diana là một trong những phụ nữ được dân Anh yêu mến nhất từ trước đến nay. Bà là hình mẫu của sắc đẹp, vẻ điềm tĩnh và lòng đại lượng đối với hàng triệu người trên toàn cầu. Cái chết bi thảm của bà năm 1997 khiến cả thế giới sửng sốt, đồng thời làm nảy sinh nhiều thuyết âm mưu. Tương tự, đài kỷ niệm của bà cũng gây ra ít nhiều tranh cãi trong dân chúng. Trong khi những người ủng hộ cho rằng đài kỷ niệm biểu hiện đúng bản chất và tinh thần đặc trưng của Diana, thì những người phê bình lại đánh giá kiến trúc đài phun nước thuần túy chỉ là “một chiếc mương nước màu nâu bẩn thỉu”.

Công viên phun nước tưởng nhớ Công nương Diana liên tục bị yêu cầu đập ra làm lại Ảnh: Shutterstock

Từ khi được khánh thành vào năm 2004, khuôn viên tưởng niệm này liên tục bị yêu cầu phải được tái thiết kế, cần được quản lý và thay đổi sao cho trông hấp dẫn hơn. Người ta đang kỳ vọng pho tượng mới của bà, do các con trai chịu trách nhiệm thực hiện, sẽ được mọi người đồng tình chào đón.

7. Tượng Hòa bình ở Montevideo, Uruguay

Mang tên tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Ánh sáng tự do”, bức tượng hòa bình (Statue of Peace) đều được nhiều người nghĩ là biểu tượng cho sự bất bạo lực. Nhưng với người dân Uruguay, trường hợp này không thực sự đúng như vậy. Khi lần đầu được dựng lên ở quảng trường Montevideo, xuất hiện trước công chúng, bức tượng điêu khắc tưởng niệm được cho là đại diện cho hiệp ước giữa các đảng phái chính trị, mở ra một thời đại tự do ở Uruguay. Mọi sự sẽ không đáng ầm ĩ nếu không có một vấn đề nho nhỏ: thay vì dùng các biểu tượng tiêu biểu chỉ hòa bình quen thuộc như cành ô-liu hay chim bồ câu, tượng Nữ thần Hòa bình lại giương cao một thanh gươm. Khi tượng bị sét đánh năm 1887, thanh gươm được thay thế bằng một sợi xích đã bị chặt đứt. Rồi sợi xích cũng bị bỏ đi và được thay thế lại bằng một thanh gươm khác. Hiện nay, tượng đài vẫn còn gây tranh cãi, dù là một biểu tượng quốc gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.