Biểu diễn nghệ thuật nơi công cộng vẫn cần xin phép

31/07/2017 06:59 GMT+7

Theo nhạc sĩ - luật sư Lê Quốc Thắng (Văn phòng luật sư Hữu Trí), hiện nay khi các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố bắt đầu phổ biến hơn, cần điều chỉnh hoặc có những quy định cụ thể hơn.

Vụ việc một cậu bé 15 tuổi bị “truy” giấy phép biểu diễn khi chơi đàn violon tại khu vực phố đi bộ hồ Gươm (Hà Nội) đang gây xôn xao cộng đồng mạng, đồng thời đặt ra những câu hỏi về việc biểu diễn nghệ thuật ở nơi công cộng.
Theo chia sẻ trên Facebook của mẹ cậu bé - chị Bùi Thị Thanh Hằng (Hà Nội), vào ngày 28.7, con trai chị chơi đàn violon ở khu vực phố đi bộ hồ Gươm, tại đường Đinh Tiên Hoàng, nhiều người dân và du khách dừng lại lắng nghe. Phía trước cậu bé có đặt hộp đàn để những người thưởng thức ủng hộ tiền, số tiền này được cho biết sẽ dùng vào hoạt động từ thiện. Giữa lúc cậu bé đang chơi đàn, lực lượng công an tới yêu cầu dừng lại vì cậu không có giấy phép biểu diễn. Chị Hằng cho biết, gia đình chị bức xúc vì thái độ của lực lượng công an. “Các anh hoàn toàn có thể gặp bố mẹ cháu, hỏi han và hướng dẫn chúng tôi nếu hoạt động đó cần phải xin phép”, chị Hằng chia sẻ trên Facebook. Hiện tại, các đơn vị liên quan đang làm báo cáo về vụ việc để cơ quan chức năng kiểm tra, giải quyết.
Phải thông báo, xin phép
Ngày 30.7, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, cho biết ông đang đi công tác nên chưa kiểm tra, xác minh được cậu bé 15 tuổi kéo violon có quyên góp tiền từ thiện hay chỉ chơi nhạc thôi. Tuy nhiên theo quy định, trong trường hợp biểu diễn để xin tiền, hoặc quyên góp từ thiện cần phải thông báo. “Nếu không quản lý, ai cũng vào đó biểu diễn để xin tiền hay đặt hòm từ thiện gây nhiễu loạn là không được”, ông Động nói. Ngoài ra, ông Động cho biết theo quy định, biểu diễn nghệ thuật trước công chúng đã cần phải thông báo, nhất là khi biểu diễn tại khu vực phố đi bộ - nơi tập trung đông du khách, cần đảm bảo sự văn minh cũng như an ninh thì việc đó lại càng cần thiết.
Mới đây, một clip quay cảnh một số nghệ sĩ violon ngẫu hứng biểu diễn tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đã phải tạm ngưng theo yêu cầu của nhân viên an ninh sân bay cũng nhận nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng chơi nhạc giúp người xung quanh có khoảnh khắc dễ chịu, số khác không đồng tình và nêu ý kiến: chơi nhạc trong khu vực chờ bay như vậy có được phép không, lỡ hành khách say sưa nghe nhạc mà không để ý thông báo của phát thanh viên sân bay thì sao?
Nhạc trưởng Lưu Quang Minh, người đầu tiên chia sẻ video này, cho biết hôm ấy anh và các nghệ sĩ thuộc dàn giao hưởng trẻ Maius Philharmonic (Hà Nội) nhận được thông báo chuyến bay về Hà Nội sẽ bị chậm hơn 30 phút. “Hôm đó chúng tôi chỉ định ngẫu hứng chơi một bài nhẹ nhàng, khoảng 3 - 5 phút thôi, không ngoài mục đích giúp mọi người cùng thư giãn. Vì từng tham gia biểu diễn cũng như xin phép tổ chức biểu diễn ở những nơi công cộng, chúng tôi biết rõ các quy định”, anh nói.
Cần có những quy định cụ thể hơn


Mẹ cậu bé chơi violon rút lại “lời nói thiếu căn cứ”
Chiều qua 30.7, trên trang Facebook cá nhân, chị Bùi Thị Thanh Hằng đã viết status gửi lời xin lỗi đến các chiến sĩ công an, do trước đó “đăng tải thông tin xúc phạm lực lượng an ninh về sự việc diễn ra khi tôi không có mặt ở đó”, và xin rút lại lời nói thiếu căn cứ.

Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long, thành viên của nhóm xẩm Hà Thành, tham gia biểu diễn thường xuyên trên phố đi bộ hồ Gươm, cho biết mặc dù nhóm hợp tác với Trung tâm văn hóa thể thao Q.Hoàn Kiếm nhưng các chương trình biểu diễn luôn phải có phép. “Chúng tôi phải gửi kế hoạch theo tháng tới cơ quan quản lý để được duyệt. Tuy nhiên, việc xin phép và duyệt các chương trình biểu diễn đường phố đơn giản hơn rất nhiều so với chương trình biểu diễn trong nhà hát”, anh Long nói. Nghệ sĩ từng lưu diễn ở châu Âu này cho biết không tuân thủ quy định có thể bị nhắc nhở, cảnh cáo hoặc thậm chí tịch thu dụng cụ, treo hoặc tước giấy phép; cấm biểu diễn trong thời gian cụ thể…tại Paris (Pháp), có chỗ người nghệ sĩ đường phố chỉ được biểu diễn trong vạch vôi khoanh lại, đi ra ngoài là bị phạt. Ở nhiều nước phương Tây, ngay như tại ga tàu điện ngầm, nghệ sĩ đường phố muốn hát cũng phải xin phép và phải đứng hát ở đúng nơi quy định.
Ông Lê Hữu Luận, Giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, cho rằng dù biểu diễn nơi công cộng hay ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, nếu đã có mục đích (từ thiện hay phục vụ cộng đồng) thì việc thông qua Sở VH-TT địa phương khi tổ chức là chuyện bình thường, lâu nay các đơn vị/cá nhân tổ chức luôn được cơ quan chức năng tạo điều kiện biểu diễn. Nếu không cho phép, đơn vị quản lý sẽ cho biết lý do. “Ngay cả các chương trình biểu diễn phục vụ miễn phí cuối tuần trước Nhà hát TP.HCM - nơi thuộc quản lý của trung tâm, cũng phải xin phép Sở VH-TT TP.HCM”, ông nói.
Điều 15 của Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, có ghi: “Khi tổ chức biểu diễn nghệ thuật quần chúng, không phải đề nghị cấp giấy phép nhưng phải thực hiện các quy định như khi tổ chức trong khu dân cư, trong nội bộ nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cơ sở do người tổ chức chịu trách nhiệm; khi tổ chức ngoài phạm vi nội bộ, phải thông báo bằng văn bản về mục đích, phạm vi, nội dung chương trình, thời gian, địa điểm biểu diễn với Sở VH-TT-DL nơi biểu diễn ít nhất 5 ngày làm việc trước ngày biểu diễn”.
Theo nhạc sĩ - luật sư Lê Quốc Thắng (Văn phòng luật sư Hữu Trí), hiện nay khi các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố bắt đầu phổ biến hơn, cần điều chỉnh hoặc có những quy định cụ thể hơn. “Nhạc cụ nào được biểu diễn mà không cần xin phép, âm lượng bao nhiêu hoặc quy mô biểu diễn thế nào thì phải xin phép, và nếu biểu diễn vì mục đích từ thiện thì quy mô của quỹ từ thiện đó ra sao mới xin phép… Tất cả cần được ghi rõ”, anh Thắng nói.
Nhiều nước quy định nghiêm ngặt
Chính quyền nhiều thành phố trên thế giới đặt ra những quy định chi tiết về hoạt động biểu diễn nơi công cộng có thu lợi nhuận. Điểm chung là nghệ sĩ cần các loại giấy phép phù hợp và thường phải trả phí. Theo website của chính quyền TP.Sydney (Úc), mức phí là 13 AUD (236.000 đồng)/quý hoặc 47 AUD/năm. Tại Vancouver (Canada), mức phí là 118 CAD (2,1 triệu đồng)/năm. Người biểu diễn phải tuân thủ các quy định về địa điểm và thời gian sử dụng loa, không cản trở giao thông, tuân thủ an toàn khi biểu diễn, số người tham gia biểu diễn... Không tuân thủ quy định có thể bị nhắc nhở, cảnh cáo hoặc thậm chí tịch thu dụng cụ, treo hoặc tước giấy phép; cấm biểu diễn.
Tại New York (Mỹ), việc biểu diễn trên đường phố không cần phải xin phép, nhưng người biểu diễn phải đề nghị cấp giấy phép sử dụng loa. Tại Anh, nghệ sĩ đường phố không được trưng những tấm biển kêu gọi quyên tiền và nếu muốn bán sản phẩm cần có giấy phép; trẻ em dưới 14 tuổi không được biểu diễn, theo trang Gov.uk. Bảo Vinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.