Bộ dụng cụ dệt bằng gỗ vùng Phú Chánh còn nguyên sau 2.000 năm

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
28/02/2021 06:38 GMT+7

Được chôn theo người đã mất, bộ dụng cụ dệt gỗ quý giá cho thấy vùng đất Bình Dương có thể là một trung tâm dệt xưa.

Những thanh gỗ nhỏ bí ẩn

Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ khi PGS-TS Bùi Chí Hoàng và các đồng nghiệp khai quật được bộ dụng cụ dệt ở xã Phú Chánh (H.Tân Uyên, Bình Dương) trong khu vực ruộng nước dọc theo một con suối. Khi đó, chúng chỉ là những thanh gỗ bí ẩn được phát hiện cùng với một chum gỗ nắp trống đồng và nhiều mảnh đồ gốm vỡ, sợi vải thô nhỏ. Việc khai quật kéo dài trong 3 năm, từ 1998 - 2001, cho kết quả là hơn 20 thanh gỗ nhỏ.
“Lúc mới phát hiện, chúng tôi không thể nhận diện ngay đấy là một bộ dụng cụ dệt gỗ. Sau này, nhờ nghiên cứu, so sánh, chúng tôi mới biết đó là bộ dụng cụ dệt. Chúng tôi cũng tổ chức một hội thảo khoa học nhỏ nhỏ để nhận diện chức năng và giá trị của những hiện vật đó”, PGS-TS Bùi Chí Hoàng nhớ lại.
Bộ dụng cụ dệt Phú Chánh gồm 2 dao dệt hình dạng giống nhau, 2 trục dệt hình dạng giống nhau và 16 thanh có nấc. Các hiện vật hầu hết còn nguyên dạng. Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, rất khó có thể tìm được những di vật bằng gỗ cách đây hơn 2.000 năm ở những khu vực khác ở Nam bộ còn tương đối nguyên vẹn như ở Phú Chánh (Bình Dương).
“Đồ gỗ mà niên đại trên 2.000 năm thì không thể nào tin được là nó còn. Nhưng có cái đặc biệt là nó nằm ở một vùng sình lầy, thành ra lầy tạo môi trường yếm khí và giữ được gỗ chứ không dễ gì giữ được. Bình thường là tiêu hết. Cái quý là đồ gỗ mà giữ được. Giá trị bảo vật của nó đấy cũng là một phần”, PGS-TS Bùi Chí Hoàng phân tích.
Mặc dù vậy, các nghiên cứu cũng cho thấy đây không phải là một bộ dụng cụ dệt đã qua sử dụng. Khi quan sát bề mặt của một số hiện vật trong bộ dụng cụ, nhất là các thanh gỗ có nấc, chúng hầu như chỉ được chặt đẽo, gia công không trau chuốt, không có dấu ấn của việc đã qua sử dụng. Chính vì thế, các nhà nghiên cứu cho rằng những đồ gỗ có dạng như dụng cụ dệt tại di tích Phú Chánh về kích thước gần giống những dụng cụ dệt đích thực. Các thanh gỗ có dạng dụng cụ dệt này được chế tác phỏng theo ở mức độ nhất định những dụng cụ dệt mà người đương thời đang sử dụng để chôn theo người quá cố theo tục lệ của cộng đồng. Nói cách khác, đây chính là dụng cụ dệt cổ xưa bằng gỗ được chế tác dưới dạng đồ tùy táng chôn theo người chết.
Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh được cho là có niên đại từ khoảng cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 1. Các nhà khoa học đưa ra con số này vì nhóm hiện vật được tìm thấy cùng với mộ chum gỗ nắp trống đồng (đã được công nhận bảo vật quốc gia hồi 2018). Theo đó, trong chum gỗ có chiếc gương đồng Tứ nhũ tứ ly thuộc thời Tân Hán, có niên đại thế kỷ 1, còn trống đồng có niên đại từ thế kỷ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 1.

Vùng Bình Dương từng là trung tâm dệt vải

PGS-TS Bùi Chí Hoàng cho biết một hội thảo khoa học để nhận diện chức năng và giá trị của bộ dụng cụ dệt Phú Chánh đã được tổ chức hồi 2001. Theo đó, các nhà nghiên cứu đều cho rằng đó là một phát hiện có giá trị. Các bộ công cụ dệt xưa như vậy không dễ gì có được. “Qua các cứ liệu lịch sử, có thể khẳng định đây là những kết cấu của loại khung dệt theo kiểu ngồi gấp gối, mà hiện nay một số dân tộc ít người ở Tây nguyên và Đông Nam Á... vẫn còn sử dụng. Sau này, các nhà nghiên cứu trẻ cũng làm một clip mô phỏng việc bộ dụng cụ dệt đó được sử dụng dệt vải như thế nào”, ông Hoàng nói.
Hiện vật trong bộ dụng cụ dệt Phú Chánh Ảnh: Tư liệu Cục Di sản văn hóa

Hiện vật trong bộ dụng cụ dệt Phú Chánh

Ảnh: Tư liệu Cục Di sản văn hóa

Bộ dụng cụ dệt này cùng với trống đồng Đông Sơn, gương đồng Tây Hán và loại hình chum mai táng bằng gỗ cho thấy giá trị khoa học và lịch sử độc đáo của Bình Dương. Trong đó, nổi bật nhất là táng thức mới độc đáo và hiện vật chôn theo thể hiện mối giao lưu văn hóa diện rộng. Đó là giao lưu giữa khu vực Đông Nam bộ với văn hóa Đồng Nai, táng thức mộ chum từ văn hóa Sa Huỳnh dọc duyên hải miền Trung, với văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam bộ và trống đồng từ văn hóa Đông Sơn.
Đặc biệt, theo hồ sơ bảo vật quốc gia, bộ dụng cụ dệt này còn cho thấy sự xuất hiện của nghề dệt vải cùng các thiết bị dệt tiệm cận với kỹ thuật dệt ở trình độ cao. Những mảnh vải có màu đầu tiên được phát hiện trong di tích Phú Chánh thể hiện sự phát triển cao của xã hội thời bấy giờ. Nghề dệt được phát hiện trong các di tích Cù Lao Rùa - Dốc Chùa với các di vật dọi xe sợi bằng gốm, đến di tích Phú Chánh với các thiết bị dệt bằng gỗ là một quá trình phát triển gần 1.000 năm.
“Điều này minh chứng rằng: nghề dệt ở vùng đất Bình Dương là một quá trình chứ không bị ngắt đoạn. Từ đó, có thể thấy: Bình Dương là trung tâm của nghề dệt trong tiến trình khai phá và chiếm lĩnh vùng đất Nam bộ xưa”, hồ sơ nêu rõ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.