Một địa điểm đa tầng văn hóa
Trên cùng một địa điểm, lần lượt hiện diện hai tòa thành hai vương triều của hai tộc người cách nhau hơn 300 năm, với hai tên gọi: Đồ Bàn (thời Champa), Hoàng Đế (thời Tây Sơn), cùng giữ vai trò kinh đô trong mỗi giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, nguồn sử liệu về hai tòa thành, về hai kinh đô này lại quá ít.
Dưới thời kinh đô Đồ Bàn - Vijaya, nhiều lần bị chiến tranh tàn phá, kinh đô liên tục được tu bổ, phục hồi, xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau, dấu tích kiến trúc xây dựng trước và di tích kiến trúc xây dựng sau chồng xếp lẫn lộn.
Sau hơn 300 năm hoang phế, thành Đồ Bàn được Nguyễn Nhạc cho tu sửa lại, định đô và lập ra vương triều Thái Đức. Ngoài việc mở rộng quy mô, đào đắp kiên cố, nhiều công trình kiến trúc được xây dựng trên nền cũ. Di tích kiến trúc kinh đô Đồ Bàn xưa bị lớp kiến trúc thời Tây Sơn bao phủ.
|
Năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm thành Hoàng Đế “đổi tên thành ấy gọi là thành Bình Định, để Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ thượng thư Ngô Tùng Châu trấn thủ” (Đại Nam liệt truyện chính biên). Năm 1800, quân Tây Sơn vây hãm thành, Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử, Võ Tánh tự thiêu ở lầu Bát Giác, quân Tây Sơn chiếm lại thành.
Năm 1801, khi Phú Xuân thất thủ, quân Tây Sơn bỏ thành Hoàng Đế, theo đường thượng đạo rút quân ra Bắc. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, kinh đô Hoàng Đế bị triệt hạ, xây dựng trấn thành Bình Định. Năm Gia Long thứ 7, trấn thành Bình Định dời về hai thôn Kim Châu và An Nghĩa, huyện Tuy Viễn (cách thành Hoàng Đế 3 km về phía nam).
Khi xây thành Bình Định, nhà Nguyễn đã tận dụng vật liệu đá ong tháo dỡ từ thành Hoàng Đế. Để tưởng nhớ hai trung thần Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, nhà Nguyễn cho xây dựng lăng mộ Võ Tánh và đền Song Trung ngay trên nền cung điện hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc, trong khuôn viên hình chữ nhật (dài 174 m, rộng 126 m); xung quanh ba mặt Bắc, Đông, Tây là tường đá ong dày, riêng mặt Nam xây một lớp tường vữa vôi dày khoảng 20 cm trên nền móng đá ong của tường thành cũ và xây cổng tam quan.
|
Một lần nữa, địa điểm xây hai lần kinh đô bị chiến tranh tàn phá, toàn bộ kiến trúc cung đình kinh đô Hoàng Đế của Thái Đức - Nguyễn Nhạc, triều đại đầu tiên nhà Tây Sơn bị san bằng, một lớp văn hóa mới của nhà Nguyễn - Gia Long tiếp tục chồng lấp lên hai lớp văn hóa Champa và Tây Sơn.
Phát lộ kiến trúc cung đình, tường thành trong lòng đất
Tính phức tạp của tòa thành chồng xếp nhiều vỉa tầng văn hóa đã dẫn đến những ý kiến khác nhau của các nhà sử học và các nhà khảo cổ về quy mô cấu trúc không gian “Tử thành” (thành con) và thành nội của thành Hoàng Đế, cùng những nhận thức khác nhau về quy hoạch những công trình kiến trúc cung đình của Hoàng đế Thái Đức, công bố khảo cổ học lần trước bị nhận thức khảo cổ học lần sau phủ nhận.
|
Trước khi khảo cổ học can thiệp, chúng ta chỉ biết thành Hoàng Đế qua sử liệu, vì tất cả những kiến trúc cung đình của vương triều Thái Đức bị nhà Nguyễn triệt hạ và chôn vùi trong lòng đất, ngoại trừ thành ngoại và tường thành khu vực lăng Võ Tánh bị bào mòn theo thời gian.
Trong những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu đóng góp của nhà Tây Sơn trong lịch sử, thành Hoàng Đế cũng được biết đến qua các đợt khảo sát nghiên cứu và các cuộc khai quật khảo cổ học, diện mạo thành Hoàng Đế dần lộ diện sau khi được khảo cổ học phát lộ một số di tích kiến trúc cung đình như: nền móng cung điện Bát Giác, cung Quyển Bồng, các thủy hồ hình trăng khuyết, hồ hình lá đề, Đàn Nam Giao, nền móng tường thành …
Cuộc khai quật khảo cổ học lần thứ 5 (năm 2012) với mục đích tìm kiếm tư liệu phục vụ cho việc lập luận chứng, cơ sở khoa học cho công tác trùng tu phục hồi, tôn tạo các hạng mục di tích trong khu Tử thành. Với 5 hố khai quật, tổng diện tích 550 m2, các nhà khảo cổ đã bóc tách làm xuất lộ thủy hồ hình trăng khuyết phía Đông điện Bát Giác, các đoạn bờ tường thành phía Đông của Tử thành kéo dài lên phía Bắc, bờ thành góc Đông-Bắc và góc Tây-Bắc Tử thành.
|
Kết quả khai quật đã làm rõ không gian khu Tử thành được mở rộng về phía Bắc, có mặt bằng hình chữ nhật theo hướng Bắc-Nam, dài 312 m, rộng 126 m và chia làm hai khu, ngăn cách bởi bức tường ngăn, có một cửa thông nhau ở giữa tường ngăn. Khu phía Nam - khu hành cung, dài 174 m, rộng 126 m, cửa chính mở về hướng Nam với các di tích kiến trúc thời Tây Sơn như điện Bát Giác, thủy hồ, cung Quyển Bồng, nhà thờ tổ tiên vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc…
Khu phía Bắc - khu sinh hoạt của hoàng tộc, dài 138 m, rộng 126 m, có dấu vết điện Chánh Tẩm (nơi ở của nhà vua) và Hậu cung. Thành Hoàng Đế là một trong những ngôi cổ thành lớn của triều đại phong kiến Việt Nam, hiện nay những cuộc khai quật khảo cổ chỉ mới phát lộ những công trình kiến trúc cung đình bên trong Tử thành, cần tiếp tục khai quật khảo cổ diện rộng.
Tuy nhiên, những kết quả khảo cổ đã cho ta nhận định: dù được xây dựng và tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng diện mạo thành Hoàng Đế của vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc đã khẳng định sự quy chỉnh, bề thế một hoàng cung của Vương triều.
Một thương gia người Anh đã chép lại khi đến thăm thành Hoàng Đế: “Sau buổi tiếp kiến giữa triều đình, tại buổi tiếp riêng tại tư thất… đó là một ngôi điện chầu lợp ngói, xây cất theo kiểu nhà người Đàng Trong, được chống đỡ bởi những hàng cột bằng gỗ quý”.
|
Bình luận (0)