'Bài toán' cho phim lịch sử Việt

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
11/06/2019 06:30 GMT+7

Phim về đề tài lịch sử VN lâu nay khá khan hiếm bởi khó làm, chi phí cao, hay bị “soi - xét”. Giữa thời phim chiếu rạp toàn tư nhân sản xuất, nhà nước bỏ bao cấp, không đặt hàng thì phim lịch sử lại càng vắng bóng.

Mới đây, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện khi trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 7, cho rằng hiện nay, phim về lịch sử dân tộc còn thiếu do nhà sản xuất chỉ tập trung vào dòng nào mang lại hiệu quả, lợi nhuận. Vì thế, hiện phim về lịch sử rất ít.
Thực tế, phim lịch sử được xếp vào hàng “khó nhai” đối với các nhà làm phim Việt bởi nhiều yếu tố và cho đến nay số lượng phim này đếm trên đầu ngón tay.

Khó trăm bề

Nhà làm phim Việt chưa bao giờ thiếu đam mê để làm phim lịch sử. Vấn đề là trách nhiệm của người quản lý, có khuyến khích, thúc đẩy được đam mê đó không
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát
NSND - đạo diễn Đào Bá Sơn, người từng thành công với phim Long thành cầm giả ca chiếu rạp dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, khẳng định làm phim lịch sử hoàn toàn không dễ. Ông cho biết: “Những tưởng ở thời điểm diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, khi có nhiều phim lịch sử được thực hiện rầm rộ như: Khát vọng Thăng Long, Huyền sử thiên đô, Thái sư Trần Thủ Độ, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long..., thì dòng phim này sẽ phát triển sau đó. Nhưng thực tế lại không như vậy. Với những gì đang có của điện ảnh VN, việc thực hiện một dự án phim lịch sử tầm vóc không hề đơn giản, nếu không muốn nói là mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của... Hơn nữa những năm qua, nhà nước bỏ hẳn bao cấp nên vắng bóng hẳn phim nhà nước. Các hãng phim tư nhân bỏ vốn ra làm phim nên phải tìm đến những đề tài giải trí hợp thị hiếu để mong thu hồi vốn, làm sao bắt họ mạo hiểm làm phim lịch sử. Chúng ta không thể trách họ được”.
Lịch sử VN có rất nhiều câu chuyện ly kỳ với những nhân vật, sự kiện có tầm vóc lớn đủ sức dựng thành phim hấp dẫn như Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, thái hậu Dương Vân Nga, Nam Phương hoàng hậu, Lý Chiêu Hoàng... nhưng lại thiếu những nhà làm phim tài năng lẫn kịch bản hay về những chuyện đó. Đạo diễn Lê Cung Bắc thẳng thắn: “Phim lịch sử làm cho hay thì khó, làm cho có thì dễ”. Đạo diễn Đào Bá Sơn chia sẻ thêm: “Làm phim lịch sử trăm bề khó khăn. Ngoài thiếu hụt đội ngũ biên kịch giỏi để có kịch bản hay, thì việc người làm phim lịch sử gặp phải một số phản biện quá khắt khe và săm soi khiến nhà đầu tư dễ nản chí, không dám bỏ tiền ra làm nữa. Quả thực, không phải ai cũng làm được phim lịch sử vì buộc phải nghiên cứu, xem xét rất kỹ giai đoạn lịch sử đó”.
Phim Long thành cầm giả ca
Áp lực lớn nhất của những ai làm phim lịch sử chính là kinh phí. “Càng làm thì càng tốn tiền cho bối cảnh, phục trang, máy móc, diễn viên quần chúng cho các đại cảnh... dù có dự tính trước”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ khi thực hiện phim chiếu rạp Khát vọng Thăng Long nói về vua Lý Công Uẩn.
Phim trường không có cũng chính là một khó khăn lớn cho dòng phim lịch sử. Nếu nhìn ra thế giới thì chúng ta không khỏi chạnh lòng vì bối cảnh của họ được xây dựng cố định, được quy hoạch và giữ lại cho nhiều đoàn làm phim cùng sử dụng. Còn phim trường của ta hầu như chỉ được dựng tạm bợ, quay xong phim nào thì phá bỏ.

