Bữa trà cuối năm - Truyện ngắn của Trúc Thiên

13/01/2019 10:42 GMT+7

1. Chiều rơi những âm thanh loảng xoảng cùng nước mắt ngắn dài của cô con dâu đầu.

 Ba coi được không? Đẹp mặt chưa? Tại trận ngay khách sạn đó ba. Con rình cả tháng trời nay rồi chứ ít ỏi gì. Thôi, ba ở lại con đi, hai đứa nhỏ con đem theo.
Tiếng thằng con trai của ông lại quát tháo ầm ĩ, vang vọng theo từng bước giậm chân thình thịch vào phòng của cô con dâu. Đàn bà gì mà đùng đùng giục chạc. Đã nói là không phải như vậy. Tui đi giải quyết chuyện người ta. Chuyện của ông sếp. Cô muốn tui la làng giữa đường cô mới hả dạ à.
Ông đứng lặng im, ôm hai thằng cháu nhỏ vào lòng. Xoa đầu thủ thỉ biểu tụi nhỏ về phòng coi soạn tập học hành. Lát nữa ông vào dò bài cho. Thuộc bài thì mai ông lại mua cho mấy con siêu nhân.
Tiếng quát tháo nhỏ dần. Ông chậm rãi bắc ấm nước điện. Lần mò năm ba hũ trà trên kệ tủ. Nay ông uống trà sen. Chiều sẫm trời. Tháng mười hai, đêm lúc nào cũng sớm.
2. Tám điện thoại lên hỏi thăm ba điều bốn chuyện, rồi nhắc tới đám mắm mới ủ, mà kỳ này hổng kiếm được muối Bạc Liêu, nên mắm trở, không dậy mùi. Tám tiếc hùi hụi. Mà nè cái hũ trà lài bữa ông gởi về ngon quá ông. Châm bốn bận nước mà vẫn thơm. Nhấp cái nó thanh cuống họng gì đâu. Chạp rồi nghen ông. Nay bấc mạnh. Lạnh queo quắt luôn à. Đám sầu đâu trổ bông rồi. Ít hôm tui gởi chành lên cho mớ lá non với khô sặt.
Lần nào Tám gọi cũng chẳng để ông nói câu gì. Tám cứ ào ào chuyện làng chuyện xóm. Chuyện ruộng đồng sông nước. Câu kết lúc nào cũng là vài thứ tủn mụn vụn vặt của xứ quê sẽ gởi lên cho ông đỡ thèm. Mà ông thì cũng chẳng cần phải hỏi cái gì, bởi Tám quỡn, hoặc dưới đó có chuyện gì thì Tám liền điện thoại lên tỉ tê. Riết thành quen, lâu chừng không nghe bả điện, lòng ông lại bồn chồn, lắng lo rất đỗi.
Hồi còn dưới quê, Tám cách nhà ông đâu chừng một cái đìa. Bầu bạn sớm hôm riết thành ra chuyện lớn nhỏ gì cũng thuộc nằm lòng ráo trọi. Xóm giềng bảo thôi thì rổ rá cạp lại với nhau, như con cá nó làm ra con mắm vậy đó, tình bạn già, thương lắm thành mình ơi!
Tám cười sang sảng. Bậy nè, tui với chị Năm vợ ổng ngày xưa là chị em cây khế đó nhen. Ủa là sao Tám? Thì là đứa trèo đứa hứng, lỡ bị gí thì co giò mà chạy, lỡ bị bắt là anh hùng không chơi khai ra nha!
Đám bạn già, mỗi chiều vẫn thường hay tụ tập bên hiên nhà, chung bữa trà, cười rần rần, vang động cả góc quê.
3. Ông nhấp ngụm trà Thiết Quan Âm mà cô con dâu thứ hồi cuối tuần rồi ghé thăm đem qua. Con nhỏ dâu người gốc thành thị, đi đứng ăn nói cái gì cũng nhanh. Kể cả cái phần tính toán thì thôi rồi. Sắc lẻm chứ hổng rơi rụng đi đâu.
