Bóng hồng bên danh nhân - Kỳ 2: Tình anh bán chiếu

25/03/2014 00:00 GMT+7

Dù chưa bao giờ hành nghề bán chiếu cả, nhưng hễ nhắc đến bản cải lương Tình anh bán chiếu (của soạn giả Viễn Châu) thì ngay lập tức người ta nhớ đến “ông vua vọng cổ” Út Trà Ôn.

>> Bóng hồng bên danh nhân: 'Hoa hậu Lambretta' của Bùi Giáng

 Bóng hồng bên danh nhân - Kỳ 2: Tình anh bán chiếu
Nghệ sĩ Út Trà Ôn - Ảnh: T.L

Từ cuộc thi ca lãnh thưởng bằng rượu

Quả vậy, khi nghe danh ca Út Trà Ôn ca Tình anh bán chiếu, người nghe cảm nhận được trong đó sự phong phú của dân ca miền Nam với đủ các điệu lý, hò, vè, nói thơ Vân Tiên... qua làn hơi thiên phú của ông: “Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm. Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp tôi gối đầu mỗi đêm... Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kênh Ngã Bảy. Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra... chào. Cửa vườn cô đã khóa kín tự hôm nào...”.

Út Trà Ôn tên thật là Nguyễn Thành Út, sinh năm 1919 tại làng Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, H.Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long). Ông là út trong gia đình có 10 người con, nên dân quanh vùng quen gọi là cậu Mười Út. Cậu Mười Út chưa học hết cấp 1 nhưng nhờ vào trí nhớ tuyệt vời và khả năng bắt chước giọng hát người khác rất lẹ nên lúc nào cậu cũng túc trực bên chiếc máy đĩa để nghe say sưa giọng ca của các tài tử hồi đó như cô Tư Sạn, Tư Bé, Năm Nghĩa, Tám Thưa, Bảy Cao, Năm Phổi, Hồng Châu… rồi bắt chước ca lại, rất đúng nhịp. Với giọng ca thiên phú, mỗi lần cậu Mười Út cất giọng là có một đám nông dân quây lại tán thưởng. Tiếng tăm của cậu Út lan sang những vùng lân cận, họ gọi cậu là “Út Trà Ôn”.

Tuổi 20, cậu Út cùng vài người bạn rủ nhau lên Sài Gòn dự cuộc thi tuyển giọng ca hay do một hãng rượu tổ chức tại nhà hàng Đức Thành Hưng trước bùng binh chợ Bến Thành. Mỗi bài ca hay sẽ được thưởng (đơn vị tính là... những chai rượu hiệu Con Mèo). Lần đó, cậu Út “rinh” được nhiều chai rượu nhất, nhưng cậu lại không biết uống nên bạn bè đi theo được một bữa “lết bánh”. Từ cuộc “thi hát lãnh thưởng bằng... rượu” này mà Đài phát thanh Pháp Á mời cậu Út đến ca các bài vọng cổ Thức suốt đêm đông, Sầu bạn chung tình và Tôn Tẩn giả điên. Giọng ca của anh nông dân miệt vườn giờ đây đã được làn sóng phát thanh tỏa đi khắp nẻo, thính giả mọi miền tán thưởng nhiệt liệt. Rồi ông bầu Trúc Viên của gánh hát Tiến Hóa tìm đến, nói với cậu Út: “Nếu anh chịu về với tôi, tôi sẽ soạn tuồng cho hát và sẽ làm cho anh nổi danh”. Với 50.000 đồng tiền Đông Dương ký hợp đồng với bầu Trúc Viên (một kỷ lục thời đó), Út Trà Ôn đã cởi chiếc áo nông dân để “mang hia, đội mão” chễm chệ bước vào làng sân khấu cải lương. Tột đỉnh vinh quang đến với ông vào năm 1960 khi ký giả Trần Tấn Quốc mở cuộc trưng cầu ý kiến của độc giả và Út Trà Ôn đã đạt được danh hiệu “đệ nhất danh ca nam”. Mỹ từ “vua vọng cổ” gắn liền với tên của ông từ đó cho đến ngày ông lìa đời (13.8.2001). 