Giải pháp nào tháo gỡ ?

Với những khó khăn đã phân tích ở trên, đạo diễn nào khi được hỏi cũng xin giấu tên rồi bày tỏ “ngán và né” thực hiện phim có đề tài lịch sử. Điều băn khoăn nhất hiện nay chính là: Trong bối cảnh xã hội hóa phim ảnh, sẽ còn đạo diễn, nhà sản xuất phim nào đủ tự tin, can đảm để làm phim lịch sử Việt?
Thành Lộc vai vua Thiệu Trị cùng các phi tần trong phim Phượng khấu Ảnh: ĐPCC
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho rằng: “Nhà làm phim Việt chưa bao giờ thiếu đam mê để làm phim lịch sử. Vấn đề là trách nhiệm của người quản lý, có khuyến khích, thúc đẩy được đam mê đó không”. Đạo diễn Đào Bá Sơn tiếp lời: “Để thay đổi tình trạng khan hiếm phim lịch sử thì nhà nước cần phải đặt hàng sản xuất từ ngân sách nhà nước 100% hoặc chí ít 70% kinh phí. Bên cạnh đó, tôi nghĩ cần phải có chế độ khen thưởng thích đáng cho các nhà làm phim tư nhân mạnh dạn bỏ vốn ra làm phim về đề tài này mà thành công. Nhà nước không bỏ tiền đầu tư thì cần có chế độ khuyến khích họ làm”. Bà Bích Liên, Hãng phim Sóng Vàng và chủ rạp Mega GS, đề xuất: “Nên có cuộc vận động sáng tác kịch bản phim lịch sử và trao giải thật cao cho các kịch bản hay để kích thích các biên kịch. Nếu có kịch bản hay và thu hút, tôi nghĩ các hãng phim, đạo diễn sẽ tranh nhau thực hiện, bởi dòng phim này nếu làm có chất lượng, kỹ xảo, câu chuyện hấp dẫn thì chắc chắn khán giả sẽ đến xem”.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giải pháp hỗ trợ trước mắt là nhà nước phải đặt hàng sản xuất phim đề tài lịch sử, tháo gỡ cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho người làm phim, đồng thời đào tạo nhân lực để có được kịch bản hay, phim tốt... Bà Dương Cẩm Thúy, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh VN, nhận định: “Khi nhà nước đã mở “hầu bao” cho phim lịch sử thì ai trong giới nghề cũng ủng hộ đặc biệt thể loại phim này, chỉ chờ tài năng của nhà làm phim thể hiện”. 
Trước kia phim lịch sử tư nhân phụ thuộc vào rạp chiếu hoặc các kênh phát sóng truyền hình, thì hiện nay phim có thể chiếu trên nền tảng online, chẳng hạn phim Phượng khấu - phim xoay quanh cuộc đời của Nghi Thiên Chương hoàng hậu, hay được gọi là Từ Dụ thái hậu. Thiết nghĩ nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ như chiếu vào giờ vàng trên sóng truyền hình, sẽ giúp bộ phim thêm phần lan tỏa, bù đắp phần nào chi phí quá lớn khi thực hiện dòng phim này. Bởi các bộ phim lịch sử thường có kinh phí gấp 4 - 5 lần so với phim hài hay phim tâm lý xã hội. Chẳng hạn phim Thiên mệnh anh hùng, Khát vọng Thăng Long, Tây Sơn hào kiệt, Sống cùng lịch sử... đều công bố kinh phí từ 23 - 28 tỉ đồng ở thời điểm 2010 - 2012, trong khi cùng thời gian đó, đa số phim hài ra rạp với mức đầu tư khoảng 4 - 5 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.