Đĩa lậu tràn lan
Tất cả các chương trình ca nhạc trên HTV, một số chương trình đặc sắc của VTV như Con đường âm nhạc, m nhạc và những người bạn... đều có đĩa lậu trên thị trường. Một số chương trình thường kỳ dành cho đối tượng trẻ như Giai điệu tình yêu, Thế giới Vpop, Nhịp cầu âm nhạc… đều đặn bị sản xuất lậu, có đánh số thứ tự, thiết kế bìa đĩa đàng hoàng. Thậm chí, nhà sản xuất và ca sĩ trình diễn cũng mặc nhiên chấp nhận, tự an ủi rằng, chương trình hay thì đầu nậu mới canh và ghi đĩa. Có ca sĩ coi luôn các chương trình này là đầu mối để phát tán hình ảnh và ca khúc mới ra thị trường thông qua đĩa lậu: nhanh, rẻ và chẳng tốn chút công sức đầu tư nào sau khi diễn...
Các đầu nậu rất tinh tường, các chương trình ca nhạc trẻ in VCD thì bán theo thời vụ, các chương trình hoành tráng của Phú Quang, Dương Thụ, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Thanh Tùng, Bi - Rain ở Việt Nam... thì in DVD chất lượng cao đàng hoàng để bán lâu dài, bán cho người có nhu cầu lưu trữ.
|
Lúng túng trong khai thác bản quyền
Trên thế giới không xa lạ gì với những DVD Diva live của VH1, American Idols của ABC, hay Live Aids, Later with Jools Hoolland của Đài BBC. Ở Việt Nam cũng đã có chương trình Yan can cook bán rất chạy sau khi phát hành VCD. Thường thì khi lên kế hoạch tổ chức chương trình, các đài truyền hình đã có sự liên kết trao đổi bản quyền với hãng phát hành băng đĩa. Việc này sẽ góp phần tăng kinh phí cho sản xuất chương trình, mặt khác lại nối dài tuổi thọ và tăng mức độ ảnh hưởng uy tín cho từng chương trình. Khi Con đường âm nhạc tổ chức thành công liveshow đầu tiên với nhạc sĩ Phú Quang, đã có nhà sản xuất trong nước đặt vấn đề mua bản quyền để phát hành DVD. Tuy nhiên, VTV khá chần chừ vì sự rắc rối thủ tục hành chính và lãng quên việc này.
Vấn đề rắc rối của việc khai thác bản quyền các chương trình âm nhạc hiện nay là gì? Thứ nhất, bản quyền sản xuất thuộc về 2 bên: đài truyền hình và nhà tài trợ. Thứ hai, chưa có tiền lệ nên các bên rụt rè chưa biết giá cả bao nhiêu là đủ. Thứ ba, há miệng lại mắc quai: nếu đem sản phẩm truyền hình ra kinh doanh thì biết ăn nói sao với nhạc sĩ, ca sĩ ? Luật bất thành văn hiện nay là: nghệ sĩ làm việc với đài truyền hình chỉ được hưởng thù lao truyền hình (rất rẻ, thậm chí chỉ bằng 1/10 giá cát-sê biểu diễn bình thường của họ). Nhà đài khó mà đem thương hiệu của nghệ sĩ để kinh doanh.
Trở lại chuyện SMĐH 2006 đang tiếp tục bị khai thác trên mạng rộng rãi, dù là phi lợi nhuận đi chăng nữa, cũng là trái phép. Thứ nhất, các forum này vẫn thu tiền quảng cáo banner. Thứ hai, các ca sĩ, nhạc sĩ có vui không khi các bản thu thanh của họ với chất lượng thấp, nhất là tình trạng các bản thu live ở VN? Chẳng ai vui cả: ông nhà đài, bà tài trợ lẫn anh chị ca sĩ, nhạc công.
Nhu cầu và sự hấp dẫn của việc thưởng thức biểu diễn live trên truyền hình đã rõ. Sức mạnh của truyền hình sẽ còn được khẳng định nhiều hơn nữa, và họ có thừa thẩm quyền để tổ chức những chương trình lớn, hoành tráng và tập trung nhiều tên tuổi lớn. Vậy tại sao không học tập các chương trình Duyên dáng Việt Nam, Bài hát Việt... để có kế hoạch phát hành sản phẩm băng đĩa nhạc, bảo hộ bản quyền sau phát sóng? Đâu phải ai cũng có cơ hội xem trực tiếp các chương trình, họ chỉ biết chờ đợi vào sự năng động, sáng tạo linh hoạt của nhà đài mà thôi.
Chu Minh Vũ
Bình luận (0)