Bữa con dâu lắc đầu kêu ca. Ba coi có ai như chồng con hông. Cái xe mua cả tỉ mấy, giờ không dưng đòi đem chạy Grab. Hổng chịu ở nhà phụ con buôn bán. Dở hơi gì đâu. Đó thì đi chạy cho thấy cái cảnh khổ. Dễ tin người quá, nhiều khi bị thiên hạ lừa hoài. Nghe kể mà ứa gan. Mới cách đây ba ngày chứ nhiêu, đón khách ở Bệnh viện Nhi đồng, cái hai vợ chồng kia bồng đứa con, bắt xe đi về Long An, chịu giá cho đã, tới nơi, ổng hổng lấy tiền. Ổng nói người ta nghèo. Còn đâu trong túi có năm chục ngàn nên thôi. Ổng làm phước đặng tích đức cho con cái mình. Chắc xe chạy bằng nước quá!
Giọng cô con dâu thứ vẫn cứ sang sảng. Ông không nói không rằng, nhìn thằng con trai thứ đang cười nhẹ hẫng, gãi gãi đầu. Cũng may thằng con khờ vớ được đứa dâu khôn lanh, chớ không thì đời nó lại lao đao với cái tính thiệt thà này cho coi.
Gió về bên phố. Thổi bần bật đám nguyệt quế đang dậy hương khuya. Từ sân thượng của căn nhà ba tầng kín cổng nhìn ra vòm trời thẫm đen, thành phố sáng choang đèn màu lấp lánh. Tách trà mới châm lại bắt đầu nguội lạnh.
Từ hồi bà mất ngót chừng hơn mười lăm năm, ông cũng chỉ mình ên ở vậy lo cho đám con yên bề gia thất. Tụi nhỏ rời sông nước quê nghèo, bôn ba Sài Gòn tìm con chữ để lập thân. Chừng giờ đã đủ đầy sung túc thì lại rước ông lên cho tiện bề chăm sóc. Là trả hiếu cho ông. Đáng ra ông vui thì mới phải. Nhưng cái nụ cười gắng gượng hom hem năm thì mười đỗi mới nở được trên đôi môi khô cằn nua già. Nụ cười thâm trầm của hơn sáu mươi mùa nắng đổ đồng, lại càng khiến gương mặt chai sần đen ngâm thêm nỗi ưu tư.
Hồi mới lên, ông đâu quen cái cảnh nhà cao cửa rộng, phố đông người lạ. Xứ gì rân trời từ sớm tinh mơ đến tối mịt. Xe cộ bóp kèn inh ỏi. Người gặp người một tiếng đãi bôi cũng chẳng có lấy đâu ra mà tình làng nghĩa xóm. Sau tuần đầu, thấy ông lóng ngóng vụng về với mớ bòng bong thay đổi lạ lẫm, thằng con đầu mua cho chiếc xe đạp, rồi bắt đầu chỉ đường cho ông tập đi đây đi đó. Chỉ là đi gần gần, tỷ như từ nhà, ra đường lớn, quẹo phải rồi đâm thẳng là gặp cái chùa lớn mới xây đẹp ơi đẹp. Hay là ngược về bên trái, bỏ cái ngã tư đầu, cái ngã tư thứ hai, ngay góc là quán cà phê cóc, có mấy ông già trạc tuổi mình, sớm trời tí tởn bên ly cà phê, bàn dăm ba chuyện nóng sốt quanh tờ báo đầu ngày.
Đường Sài Gòn thấy vậy chứ hổng khó đâu ba. Đi lạc thì cứ hỏi người ta cái địa chỉ nhà là người ta chỉ đường về. Thằng con đầu chốt hạ như thế. Ờ thì ông cũng tập làm theo, chứ giờ hổng lẽ giam đời heo hắt này vào bốn bức tường suốt ngày thì cũng làm tụi con cháu thêm áy náy.
Buổi đầu tiên ông lê la khắp đường phố. Ráng định hình nhớ trong đầu là trái nè, phải nè, bỏ cái ngã tư nè... Ông luôn nhẩm như vậy, đặng còn nhớ đường về. Mà ngặt nỗi bận đi thì ron rót, tới hồi về, phải lật ngược lại cái con tính trong đầu, thành ra ông đâm quên, đôi khi cứ phân vân là trái hay phải. Ông ghé vào hỏi anh xe ôm dọc đường, coi như mình cầu may, từ cái nụ cười gượng gạo của ông nhà quê, may ra người thành thị họ thương.
