Ai sẽ dựng kịch chiến tranh?

29/06/2008 22:58 GMT+7

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM vừa đầu tư một số kịch bản sân khấu với chủ đề kỷ niệm 40 năm chiến dịch Mậu Thân.

Đây là một việc làm cần thiết. Nhưng liệu có đơn vị nào chịu dựng kịch chiến tranh giữa thời buổi xã hội hóa này? Ngay đơn vị được gọi là "anh cả đỏ" làng kịch như Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM mà cũng ngại ngần. Nghệ sĩ Thanh Hoàng - Phó giám đốc, có lần nói: "Năm nào đến ngày 30.4 chúng tôi cũng nhớ đến mảng kịch này, nhưng sợ làm xong khán giả ít mua vé, lại ảnh hưởng đời sống anh em".

Nói vậy, không lẽ bó tay? Nhưng không. Tác giả Đức Hiền vẫn tâm huyết với đề tài này. Anh vừa hoàn thành đề cương một kịch bản lấy tư liệu trực tiếp từ cuộc đời của một cán bộ cách mạng, ghép với cuộc đời của chính anh, y như một huyền thoại. "Nhưng tôi không kể nhiều về giai đoạn chiến tranh, mà nhấn mạnh đến lớp trẻ thời hậu chiến, đã hòa hợp với nhau cùng xây dựng cuộc đời. Viết có tình yêu hấp dẫn, người ta mới xem chứ!". Tác giả Đăng Nhân lại lục tung các nhà sách, rồi vào mạng tìm đọc những tập truyện ngắn, hồi ký về Mậu Thân, cuối cùng gặp được một tư liệu quá hay về những người hoạt động nội thành. Song anh trăn trở nhất là làm sao thể hiện kịch bản một cách thật mới, thật lạ, chứ không thể bố cục suôn suôn như từ trước tới nay, mà phải đổi mới thủ pháp, cách kể chuyện.

Soạn giả Lê Duy Hạnh nhấn mạnh: "Viết về chiến tranh bây giờ không nên theo kiểu "ta thắng địch thua" một chiều, mà phải xoáy vào tình tự dân tộc, lấy nhân dân làm nền cho chiến thắng, tự nhiên khán giả sẽ thấy gần gũi, cảm động". Nghĩa là mọi người đang động não tìm những phương án tốt hơn để đưa kịch đề tài chiến tranh đến với khán giả.

Đã đến lúc chúng ta cần tìm một phương thức đầu tư mới để kịch về chiến tranh vẫn ra mắt một cách vui vẻ. Thứ nhất, thay vì Nhà nước cấp kinh phí tập trung cho một đơn vị sân khấu quốc doanh làm ít hiệu quả, thì đổi lại nên tài trợ kinh phí cho mỗi đơn vị xã hội hóa một năm phải dựng một vở truyền thống. Các đơn vị này sẽ phấn khởi vì họ được quan tâm, dĩ nhiên sẽ cố gắng làm tốt "đơn đặt hàng" của Nhà nước để lấy uy tín. Mà họ đang có trong tay rất nhiều "ngôi sao", bảo đảm dựng vở chất lượng. Như vở Người trong bóng tối của Sân khấu IDECAF với Thành Lộc, Kim Xuân, Hữu Châu từng ăn khách một thời. Thứ hai, mỗi vở dựng xong, Nhà nước có thể cấp thêm kinh phí diễn phục vụ chừng mươi suất cho sinh viên - học sinh, xem đó như là một kênh giáo dục hiệu quả. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Công ty Nghệ thuật Thái Dương đồng ý ngay với phương án này: "Chúng tôi thui thủi làm một mình, thấy tủi thân. Chứ có sự quan tâm như thế, chúng tôi sẽ vui mừng mà phục vụ!".

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.