Vở kịch Sài Gòn của đạo diễn trẻ mang hai dòng máu Pháp Việt là câu chuyện đa âm sắc, kể lại cuộc đời của những người Pháp, người Việt hay Việt kiều (như gia đình cô) trong dòng chảy lịch sử kể từ năm 1956, khi quân Pháp cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Lấy bối cảnh chính là nhà hàng của bà Marie-Antoinette, vở diễn khắc họa cuộc đời các nhân vật trong không gian được lồng ghép giữa Paris và Sài Gòn, đan xen giữa hiện tại và quá khứ, qua diễn xuất của các diễn viên người Pháp, Việt lẫn người Pháp gốc Việt.
|
Sài Gòn là tác phẩm được Caroline Guiela Nguyen sáng tạo từ chương trình nghệ sĩ lưu trú - Villa Sài Gòn của Viện Pháp tại Việt Nam, mà cô là một trong những nghệ sĩ tham gia. Đây là dự án dài kỳ dành cho các nghệ sĩ hoặc các nhóm nghệ sĩ quốc tịch Pháp hoặc đang sinh sống tại Pháp, hoạt động ở tất cả các môn nghệ thuật và chuyên về sáng tác đương đại, với mục đích nhằm củng cố, thúc đẩy đối thoại nghệ thuật giữa hai nước Pháp và Việt Nam.
Caroline Guiela Nguyen đã trở lại quê mẹ, đến TP.HCM vào năm 2015 và 2016, trong khuôn khổ chương trình Villa Sài Gòn để hòa nhập thực tế, tìm hiểu và thu thập chất liệu cho vở kịch, mà trong đó bolero - thể loại âm nhạc không thể thiếu khi nhắc đến Sài Gòn xưa đã được nữ đạo diễn lồng ghép vào tác phẩm mang chủ đề Sài Gòn.
|
Trước khi đến với khán giả TP.HCM, vở Sài Gòn gây tiếng vang lớn tại Liên hoan sân khấu quốc tế Avignon lần thứ 71, nhận được 3 đề cử cho giải Molières (giải thưởng của lĩnh vực kịch nghệ ở Pháp), liên tục công diễn tại các nhà hát danh giá nhất của Pháp và các nước, nhận được nhiều lời khen từ các tờ báo lớn của Pháp như Le Monde, Libération, Les Echos, Télérama...
Nhân chuyến lưu diễn quốc tế, Viện Pháp tại Việt Nam mời Caroline Guiela Nguyen và đoàn kịch của cô - Les Hommes Approximatifs biểu diễn tác phẩm này. Đây cũng là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm nhằm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp.
Bình luận (0)