Anh xe ôm nhìn ông từ đầu đến chân rồi chỉ đường nhiệt tình. Lại căn dặn kỹ càng. Chú dưới quê mới lên nên chạy cẩn thận nha, sát lề chút, muốn qua đường cứ giơ tay xin. Đi tới đâu quên thì tấp vô hỏi tiếp. Ông gật đầu rối rít dạ dạ liên hồi. Về đến nhà vừa kịp hơn bốn giờ chiều. Mừng hết sức, tụi nhỏ chưa ai về, để tụi nó biết, mắc công lại thêm lo. Mình già rồi, lên đây ăn bám vô tụi nó, lỡ lạc đường hay bị gì nữa thì khổ đám nhỏ. Ông dặn lòng từ nay cẩn thận chút. Cũng may, nãy đi ngang cái vòng xoay ngã bảy, ông thấy hơn chục tiệm trà, tấp vào mua được vài loại trà. Coi như cũng đáng công.
Ông hổng cà phê, bia rượu gì ráo, chỉ có thèm trà. Ông thèm trà như con nghiện thèm cơn. Suốt tuần cứ lóng nga lóng ngóng, muốn nhờ con mua, mà sợ phiền tụi nhỏ, biết nó có tiện đường hay không? Sớm đã vội vội vàng vàng ba giò bốn cẳng mà phóng xe cái vèo, sợ trễ giờ làm. Chiều sẫm trời về đến nhà là cơm nước, dọn dẹp rồi lo học hành hai đứa cháu. Thành ra ông thèm trà thí mồ, mà lừng khừng hổng có nói.
Ông lại châm thêm trà vào cái ly thủy tinh nhỏ, mùi chan chát, nhân nhẫn bốc lên. Nghe đêm như thức cùng nhiều nỗi lo. Gần năm trời lên đây sống với con. Hình như ông ngủ ít đi. Có những đêm trằn trọc, ông lại pha ấm trà, leo tuốt lên cái sân thượng ngồi mông lung nhìn trời, nhìn đất. Nhìn Sài Gòn từ trên cao. Nhìn là nhìn vậy thôi, chứ ông biết lòng mình nó đang ở đâu. Nghiệt một nỗi, con cũng có lý của con. Mình thương con thì thôi ráng chịu thiệt, để con nó an tâm mà làm ăn. Chứ tuổi như ông, còn có bao nhiêu năm nữa đâu.
4. Tám điện thoại cho ông, hỏi vụ vợ chồng thằng lớn. Ờ thì tui làm theo cách bà chỉ rồi đó. Bữa tui canh cữ cơm chiều. Tui lấy cái chén mẻ ra tui ăn. Thằng con trai ngó sang vợ đằng hắng ý biểu thay cái chén cho tui. Nhìn thôi cũng biết là vợ chồng chưa hòa thuận. Tui mới nói y như bà chỉ. Chén trong nhà, có cũ có sứt mẻ tí, nhưng là cái chén của mình, mình ăn nó hàng ngày, mình rửa nó sạch, mình giữ nó kỹ, thì còn chén để ăn. Chén ở ngoài đường, dẫu có lành lặn, nhưng cũng biết bao nhiêu người ăn qua rồi, dẫu có rửa thì chắc gì đã sạch như chén nhà. Có những thứ trong cuộc đời này, có cũ kỹ, có sứt mẻ, nhưng đâu thể bỏ được, vì nó là của mình, chỉ riêng dành cho mình.
Rồi ông lại tấm tắc khen cô con dâu nấu ăn vừa miệng, nay ông thấy hình như mình lên ký, người cũng khỏe hơn hồi dưới quê. Được thể hai thằng cháu nội phụ họa, nhao nhao khoe nay thi học kỳ điểm cao. Ba ông cháu cười ì đùng giữa bàn ăn. Ông len lén nhìn thấy thằng con lớn chừng ngấm ý nên có gắp miếng rau cho vợ. Cô con dâu hình như lại khóc, cúi gầm mặt. Nhưng ông tin, con dâu hiểu lòng mình.
Ông kể Tám nghe, hóa ra thằng con nhỏ không khờ như ông tưởng. Bận nó chở hai vợ chồng có đứa con bệnh đó. Hóa ra khi lên xe, nó thấy hai vợ chồng ngồi khóc rấm rứt, đứa nhỏ trên tay im lìm không nhúc nhích. Nó đánh bạo hỏi thăm. Không ngờ người vợ khóc như mưa. Đứa trẻ thật ra đã chết. Vợ chồng nghèo lắm, bán hết đất đai nhà cửa trị bệnh tim bẩm sinh cho đứa bé. Nhưng nặng quá, chẳng thể qua khỏi. Thiệt lòng họ chẳng đủ tiền đi xe bệnh viện về quê. Đánh liều im lặng gọi xe ngoài về đại. Chừng đến quê sẽ cấn cái điện thoại coi như tiền xe. Thằng con nhỏ của ông nghe đến đoạn đó, thấy lòng mình quặn theo. Nó cũng làm cha mà, nhìn hai vợ chồng lam lũ nghèo khốn lại đang tình cảnh đau buồn. Nó chở cho về đến quê, còn nhét thêm năm trăm ngàn gọi là của ít lòng nhiều.
