Cần nhiều ca khúc lý tưởng sống

04/04/2017 07:15 GMT+7

Dù nhìn nhận những bài hát truyền cảm hứng, nghị lực sống, thái độ lạc quan yêu đời, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, với Tổ quốc được giới trẻ nghe và chia sẻ rất nhiều, tuy nhiên một số nhạc sĩ cho biết không phải ai cũng mạnh dạn đặt bút viết những ca khúc này.

Với tiết tấu hiện đại, ca từ trong sáng mà giàu sức lay động, những Tâm hồn của đá (Trần Lập), Nếu chỉ còn một ngày để sống (Hoài An), Chào buổi sáng (MTV), Xin chào! Xin chào! (Đức Trí), Cuộc sống muôn màu (Nguyễn Hồng Thuận), Sống như những đóa hoa (Tạ Quang Thắng) đã thật sự đi vào đời sống của giới trẻ. Thời gian vừa qua một số ca khúc thể hiện niềm lạc quan, vui sống và sống không nhạt nhẽo, vô vị mà phải sống có ích đã xuất hiện như “món lạ” giữa thị trường âm nhạc dành cho người trẻ vốn đầy ắp các ca khúc về tình yêu. Có thể kể đến Vì tôi còn sống (Tiên Tiên), Do what you want (Châu Đăng Khoa - Karik)... được đông đảo người trẻ đón nhận nồng nhiệt, trở thành bài hit của nhạc Việt.
Độ hit ấy không chỉ chứng minh bằng lượt nghe, những chia sẻ được trích từ lời bài hát trên các trang cá nhân, trong những cuộc hội thoại hằng ngày, mà còn chính bởi việc sử dụng chúng trong nhiều chương trình mang tính cộng đồng, san sẻ yêu thương, lan tỏa nghị lực sống hay kích thích khát khao cống hiến. Chẳng hạn, dù là ca khúc nằm trong dự án hợp tác cùng nhóm V.Music từ 6 năm trước nhưng Xinh tươi Việt Nam hay Ngày mới nắng lên của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận vẫn còn được các nhà tổ chức, chương trình lớn và đài truyền hình của nhiều thành phố sử dụng thường xuyên. Hoặc Nếu chỉ còn một ngày để sống của nhạc sĩ Hoài An dù ra đời 10 năm rồi nhưng đến nay vẫn có những ca sĩ trẻ hát lại.

Nếu được viết bằng phong cách âm nhạc trẻ trung, hiện đại, ca từ gần gũi, hợp thời mà ý nhị, mang những thông điệp gắn liền với thực tế cuộc sống thì chắc rằng, đó sẽ là những giai điệu mà bất kỳ người yêu nhạc nào cũng muốn mở lên để bắt đầu cho một ngày mới đầy lạc quan, hứng khởi

Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận

Mạnh dạn ra khỏi “vùng an toàn”
Tuy được giới trẻ ưa chuộng và có sức sống khá lâu bền so với các nhạc phẩm viết về tình yêu, nhưng có một thực tế là số lượng ca khúc truyền cảm hứng được giới trẻ yêu thích rất ít so với số lượng ca khúc viết về tình yêu.
Nhạc sĩ Hoài An, tác giả ca khúc Nếu chỉ còn một ngày để sống - nhạc phẩm được rất nhiều ca sĩ hải ngoại lẫn trong nước thể hiện - cho rằng: “Viết về tình yêu có nhiều thuận lợi, bởi ai cũng từng trải qua những cảm xúc tình yêu. Đây là dạng tác phẩm dễ viết, dễ được chọn để biểu diễn, và cũng dễ để giới thiệu - quảng bá. Nói chung, nhạc tình bao giờ cũng được thị trường đón nhận dễ dàng hơn, nên sẽ tạo sự “an toàn” cho người sáng tác hơn”. Hơn nữa, theo một số nhạc sĩ, ca khúc truyền cảm hứng sống không phải dễ viết vì nếu viết không khéo có thể sẽ rơi vào tình trạng “lên gân”, “hô khẩu hiệu”, khó được giới trẻ tiếp nhận. Do đó, theo Hoài An, không có lý do gì khiến các nhạc sĩ tự “làm khó” mình với những bài hát mà họ cho rằng chưa chắc tung ra thị trường sẽ được đón nhận.
Điều đó có nghĩa là khi sáng tác ca khúc truyền cảm hứng sống, các nhạc sĩ phải mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn”. Chẳng hạn, sau khi sáng tác bản Do what you want, nhạc sĩ Châu Đăng Khoa và rapper Karik đã tự hát, tự thu ca khúc chỉ vì thích, vì đó là sáng tác thể hiện lý tưởng sống của mình. Sau đó, vì tính chất bài hát (thể hiện sự khát khao khẳng định mình, được là chính mình của tuổi trẻ) phù hợp với một giải thưởng dành cho các nhân vật truyền cảm hứng, ban tổ chức đã chọn đưa vào dự án này, từ đó ca khúc được biết đến nhiều hơn.
Nhiều nhạc sĩ thừa nhận những bản nhạc tình được viết hiện nay dù có thể được nghe nhiều, ăn khách và mang lại nguồn thu khủng cho tác giả, nhưng đời sống của nó đôi khi chỉ kéo dài trong 6 tháng hay một vài năm. Riêng những tác phẩm âm nhạc có tính chất truyền năng lượng và cảm hứng, “nếu được viết bằng phong cách âm nhạc trẻ trung, hiện đại, ca từ gần gũi, hợp thời mà ý nhị, mang những thông điệp gắn liền với thực tế cuộc sống thì chắc rằng, đó sẽ là những giai điệu mà bất kỳ người yêu nhạc nào cũng muốn mở lên để bắt đầu cho một ngày mới đầy lạc quan, hứng khởi”, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận bày tỏ.
Sáng tác ca khúc cổ động cho Đại hội Đoàn toàn quốc
BTC (T.Ư Đoàn phối hợp với Báo Thanh Niên và Báo Tiền Phong) cuộc thi sáng tác logo và bài hát cổ động, tuyên truyền Đại hội Đoàn toàn quốc lần XI (nhiệm kỳ 2017 - 2022) tiếp tục nhận tác phẩm dự thi từ mọi công dân VN đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động ở trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống tại VN. Các tác phẩm dự thi có nội dung thể hiện ý nghĩa của Đại hội Đoàn toàn quốc lần XI là sự kiện chính trị của tuổi trẻ cả nước, với khẩu hiệu hành động của đại hội trong nhiệm kỳ 2017 - 2022 là: tiên phong, gương mẫu, đoàn kết, sáng tạo. Song song đó, tác phẩm có tinh thần cổ vũ thanh thiếu nhi thi đua học tập, khởi nghiệp, lao động sáng tạo, tinh thần tình nguyện, xung kích xây dựng bảo vệ Tổ quốc của tuổi trẻ trong thời kỳ mới; khắc họa nổi bật về những giá trị hình mẫu đoàn viên, thanh niên, đội viên thời kỳ mới: tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn.
Đối với cuộc thi sáng tác logo, bài dự thi gồm tác phẩm dự thi in màu khổ A4, kèm phần trình bày ý tưởng sáng tác, gửi về địa chỉ: Tòa soạn Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội; hạn chót nhận bài: hết ngày 15.5. Đối với cuộc thi sáng tác ca khúc, bài dự thi gồm bản ký âm bài hát trên khổ giấy A4, kèm CD thu âm tác phẩm, gửi về địa chỉ: Ban Văn hóa - Nghệ thuật Báo Thanh Niên, 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM; hạn chót nhận bài: hết ngày 15.8. Giải thưởng được trao cho từng loại hình (logo, ca khúc), giải nhất dành cho mỗi tác phẩm là 20 triệu đồng; bên cạnh giải nhì, ba và 7 giải khuyến khích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.