Một cơ hội hiếm hoi cho những nghệ sĩ cũng như nhóm/ban nhạc độc lập.
Chật vật để tồn tại
Nhóm Những đứa trẻ đã thành lập được 5 năm nhưng đến giờ vẫn gặp khó khăn trong việc định ra hướng đi hay cách thức quảng bá, truyền thông sản phẩm âm nhạc của mình. Trong khi đó, nhóm Limebócx chỉ gồm 2 thành viên nhưng lại khá vất vả trong việc sắp xếp thời gian để tập luyện, hay toàn tâm toàn ý cho hoạt động âm nhạc của mình. “Chúng tôi có những áp lực riêng về tài chính, còn nhiều thứ phải lo cho cuộc sống gia đình nữa”, Nguyễn Huy Tuấn, thành viên của Limebócx, bộc bạch. Không chỉ vậy, những thành viên của Limebócx hay Những đứa trẻ và Chú cá lơ đều phải tự tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những nghệ sĩ, nhóm/ban nhạc đi trước kể từ việc thu âm, cho đến quảng bá, tiếp cận khán giả…
“Trong đời sống âm nhạc, cũng như nền công nghiệp âm nhạc vẫn còn non trẻ, mới nhen nhóm phát triển và gần như chưa có sự giao thoa với bên ngoài, những nghệ sĩ trẻ ở VN rất hạn chế về kiến thức cũng như cơ hội. Họ có rất ít cơ hội biểu diễn dù có luyện tập hay có sản phẩm âm nhạc chỉn chu đi chăng nữa. Không mấy nhà sản xuất âm nhạc dám giới thiệu họ tới những buổi biểu diễn, nhất là những chương trình kinh doanh bán vé lại càng không”, nhạc sĩ Quốc Trung nhận xét. Theo anh, chính việc không có điều kiện để phát triển khiến nhiều nghệ sĩ, nhóm/ban nhạc độc lập nhen nhóm hoạt động rồi lụi làn. Tất nhiên, theo nhạc sĩ, việc phát triển này cần nhìn nhận ở cả hai phía, một là môi trường, hai là từ chính những nghệ sĩ.
“Họ cần có định hướng, kế hoạch phát triển chuyên nghiệp cũng như sự sáng tạo trong việc giới thiệu âm nhạc của mình tới khán giả”, anh nói. Trên thực tế, có nghệ sĩ hay nhóm nhạc vài năm mới làm được một album. “Quá chậm so với đòi hỏi của thị trường”, nhạc sĩ Quốc Trung nhìn nhận. Cũng theo anh, ở VN, những nghệ sĩ, nhóm/ban nhạc độc lập hầu như vẫn phải tự mò mẫm trong mọi khâu, việc đó rất mất thời gian.
|
Nhiều cơ hội từ nền tảng nhạc số
Đêm nhạc vừa diễn ra tại Viện Pháp (Hà Nội) là hoạt động mở đầu cho dự án LiveSpace Vietnam mà Viện Pháp cùng nhiều đơn vị như Monsoon Festival, nhà phát hành Believe (Believe Distribution Services, Pháp) tổ chức để tìm kiếm và hỗ trợ phát triển những nghệ sĩ, nhóm/ban nhạc độc lập.
“Dự án được chia thành nhiều giai đoạn. Trong đó, chúng tôi sẽ chọn khoảng 15 nghệ sĩ, hay nhóm/ban nhạc tài năng để tham gia những chương trình đào tạo, tư vấn, huấn luyện giúp họ tự tin và gia nhập thị trường âm nhạc”, ông Thierry Vergon, Giám đốc Viện Pháp tại VN, nói. Theo dự kiến, cứ 2 tháng, LiveSpace Vietnam sẽ mang đến một buổi biểu diễn giới thiệu những nghệ sĩ trẻ tới công chúng. Nhạc sĩ Quốc Trung cũng là người tham gia những hoạt động chính của dự án LiveSpace Vietnam. Trước đó, ngay khi làm tổng đạo diễn của chương trình Rock Storm và sau này là Monsoon Festival, nhạc sĩ Quốc Trung vẫn thường tìm kiếm và đưa những nghệ sĩ trẻ đến với những sân chơi của mình.
Năm ngoái, dự án Bandland của nhạc sĩ Dương Cầm được khởi động, là nơi mà các nhóm/ban nhạc được chơi thứ âm nhạc họ đam mê và sáng tạo, không bó buộc trong một khuôn khổ nào. “Tại Bandland chúng tôi mong muốn tạo ra một cộng đồng từ sự chia sẻ, học hỏi và gắn kết với nhau”, nhạc sĩ Dương Cầm chia sẻ. Bandland đã đưa những nhóm/ban nhạc độc lập tới gần khán giả hơn qua những buổi diễn trực tuyến từ phòng thu và cả những chương trình trực tiếp. Mặc dù dự án Bandland khai thác trên nền tảng số, nhưng nhạc sĩ Dương Cầm cho biết anh không đặt hy vọng kiếm tiền từ đây, mà chỉ cốt tạo sân chơi để đưa những nhóm/ban nhạc tiềm năng đến những sân khấu lớn hơn. “Họ có những show diễn và hưởng lợi từ đấy”, anh cho hay.
Trong khi đó, nhà phát hành Believe lại đặt hy vọng về cơ hội chia sẻ lợi nhuận với những nghệ sĩ, nhóm/ban nhạc tiềm năng được phát hiện từ dự án LiveSpace Vietnam. “Chúng tôi muốn hỗ trợ để những nghệ sĩ trẻ có thể mang âm nhạc của mình đến nền tảng nhạc số. Đây cũng là nơi mang đến những thử nghiệm dành cho khán giả. Đồng thời, qua đây, nghệ sĩ cũng thấy được âm nhạc của mình có thể tiếp cận đến đối tượng khán giả nào, từ đó đưa ra những hình thức marketing (tiếp thị), truyền thông cần có. Người nghe cũng sẽ trả phí khi nghe sản phẩm của họ”, bà Tôn Nữ Như Ngọc, đại diện nhà phát hành Believe, nói. Bà Ngọc cũng cho biết thêm tại châu Âu, những nghệ sĩ độc lập có doanh thu tốt từ nhạc số, đồng thời qua việc tiếp cận khán giả như vậy, số lượng chương trình biểu diễn của họ cũng tăng lên.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, việc xuất hiện của những nghệ sĩ, nhóm/ban nhạc độc lập sẽ mang đến nhiều mới mẻ cho đời sống âm nhạc. “Bao năm nay, những chương trình âm nhạc có mô hình tổ chức rất đơn điệu, các ngôi sao ca nhạc hay những ca sĩ có tiếng thay nhau lên hát 1 - 2 bài rồi về. Mô hình đó nay đã lỗi thời và khiến đời sống âm nhạc ít phong phú, chưa có sự đa dạng về thể loại âm nhạc, thiếu vắng những gương mặt mới”, anh nhìn nhận.
Việc những nhóm/ban nhạc như Dalab, Ngọt, Chillies… bắt đầu có chỗ đứng trong đời sống âm nhạc, được khán giả yêu thích nhiều hơn cho thấy nhiều cơ hội đến với những nghệ sĩ độc lập, đặc biệt khi nền tảng nhạc số phát triển. “Họ có tiềm năng nhưng để phát triển thành tài năng lại là do nỗ lực từ chính họ. Những nhà sản xuất như tôi có thể dành sự hỗ trợ, nhưng các bạn ấy phải mở rộng tầm nhìn, tìm sự lựa chọn cho mình”, nhạc sĩ Quốc Trung nói.
Bình luận (0)