Tám nghe xong cười hềnh hệch. Thương quá ông hen. Bấc the thắt quá ông ơi. Mấy nay xương khớp rắc rắc. Hổng biết năm nay gói bánh nổi không. Hình như tui già rồi thì phải. Sớm ra triền sông phải khoác cái áo, quấn thêm cái khăn cổ. Tiếng thở dài của Tám thườn thượt.
5. Người ta điện thoại báo ông té xe đang nằm cấp cứu. Thằng con nhỏ hớt hải chạy vào. Bác sĩ bảo ông phải nằm theo dõi một hai hôm, nghe người đi đường bảo hình như ông đập đầu xuống đất. Không thấy máu chảy không có nghĩa là an toàn, hổng chừng lại bị tụ máu bên trong. Chụp hình CT, cắt lớp các kiểu thì tạm thời là ổn. Nếu có triệu chứng đau đầu, hay nôn mửa thì hơi căng.
Ông nằm trên giường, tay chân xây xát nhẹ, gương mặt xanh mét, giọng nói thều thào. Hình như lỗi tại ba, chỗ đó người ta không cho quẹo. Mà chắc hổng có bị gì đâu, hơi ê người tí, công việc tụi con quan trọng hơn, về lo đi ba một mình có y tá tới lui cũng được.
Thằng con nhỏ đứng rưng rưng. Ba nói vậy chớ phải có người nhà chăm sóc. Cứ nằm đây cho bác sĩ kiểm tra, chừng nào yên ổn thì được về à! Để con ở lại, lo cho ba.
Ông thở dài, nhìn trân trân lên cái trần nhà trắng toát. Mấy cánh quạt xoay vòng vòng. Cạnh bên cũng vài người rên la nho nhỏ khi vết thương đau nhức hành. Không dưng ông thấy mình thành gánh nặng cho mấy đứa con.
Thằng lớn thì đang công tác tận ngoài Hà Nội. Ông giấu bặt, chỉ báo con dâu vẫn nói ông khỏe. Mắc công nó chạy về, lỡ dở công việc. Trên này, đâu như dưới quê. Mất việc là khổ cả năm ba miệng ăn chứ chẳng chơi. Rồi việc nhà, thêm phần hai đứa cháu nữa, nên con dâu cũng đừng chạy vào chi cho thêm mệt. Ông khỏe nhiều rồi. Tại bác sĩ bảo nằm lại theo dõi. Hình như ông nghe tiếng hai đứa cháu mếu máo trong điện thoại. Nghe thương thiệt thương!
Chừng bảy giờ tối, Tám điện lên, lúc ông đang thiêm thiếp. Thằng con nhỏ nghe điện thoại. Hổng biết nó nói gì, tờ mờ sáng hôm sau đã thấy Tám tay xách nách mang đứng trước cái giường bệnh. Vẫn cái tật huyên náo cả phòng. Chuyện ông đi đứng chẳng biết dòm ngó, cho thiệt cái thân. Chuyện làng chuyện xóm, chuyện nọ xọ sang chuyện kia.
Đâu còn chục ngày nữa là tết nhứt, ông coi ráng khỏe xin tụi nhỏ dìa gói bánh phụ tui chớ. Bữa trà cuối năm của đám bạn già thiếu ông hổng có đặng nha. Nhà cửa ở dưới tui vẫn quét dọn sạch gọn rồi. Giãy mả chị Năm thì hai lăm tui mần cho. Yên tâm mà nghỉ ngơi nghen. Nè mớ bánh chuối bà Lành gởi lên biếu. Ông hai Khỏe nói ra giêng cúng Kỳ Yên ở đình ông phải dìa đó nghen. Còn cái này, ờ thì... rảnh quá tui hổng biết mần chi, may cái mền bằng mớ vải vụn, ráp thành bông lục giác, coi cũng được hen. Trên này ngủ máy lạnh, có cái mền dày dày, đắp cho ấm.
