Cách khảo sát thị trường của TNS không chính xác!

07/04/2008 22:46 GMT+7

Đài truyền hình TP.HCM (HTV) đã phản ứng mạnh mẽ việc khảo sát thị trường bằng cách quá cũ và không chính xác của Công ty TNS kéo theo việc đánh giá không khách quan về mức độ ưa thích của khán giả với những chương trình của HTV. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Nam - TGĐ HTV xung quanh vấn đề này:

* Theo ông, các nghiên cứu, khảo sát thị trường mà Công ty TNS (Taylor Nelson Sofres) thực hiện về các chương trình truyền hình thu hút sự quan tâm của khán giả đạt độ tin cậy đến mức nào?

Công ty TNS có được giấy phép quảng cáo và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Hiện nay họ là công ty nước ngoài duy nhất ở Việt Nam kiêm luôn việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thị trường. Họ thực hiện rating (tạm dịch: sự quan tâm của công chúng với một chương trình truyền hình - PV), sau đó các công ty quảng cáo nước ngoài hoạt động tại Việt Nam căn cứ vào đó để đặt quảng cáo trên báo, đài. Đến nay, hầu như toàn bộ các công ty quảng cáo, các đại lý quảng cáo trong và ngoài nước đều căn cứ vào số liệu media rating của TNS - vì không có sự chọn lựa nào khác - để chọn giờ phát sóng, chương trình phát sóng trên đài phát thanh, truyền hình mà đăng ký quảng cáo. Điều này cũng được áp dụng tương tự cho báo in để các công ty lên lịch quảng cáo.

Tuy nhiên, cách mà họ điều tra vẫn theo lối cũ, tức là điều tra trên giấy, đánh dấu vào ô chọn. Đây là phương thức khảo sát rất cũ, chậm chạp và không chính xác vì lệ thuộc vào yếu tố con người (người khảo sát lẫn người được khảo sát). Sau đó mọi thống kê, tổng hợp đều được làm bằng tay nên không loại trừ yếu tố chủ quan.

* Đến nay qua khảo sát, đánh giá của TNS, Đài TH TP.HCM (HTV) có chương trình nào đã bị đưa vào danh sách "chương trình không thu hút khán giả" chưa?

Các chương trình của HTV ngoài giải trí còn có nhiều chuyên mục khác liên quan đến việc định hướng đường lối, chính sách, chủ trương của Nhà nước, những chương trình xã hội, từ thiện, bổ sung kiến thức về nông nghiệp, về giáo dục, khoa học, kỹ thuật... Do đó không thể rating một chương trình thu hút sự quan tâm của công chúng mà đánh giá toàn bộ các chương trình của HTV. Nhiều chương trình HTV thực hiện được khán giả quan tâm nhưng khi TNS khảo sát lại cho kết quả ngược lại!

Ông Huỳnh Văn Nam - Ảnh: Đỗ Tuấn

"Cách mà họ (TNS) điều tra vẫn theo lối cũ, tức là điều tra trên giấy, đánh dấu vào ô chọn. Đây là phương thức khảo sát rất cũ, chậm chạp và không chính xác… Không riêng gì HTV mà ngay cả VTV cũng từng phản ứng mạnh về chuyện khảo sát của TNS. Các nhà quản lý cần mở rộng việc cấp giấy phép cho nhiều công ty trong và ngoài nước hoạt động lĩnh vực khảo sát, đánh giá, nghiêu cứu thị trường để tạo thế cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng".
Ông Huỳnh Văn Nam , Tổng giám đốc HTV

* Xin ông cho biết cụ thể là chương trình nào của HTV được TNS xếp loại không "ăn khách"?

Nhiều chương trình được HTV đầu tư tốn kém, có chiều sâu, được khán giả ủng hộ như Vầng trăng cổ nhạc, Thay lời muốn nói... nhưng qua khảo sát của TNS lại không thu hút nhiều người xem (?!). Kết luận này ảnh hưởng đến việc tìm tài trợ, thu quảng cáo cho chương trình. Cách đây 2, 3 năm, thời kỳ đầu phim truyền hình Việt Nam được phát sóng với thời lượng chiếm 70% so với phim ngoại cũng đã bị TNS đánh giá không hiệu quả và sai lệch. Việc khảo sát của TNS chỉ tập trung vào các thành phố lớn, mà không hoặc ít đến được vùng nông thôn nên kết quả điều tra không thể đại diện chính xác cho những gì họ công bố.

* Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc nghiên cứu sai lệch này?

Vì một mình một chợ. Đến nay chỉ duy nhất TNS có chức năng và được gần như toàn bộ các công ty quảng cáo nước ngoài đặt hàng nghiên cứu, khảo sát thị trường. Chưa có cơ quan nào trong nước kiểm soát việc đánh giá, phân loại của TNS chính xác đến mức độ nào.

* Để tình trạng không kéo dài, HTV có biện pháp gì khác ngoài cách mà TNS đã thăm dò?

Sắp tới HTV sẽ thành lập một bộ phận đo lường khán giả riêng của đài đang sử dụng kênh HTVC. HTV sẽ kết hợp cùng Trung tâm đo lường xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Thành ủy thiết lập hệ thống đánh giá bằng tổng đài điện tử gọi là people meter. Mỗi máy thu hình khi bật chuyển kênh sang chương trình nào đều được máy tính chủ ghi nhận và sau mỗi ngày sẽ được thống kê và công bố lên báo chí mức độ yêu thích của khán giả qua từng chương trình của HTV. Hệ thống này trị giá cả triệu USD, sẽ vận hành trong năm 2008. Dù đắt nhưng chúng tôi sẽ phải làm để tự đánh giá nội bộ. Những chương trình hay, được khán giả quan tâm sẽ được đầu tư chiều sâu. Còn chương trình nào không đạt yêu cầu phải ngưng thực hiện. Không riêng gì HTV mà ngay cả VTV cũng từng phản ứng mạnh về chuyện khảo sát của TNS. Các nhà quản lý cần mở rộng việc cấp giấy phép cho nhiều công ty trong và ngoài nước hoạt động lĩnh vực khảo sát, đánh giá, nghiêu cứu thị trường để tạo thế cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng.

Không có lựa chọn khác, các công ty quảng cáo đều phải sử dụng số liệu thống kê của TNS để làm cơ sở đàm phán với các đối tác có nhu cầu quảng cáo; làm "kim chỉ nam" cho việc lên dự án quảng cáo, tài trợ, kế hoạch PR cho khách hàng của mình. Đến nay, vẫn chưa có một cơ quan nào của nhà nước hay tư nhân ở Việt Nam đứng ra kiểm định hoặc đánh giá mức độ tin cậy của những bản báo cáo mà TNS đã thực hiện. Điều quan trọng là việc điều tra thị trường này đã ảnh hưởng đến các báo đài - những cơ quan do Nhà nước quản lý - trong việc thu quảng cáo, tài trợ.

Những bản báo cáo, thống kê của TNS không đơn thuần gói gọn trong "nội bộ" các công ty quảng cáo mà đã ảnh hưởng đến nhiều cơ quan truyền thông. Tuy nhiên đến nay nhiều nơi vẫn chọn thái độ im lặng vì không biết hoặc không thể làm gì khác hơn.

Đỗ Tuấn (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.