Bể xương ở hang Cắc Cớ chùa Thầy

19/11/2010 22:47 GMT+7

Hang Cắc Cớ thuộc khu di tích chùa Thầy ở xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) đang được dư luận quan tâm đặc biệt vì có người cho rằng trong hang này có bể chứa đến 3.600 bộ xương người.

Vượt qua hơn 200 bậc đá, lên tới đỉnh chùa, qua một sườn đá thoai thoải nhưng trơn trượt và hiểm trở, chúng tôi đến cửa hang. Hang sâu thẳm, tối om, phải dùng đèn pin và đi dò dẫm từng bước mới có thể xuống được. Đi qua những bậc thang dựng đứng, lổn nhổn đá, mới thấy hiện ra bể chứa hài cốt. Bể rộng được xây bằng đá, có một bàn thờ nhỏ phía trước và chỉ có một lỗ vuông đầu người chui lọt. Soi đèn pin thật kỹ, thò đầu qua lỗ vuông, cảm giác ớn lạnh sống lưng chợt ùa đến: trong bể có nhiều chiếc sọ người cùng xương cẳng tay, cẳng chân và vô số những mảnh xương, mảnh sọ vỡ đã ngả màu vàng, màu đen. Chen lẫn là tiền thật, tiền âm phủ, rác...

Tôi đã xuống tận nơi, không có chuyện có tới hàng nghìn bộ hài cốt như vậy. Bể hài cốt này đã nhuốm màu truyền thuyết thì cứ nên để nguyên màu truyền thuyết như thế, không cần nghiên cứu hay động vào đó

PGS-TS Nguyễn Lân Cường

Ông Tạ Văn Chính, người gác cổng hang Cắc Cớ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện có phần huyền bí về nguồn gốc của bể chứa hài cốt. “Chuyện kể rằng, tướng Lữ Gia cùng nghĩa quân, sau khi thất thế, đã đưa quân lính trốn vào hang để lánh giặc. Nhưng không may bị giặc phát hiện và lấp kín cửa hang. Không còn đường ra, cả nghĩa quân hàng ngàn người phải chôn thây nơi hang Cắc Cớ này”, ông Chính chậm rãi kể.

Qua lời kể được truyền qua nhiều thế hệ, ông Chính cho hay khi tìm thấy hang, người ta chứng kiến những bộ hài cốt này nằm trong một hố như cái giếng, có bộ nằm chồng lên nhau, có bộ dựa vào vách đá. Cách đây hàng trăm năm, người dân tiến hành xây một chiếc bể vuông, tựa luôn vào vách và dùng để chứa hài cốt. Không ai thống kê được số lượng hài cốt cụ thể chứa trong bể, nhưng trên tấm bia ghi bên ngoài bể (bằng tiếng Hán), dịch ra đại ý Lữ Gia chống Hán lưu sử sách/Bể hận ngàn xương mãi mãi ghi, thì trong hang, số hài cốt ước tính hàng nghìn bộ (hàng nghìn người - PV). Theo khẳng định của ông Chính, việc một số người cho rằng trong bể có khoảng 3.600 bộ xương, chỉ là sự thêu dệt của những người bán hàng, người dân để hang thêm linh thiêng.


Đường xuống hang Cắc Cớ - Ảnh: Lê Quân

“Trước kia, bể xương đầy lắm, gần chạm lỗ vuông, nhưng khi nhiều người tìm đến tham quan, mỗi người ném một ít vàng mã, gạo, muối vào, rồi đốt đuốc để xem, thì những bộ xương đang ngả màu vàng và mủn ra, sụp dần xuống”, ông Chính kể. Theo lời ông, cách đây khoảng vài năm, có một nhóm thanh niên khám phá ra dòng nước dưới hang động sâu. Tại dòng nước này, họ nhặt được khá nhiều xương và đem bỏ thêm vào bể.

Về con suối được gọi là “suối xương” dưới lòng hang, ông Chính nói đó chỉ là cách gọi có phần cường điệu hóa của một số người. “Thật ra, phía sâu bên dưới lòng hang có một dòng nước. Dưới dòng nước này, một số người thám hiểm đã nhặt được một số bộ hài cốt, chắc cũng của nghĩa quân xưa kia, chứ không có chuyện con suối chất đầy xương như một số người vẫn nghĩ”, ông Chính nói. Dòng nước ở rất sâu dưới lòng hang nên muốn đến được có khi phải mất hơn nửa ngày.

Nhiều phỏng đoán khác nhau

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lữ Gia là tướng nhà Triệu, nước Nam Việt (thế kỷ 2 trước Công nguyên). Dưới triều Thuật Dương Vương (111 TCN), Lữ Gia giữ chức Tể tướng. Tuy vậy, các nhà sử học, giới khảo cổ VN có nhiều phỏng đoán khác nhau, hầu hết đều không giống với truyền thuyết.

Chưa có một cuộc nghiên cứu nào được tiến hành, vì thế, tất cả ý kiến của các nhà khoa học đưa ra đều chỉ dừng ở mức phỏng đoán, chứ không có căn cứ chính xác. Theo ý kiến của một nhà sử học không nêu tên thì đây là xương cốt của nghĩa quân người Việt bị quân nhà Minh giết khoảng thế kỷ thứ 14, 15. Một nhà sử học khác cũng không muốn nêu tên cho rằng, vào cuối thế kỷ 19, quân Cờ Đen (nhà Thanh) do Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu tràn sang nước ta và hoành hành quanh vùng núi Thầy. Người dân ở đây chạy vào hang để tránh và chết ở trong. Một nhà khảo cổ học khác thì phỏng đoán các bộ xương này có thể là của chính quân Cờ Đen. Theo ý kiến của các nhà khoa học, con số đó chỉ khoảng trăm bộ mà thôi.

Theo các nhà khoa học, để biết được chính xác chỉ có cách là xác định niên đại, tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường thì: “Không nên động vào số xương cốt này vì động vào cũng không có ý nghĩa gì”. Theo một nhà sử học khác, trước kia số hài cốt này rải rác ở đáy hang, nay để chung vào trong bể, những vong linh quy lại thành mộ chung, địa táng như vậy về mặt tâm linh không có vấn đề gì.

Minh Ngọc (ghi)

Lê Quân - Trần Đan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.