Đến những mối tình của “vua vọng cổ”

Trong giới nghệ sĩ cổ nhạc, Út Trà Ôn luôn được coi là người có cuộc sống tình cảm mẫu mực và chung tình nhất. Tuy nhiên, “người đi qua đời tôi”, với ông, không chỉ có duy nhất người vợ đầu gối tay ấp đến trọn đời.

Mối tình đầu của chàng nghệ sĩ tài hoa là một thiếu nữ người Cần Thơ nhưng không biết vì nguyên nhân nào mà hai người không đến được với nhau.

Thành công và nổi tiếng ở Sài Gòn nhưng có lẽ vì lưu luyến mối tình đầu nên Út Trà Ôn hay về Cần Thơ thăm lại vùng trời kỷ niệm. Vốn xuất thân từ nông dân nên chuyện ăn uống của chàng nghệ sĩ này cũng rất giản dị. Ở chợ Cần Thơ có một quán cơm bình dân và người ta thường thấy Út Trà Ôn “ngồi đồng” ở đấy. Mỗi lần ông đến quán này là bà con xúm lại coi mặt “đệ nhứt danh ca”. Không hiểu do cơm của quán này ngon hay cô chủ quán xinh đẹp, tính tình hiền lành là nguyên nhân khiến ông thường lui tới, chỉ biết rằng ít lâu sau cô chủ quán cơm trở thành “hoàng hậu” của “vua vọng cổ” khi họ tổ chức đám cưới. Họ sống với nhau cho đến lúc ông xuôi tay...

Tuy nổi tiếng là chung thủy, nhưng vẫn có một giai nhân chen vào đời Út Trà Ôn. Năm 1962, ông Út và người bạn Hoàng Giang lập đoàn Thống Nhất, ít lâu sau có cô Ng.B là người Bình Thủy (Cần Thơ) đến xin nhập đoàn. Vì là chỗ đồng hương nên Ng.B được vợ Út Trà Ôn nâng đỡ. Út Trà Ôn đã đào tạo cô này từ khi đóng những vai phụ đến hạng đào nhì, rồi lên đào chánh. Tình thầy trò dần dần chuyển hóa thành tình yêu lúc nào không hay. Năm 1968, Út Trà Ôn về đoàn Thanh Minh - Thanh Nga của bà bầu Thơ (mẹ nghệ sĩ Thanh Nga) cũng đưa Ng.B về theo và đã xảy ra chuyện lùm xùm quanh chuyến lưu diễn của đoàn này tại Paris (Pháp). Bà bầu Thơ ký hợp đồng với nhà tổ chức bên Pháp là phải có “đệ nhất danh ca” trong đoàn nhưng lại không cho Ng.B đi (vì phải tinh giản). Thế là “vua” phán “không có Ng.B tôi không đi”. Bà bầu Thơ thua một keo. Qua tới Pháp, vì muốn tiết kiệm nên bà bầu Thơ thuê vài phòng lớn cho phái nam và phái nữ ở riêng biệt. “Vua” lại phản đối: “Xưa nay tôi ở phòng riêng quen rồi. Nếu bắt tôi ở chung, mai tôi về Sài Gòn!”. Bà bầu Thơ thua luôn keo thứ hai, bởi vì khán giả bên Tây đã mua sạch vé để coi “đệ nhất danh ca” và Thanh Nga hát, không có ông thì... phá sản!

Người vợ chính thức của Út Trà Ôn cũng biết và chấp thuận chuyện của chồng mình với cô đào Ng.B. Tuy nhiên đến năm 1978 thì cặp này chia tay sau hơn 10 năm gắn bó. Út Trà Ôn chia cho Ng.B một căn nhà ở đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM). Sau đó Ng.B đã lấy chồng khác, có con...

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.