[ẢNH] Cận cảnh di tích Chăm bí ẩn phát lộ khi mở đường cao tốc

07/08/2015 16:13 GMT+7

(TNO) Ngày 7.8, các nhà nghiên cứu đã tiếp cận hiện trường khai quật di tích Triền Tranh (Quảng Nam) trước khi họp bàn phương án di dời trong tháng 8 này theo đề xuất của Viện Khảo cổ học Việt Nam.

(TNO) Sáng nay 7.8, Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam tổ chức đợt tiếp cận hiện trường khai quật khảo cổ di tích Triền Tranh tại xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam dành cho các nhà nghiên cứu, chuyên gia bảo tồn và quản lý văn hóa.

Hiện trường khai quật di tích Triền Tranh 
Đây là dự án khảo cổ phục vụ cho việc mở tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn Quảng Nam. Mặc dù các chuyên gia khảo cổ đã tư vấn dịch chuyển hướng phóng tuyến cao tốc khoảng 70 mét để tránh xâm phạm di tích từ năm 2010, nhưng quá trình thi công hồi tháng 8.2014 đã bất ngờ làm xuất lộ những dấu tích kiến trúc mới ở rìa phía đông nam di tích Triền Tranh.
Theo báo cáo sơ bộ về kết quả khai quật khảo cổ học, từ giữa tháng 1.2015 đến cuối tháng 7.2015, tại 30 hố khai quật rộng 3.000 m2 các chuyên gia đã làm xuất lộ nhiều dấu tích kiến trúc cùng với hàng vạn di vật.
Trong số các dấu tích kiến trúc, đáng chú ý có trục đường trung tâm, các đoạn tường bao, các nền móng kiến trúc, dấu tích cổng, hố xếp gạch… thuộc 2 giai đoạn sớm - muộn khác nhau.
Di tích Triền Tranh nằm trong cụm di tích Chiêm Sơn, có mối quan hệ đặc biệt với thánh địa Mỹ Sơn và kinh đô Trà Kiệu của vương quốc Chăm.
Theo nhận định ban đầu của Viện Khảo cổ học, di tích Triền Tranh có thể có chức năng chính là giáo đường, là nơi tập giảng kinh sách, luyện kinh thờ cúng, nghi lễ và trai giới của giới tăng lữ Chăm trước khi đến làm lễ ở thánh địa Mỹ Sơn.
Di tích này có niên đại từ cuối thế kỷ 9 và kết thúc ở khoảng cuối thế kỷ 12 đầu thế kỷ 13.
Ngoài 3.000 m2 đã khai quật, cơ quan chuyên môn đang kiến nghị Bộ VH-TT-DL cho phép mở rộng khai quật thêm thêm 800 m2 nữa.
Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng lập phương án di dời di tích Triền Tranh từ tháng 8.2015 và đề xuất này sẽ được thảo luận, quyết định vào chiều nay 7.8.
Trong đó, về phương án bảo tồn, giới chuyên môn sẽ tư liệu hóa bằng phương pháp quét và dựng thành tư liệu 3D, lập hệ thống bản vẽ, dập hoa văn, thông tin mô tả hiện vật. Đồng thời, tiến hành di dời toàn bộ di tích, di vật ở khu vực 3.800 m2 về bảo tàng.
Trao đổi với Thanh Niên Online, PGS-TS Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho biết di dời là phương án hài hòa nhất đối với trường hợp di tích Triền Tranh.
“Ở góc độ khoa học, các nhà nghiên cứu bao giờ cũng muốn giữ lại di tích. Với Triền Tranh, chúng tôi rất tiếc vì không phải nơi nào cũng phát lộ di tích như thế. Chuyện di dời là bất khả kháng, tuy nhiên công tác bảo tồn cũng cần phải hài hòa, tính đến yêu cầu phục vụ phát triển đất nước”, ông Hải nói.
Thanh Niên Online giới thiệu một số hình ảnh mới nhất từ hiện trường khai quật di tích Triền Tranh sáng nay 7.8:
 Dù đã nắn tuyến nhưng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn “băng” qua di tích, góc nhìn từ phía bắc và phía nam
Xuất lộ nhiều lớp kiến trúc sớm - muộn và dấu tích nền khu tập giảng kinh sách Chăm
Một hạng mục lạ, dự đoán là giếng Chăm
  Đánh dấu để phân biệt di tích gốc với di tích mới như hố trồng cây, hố đào vàng…
 Hàng vạn di vật được tập kết cạnh hiện trường.
Một số di vật có giá trị tiêu biểu đang trưng bày tại Bảo tảng văn hóa Sa Huỳnh - Champa huyện Duy Xuyên
Tiến sĩ Lê Đình Phụng, cố vấn khoa học của đợt khai quật, giới thiệu di vật đặc biệt có khắc chữ Hán
Một số gốm sứ cao cấp như Islam, gốm sứ Đại Việt, gốm sứ Trung Quốc… đang lưu giữ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.