Tám cứ thao thao, lấy từ cái giỏ đệm cũ ra bày đầy trên giường bệnh. Ông lại gật gù. Giữa những câu chuyện, thằng con nhỏ thấy ông cười sảng khoái. Nụ cười làm giãn những nếp gấp của thời gian nơi vầng trán. Hôm đó thằng con nhỏ về nhà, để Tám ở lại bầu bạn với ba.
6. Thằng anh bảo vợ kêu xe dẫn ba và Tám đi siêu thị mua chút quà đặng sớm mơi Tám về lại quê. Sẵn sắm vài thứ đồ đạc tết nhứt trong nhà. Tám từ chối đây đẩy. Tám lên thăm ổng, phụ mấy con lo cho ổng, giờ ổng khỏe mai Tám dìa. Hổng quen ở đây bây ơi. Người già sống ở quê riết cù lần lắm bây. Hổng có giỏi giang như bây mà sống ở đây được đâu. Mấy đứa nhỏ nhà Tám cũng bôn ba xa xứ. Đôi lần xin rước Tám qua bển, nhưng Tám hổng đi. Già rồi, xa xứ buồn lắm, ai đâu sớm hôm bầu bạn. Sống đâu được nhiêu năm nữa đâu nè, nên vui được ngày nào cứ vui bây ơi. Tuổi này, suy nghĩ giản đơn lắm bây, cuộc sống này cứ như ấm nước sôi, thì mình bỏ vào mớ trà, nhấp một ngụm thôi, là thấy đời thanh thản!
Ông xua tay ra hiệu biểu bà đi. Trên này siêu thị to gấp năm bảy lần dưới mình. Bán đồ quá trời. Mình đi kiếm thêm mấy loại trà ngon. Mấy thứ bánh kẹo ở dưới không có. Quà tết cho đám bạn già nữa đó bà.
Mọi người lục tục kéo nhau đi. Thằng anh điện thoại cho thằng em sang nhà bàn chút chuyện. Lâu lắm rồi hai anh em mới có dịp ngồi uống trà cùng nhau. Cuộc sống hối hả xoay vòng hai thằng đàn ông lao đầu vào cuộc mưu sinh. Đôi lúc mới có dịp hú hí cùng nhau, thường là những cuối tuần, lễ lạt gì đó. Hai gia đình nhỏ hẹn hò đi nhà hàng, bia rượu thừa mứa, đồ ăn sang trọng. Dễ gì có cái suy nghĩ cùng nhau nói chuyện bên ấm trà của ba.
Hay là mai mình để ba về với Tám luôn đi. Gần cả năm nay thấy ba ở trên này, nhưng lòng thì tận dưới quê. Với lại người già họ sống bằng kỷ niệm em à! Bắt họ rời xa một nơi đã gắn liền suốt cả cuộc đời. Anh thấy mình có tội gì đâu.
Thằng em nhỏ nhấp ngụm trà lài, hương thoảng lên vành mũi, hít một hơi, nghe lòng sảng khoái nhẹ nhàng. Chỉ khi nói chuyện với Tám ba mới cười thiệt tươi. Hay nhắc mấy chuyện dưới quê, ánh mắt ba sáng ngời lên hẳn. Mình để ba về dưới đi anh. Rồi mình tranh thủ rỗi rãi, lễ tết mình đưa con cái về thăm ba. Người ta còn mong có quê để về. Mình thì lại bỏ quê. Chừng sau này, lỡ con cái nó hổng còn biết quê cha xứ mẹ là gì thì lỗi của mình đó anh.
7. Sớm tinh mơ hai lăm, bấc dịu nhẹ lên từng mái phố. Thằng lớn chở ông, thằng nhỏ chở Tám, đùm túm thêm mớ đồ, ra bến xe đón chuyến đầu ngày. Nhìn ông háo hức len lỏi trong dòng người tìm chuyến xe mang tên xứ mình, bà lẽo đẽo theo sau. Hai dáng đi hối hả cho kịp ngày giãy mả. Tết gần lắm rồi, người người nôn nao. Bến xe đón biết bao người con tha hương bôn ba xa xứ tìm về một mùa đoàn viên ấm áp. Vang vọng trong lòng hai thằng con trai lời dặn của Tám. Nhớ về sớm, bữa trà cuối năm Tám chờ tụi bây đó nghen!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.