'Bao giờ có yêu nhau': Hết kiếp đời, tình chưa hết điêu linh

15/05/2016 11:54 GMT+7

(iHay) “Anh sẽ nắm chặt tay em đến hết kiếp này” – lời hẹn ước đầy ngôn tình ấy ngỡ sẽ đưa tình yêu của họ đến tận cùng. Nhưng ngờ đâu, tất cả lại thật ngắn ngủi…

(iHay) “Anh sẽ nắm chặt tay em đến hết kiếp này” – lời hẹn ước đầy ngôn tình ấy ngỡ sẽ đưa tình yêu của họ đến tận cùng. Nhưng ngờ đâu, tất cả lại thật ngắn ngủi…

“Bao giờ có yêu nhau” mở đầu bằng một chuyện tình không thể nào kinh điển hơn: anh hùng cứu mỹ nhân. Linh (Minh Hằng) là một sinh viên ngành thực vật học, khi vào rừng nghiên cứu về cây Thủy Tùng thì trượt chân té ngã. Và như một định mệnh, Huy (Quý Bình) cũng có mặt ở cánh rừng ấy để sáng tác ảnh. Chuyện tình như mơ của họ bắt đầu từ đó.
Bằng những khung hình mượt mà và lãng mạn, Dustin Nguyễn đã khéo léo đưa người xem chìm vào chuyện tình đầy thơ của Huy và Linh. Nửa đầu của bộ phim như một bức tranh tình yêu đầy màu sắc, đẹp ở từng cảnh vật lẫn nhân vật, chỉn chu ở từng cảnh toàn lẫn cảnh cận. Đó là một bức tranh toàn mỹ với bình minh đầy nắng, sương sớm long lanh, rừng cây xanh mướt, mặt hồ trong vắt, đồi cát trải dài và nụ cười, ánh mắt đầy xuân xanh của đôi diễn viên trẻ.
Bên cạnh đó, Dustin Nguyễn cũng nhuộm thêm chất thơ cho “Bao giờ có yêu nhau” bằng những hình ảnh ẩn dụ không lời. Đạo diễn Michelangelo Antonioni đã nói: “Trong những chỗ im lặng, người ta có thể nói khối điều”. Và Dustin Nguyễn đã nói được khối điều thông qua cái chạm môi bừng nắng chiều của hai nhân vật chính, qua những cánh bướm lãng đãng đầy uẩn khuất, qua điếu thuốc bừng cháy đỏ rực, qua những dấu chân chảy dài trên đồi cát, qua giọt nước mắt rơi ngược chiều trọng lực và qua những cánh sen khi nở khi tàn trong mộng mị. Với người viết, “Bao giờ có yêu nhau” là một trong những bộ phim có ngôn ngữ điện ảnh đẹp nhất màn ảnh Việt.
Nhưng “hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ”. Mọi cái đẹp khi đến đỉnh điểm của sự toàn mỹ sẽ phải chịu sự đố kị của định mệnh. Đúng lúc Huy cảm thấy “có em, anh không cần phải tìm kiếm gì nữa” và đúng lúc Linh cảm giác “ở bên anh, em cảm thấy thật bình yên” thì mọi trúc trắc bắt đầu tìm đến họ. Sự bất an được gieo dần vào lòng khán giả qua những tuyến thời gian đan chéo, những cơn mộng mị đầy liêu trai của Huy và những lần rùng mình lo sợ của Linh.
Ai đó đã nói rằng những người yêu dang dở ở kiếp trước, sẽ tìm thấy nhau ở kiếp này. Cái cảm giác “một lần gặp gỡ đã như quen thuở nào” mà tuổi trẻ ai cũng từng một lần trải qua không hẳn chỉ là sự tưởng tượng. Vì vậy, ai tin vào định mệnh sẽ tin tình yêu của Huy và Linh là một cái duyên bất khả cưỡng cầu.
Trớ trêu thay, nợ tình của kiếp trước giúp Huy tìm được Linh thì cũng chính nó làm cho hai người dang dở thêm lần nữa. Phương đưa đường dẫn lối cho Huy tìm thấy Linh nhưng cũng chính Phương đưa Huy và Linh vào nơi nguy hiểm. Chuyện ba người là một bi kịch ở kiếp trước, và vẫn là một bi kịch ở kiếp này.
Không có gì lay động lòng người bằng cái đẹp và âm nhạc, và không có nỗi buồn nào da diết hơn nỗi buồn đan xen giữa cái đẹp và những giai điệu u sầu. Có lẽ vì vậy mà “Kiếp nào có yêu nhau” (nhạc sĩ Phạm Duy) đã được dùng để làm nền cho những thước phim ai oán của thế kỷ trước. Giọng ca da diết và điêu linh của Thái Thanh khiến cho những trái tim cứng cỏi nhất cũng phải tan chảy, để trải lòng cho bi kịch của Phương, Linh và Huy ở cả 2 kiếp người.
Cuối phim, Huy đau đớn tột cùng khi bất lực nhìn người mình yêu chịu giày vò tủi nhục, Linh đau đớn tột cùng khi âm dương cách biệt cùng người yêu và Phương đau đớn tột cùng khi tan biến cùng tình yêu và khát khao mà cô dành nửa thế kỷ để chờ đợi. Cả ba người, ai cũng yêu nhưng ai cũng đau. Cuộc đời nào cũng là bi kịch nhưng chẳng cuộc đời nào là sai trái. Nếu có lỗi, thì là lỗi ở tình yêu…
Dù phim kết lại bằng những hình ảnh đầy nhân văn như Phương đỡ lấy thể xác Linh đang rơi xuống từ vực sâu, Huy luôn dõi theo Linh với hiện thân là những cánh bướm và cây Thủy Tùng đâm chồi nơi cát sỏi; nhưng có lẽ cái buồn da diết mới là thứ đọng lại trong lòng khán giả
Hình ảnh Huy mải miết chạy dài trên đồi cát mênh mông, ánh mắt u uất đầy khát khao của Phương và giọng hát điêu linh của Thái Thanh vẫn còn quẩn quanh trong tâm trí người viết. Dustin Nguyễn đã thật sự khiến khán giả phải cảm nhận phim “không chỉ bằng tai, bằng mắt mà còn bằng cảm xúc và bằng trái tim”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.