Cách khai quật mộ cổ gây tranh cãi

27/09/2014 09:00 GMT+7

Một clip có độ dài 35 phút được đưa lên mạng từ hồi tháng 6.2014 hiện đang gây xôn xao. Đây là clip ghi lại cuộc khai quật một ngôi mộ hợp chất tại Quốc Oai, Hà Nội hồi cuối năm ngoái.

Một clip có độ dài 35 phút được đưa lên mạng từ hồi tháng 6.2014 hiện đang gây xôn xao. Đây là clip ghi lại cuộc khai quật một ngôi mộ hợp chất tại Quốc Oai, Hà Nội hồi cuối năm ngoái.

>> Khai quật mộ cổ hiếm thấy ở ĐBSCL
>> Bến Tre khai quật mộ cổ

 Cận cảnh cuộc khai quật  ngôi mộ cổ  - Ảnh: chụp từ clip
Cận cảnh cuộc khai quật ngôi mộ cổ - Ảnh: Chụp từ clip

Đoạn clip được mở đầu bằng tin của Đài truyền hình VN về việc khai quật mộ cổ 300 tuổi. Tiếp theo đó là phần hình ảnh của cuộc khai quật. Những hình ảnh này không được chuyên nghiệp như phần hình của VTV, cho thấy đây là phần quay độc lập khác, đã được nối thêm vào sau bản tin.

Người xem được chứng kiến cảnh người khai quật dùng xà beng để bóc lớp vỏ bao quanh quan tài. Hình ảnh cho thấy, những người xem đứng rất gần, chỉ cách nhóm khai quật trên dưới 1 mét. Họ bàn luận, góp ý với những người khai quật. Có cả những ý kiến phẫn nộ nhất là sau khi có người giẫm lên vỏ quách của ngôi mộ hợp chất, trong quan ngoài quách, ở điểm 2 phút 35 giây của clip.

Ở đoạn tiếp theo, toàn bộ quá trình bóc các lớp vải liệm, trang phục của thi thể được ghi lại. Ngoài PGS-TS Nguyễn Lân Cường - phụ trách khai quật - đeo găng tay, còn có một đôi tay trần khác, không rõ của ai cũng tham gia bóc vải liệm. Cảnh vải liệm được bóc ra toàn bộ, để lộ thi thể trần cũng được ghi lại. Tại phần bình luận bên dưới video, một bình luận còn nêu rõ ở đoạn 27 phút 05 giây, vị PGS-TS này đã ngang nhiên bước qua xác ướp.

Trao đổi vấn đề này với PGS-TS Nguyễn Lân Cường, ông giãi bày đây là một cuộc khai quật chữa cháy chứ không được hoạch định từ trước. Trong quá trình hạ đất làm đường giao thông nội đồng tại thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, đơn vị thi công đã phát hiện ngôi mộ cổ. Ông Cường nói trước khi khai quật ông đã làm lễ để xin phép tiến hành khai quật rất cẩn thận và thành tâm trước sự chứng giám của hàng nghìn người. Về việc dùng xà beng “khai quật”, ông cho rằng: “Tấm ván thiên đậy quan tài luôn có chốt bằng sắt xuyên vào để cố định. Vì vậy tất cả các mộ hợp chất khác đều phải nạy nắp quan tài bằng cách phá bỏ tấm ván thiên chứ không phải chỉ có trong trường hợp này”.

Tuy nhiên, về quá trình khai quật được ghi trong clip, một nhà khảo cổ học đánh giá việc làm này là vội vã trong một không gian hỗn loạn với nhiều thành phần tham gia không có chuyên môn sẽ làm hư hỏng những tư liệu khoa học. “Cái video tường thuật này cho thấy một cuộc đào mồ rất vội vã và thiếu khoa học và vô văn hóa... Hiện vật không phải cứ nhặt hết cho vào bao ni lông là xong. Còn bao tư liệu có giá trị khác bị vội vã bỏ qua”, nhà khoa học này cho biết.

Theo nhà nghiên cứu này, nên rút kinh nghiệm nếu gặp phải những trường hợp bắt buộc phải xử lý khai quật, cần cô lập hiện trường tại chỗ hoặc di chuyển đến địa điểm an toàn và thực hành mọi thao tác hết sức tỉ mỉ, chu đáo.

Bản thân ông Cường cũng công nhận nếu việc xử lý ngôi mộ được làm ngay ở hiện trường sẽ khó an toàn, chất lượng. “Bản thân tôi xem những bình luận vừa qua là góp ý rất thẳng thắn và quý báu. Với tấm lòng thành kính trước tiền nhân, tôi sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm”, ông nói.

Hiện vật từ ngôi mộ cổ đang lưu giữ tại kho của Bảo tàng Hà Nội.

Trinh Nguyễn

>> Khai quật mộ cổ bên sông Sài Gòn
>> Công bố kết quả khai quật mộ cổ Cầu Xéo
>> Khai quật mộ cổ ở Nha Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.