Căng thẳng chuyện giải thưởng

18/07/2011 23:46 GMT+7

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi lần xét duyệt Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đều xảy ra kiến nghị, khiếu nại.

Năm nay, chuyện kiện cáo ầm ĩ nhất nằm trong lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh.

Mở đầu cho đợt lùm xùm lần này là đơn thư của 5 nhạc sĩ Thế Song, Đinh Quang Hợp, Lê Việt Hòa, Ngọc Khuê, Đoàn Bổng, tiếp đó là các nhạc sĩ Văn Thành Nho, Trương Tuyết Mai, Phan Long, Triều Dâng. Các nhạc sĩ này lên tiếng vì cho rằng hội đồng xét duyệt cấp cơ sở (gồm: nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, Chủ tịch Hội đồng cơ sở; nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu; GS nhạc sĩ Ca Lê Thuần, GS Chu Minh, GS-TS Tô Ngọc Thanh, nhạc sĩ - đại tá Đôn Truyền, NSƯT Phạm Ngọc Khôi - Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN) đã xét duyệt thiếu công tâm, làm việc theo cảm tính, để nhiều nhạc sĩ không đủ tiêu chuẩn có tên trong danh sách, trong khi gạt đi nhiều nhạc sĩ với các tác phẩm được đông đảo công chúng yêu mến.

Sau những nỗ lực “đấu tranh” không ngừng của 5 nhạc sĩ, cuối cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã ra quyết định xét lại danh sách tác giả và tác phẩm đề cử giải thưởng Nhà nước vào ngày 27.6. Tới ngày 15.7, trang tin của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) đăng danh sách 34 tác giả, tác phẩm, trong đó giữ nguyên 28 tác giả cũ, thêm 6 tác giả mới là 5 nhạc sĩ đã làm đơn kiến nghị và thêm nhạc sĩ Đoàn Phi Liệt. Nhìn vào bản danh sách, nhiều người băn khoăn: hội đồng xét lại hay chỉ là... xét vớt? Nếu tác giả không lên tiếng đòi quyền lợi mạnh mẽ, hay lên tiếng muộn thì thiệt thòi. Có thể lấy ví dụ như nhạc sĩ Hoàng Hà là tác giả của nhiều tác phẩm như Đất nước trọn niềm vui, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Cùng hành quân giữa mùa xuân... lần này cũng bị “đánh trượt” đề cử Giải thưởng Nhà nước. Nhạc sĩ Đinh Quang Hợp cho rằng nếu vẫn để những tác giả không xứng đáng có trong danh sách thì Hội đồng cơ sở lại tiếp tục phạm sai lầm.

 
Các nhạc sĩ đến tòa soạn Thanh Niên bày tỏ bức xúc vào sáng qua - Ảnh: Hoàng Tạo

Tiêu chí không rõ ràng

Nhà biên kịch Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ VH-TT-DL phản đối đề cử giải thưởng Nhà nước của đạo diễn Nguyễn Thước với cụm tác phẩm: Sự nhọc nhằn của cát, Những công dân @, Chất xám. Hai nhà biên kịch cho rằng tác giả kịch bản và lời bình mới thực sự là tác giả sáng tác của lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Thước khẳng định ông làm đúng theo thông tư của Bộ VH-TT-DL. Vừa qua, Bộ đã có công văn trả lời khiếu kiện của hai nhà biên kịch. Theo đó, đạo diễn Nguyễn Thước muốn đề cử Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, lĩnh vực điện ảnh với cụm 3 tác phẩm này phải có sự đồng thuận của các thành phần chính tham gia sáng tạo tác phẩm, tất nhiên trong đó có các nhà biên kịch. Nhưng nếu đọc Thông tư số 03/2010/TT-BVHTTDL quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước văn học nghệ thuật, sẽ không thấy có quy định cụ thể này. Tiêu chuẩn xét tặng còn chung chung, chưa rõ ràng, dẫn đến sự việc đáng tiếc như vừa qua.

Các nghệ sĩ tỏ rõ thái độ mất lòng tin, thiếu tôn trọng dành cho nhau. Chưa thể phân định ai đúng, ai sai, lỗi này thuộc về cơ quan nào, nhưng rõ ràng, Giải thưởng Nhà nước về văn hóa nghệ thuật đã có một vết xước lớn, mất đi ít nhiều tính cao quý cần có, lòng tin tưởng của người làm nghề và khán giả.

Mờ ám, tiêu cực, thiếu tôn trọng tác giả

Sáng 18.7, các nhạc sĩ: Trương Tuyết Mai, Phan Long, Triều Dâng, Văn Thành Nho, Trần Viết Bính đã đến tòa soạn Báo Thanh Niên gửi đơn khiếu nại cũng như bày tỏ bức xúc quanh “lùm xùm giải thưởng” này.

Các nhạc sĩ cho rằng việc xét duyệt ở cấp cơ sở đã có những mờ ám, tiêu cực và thiếu tôn trọng các tác giả. Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai cho rằng: “Trên 300 tác phẩm mà chỉ được nghe và đọc trong 3 ngày thì có thánh thần mới làm được. Bởi nếu nghe, đọc, bình luận, nhận xét cho công tâm, khách quan cũng phải mất cả tháng mới xong. Và nếu chưa nghe, chưa biết người ta nói gì trong hồ sơ mà dám trả lời rằng phiếu của chúng tôi không đạt quá 3/4, để báo cáo lên cấp trên như vậy có phải báo cáo láo không?”. Nhạc sĩ Trần Viết Bính nói: “Nếu Hội đồng cấp cơ sở bảo rằng “chúng tôi không có gì sai” thì tại sao có chuyện bổ sung danh sách đề cử khi những người này kiến nghị? Nếu theo cái đà này, Hội đồng chắc sẽ còn bổ sung thêm dài dài”.

Các nhạc sĩ chia sẻ: họ rất muốn Chủ tịch Hội đồng cơ sở - nhạc sĩ Trần Long Ẩn cho biết rõ lý do tại sao họ cũng như nhạc sĩ Hoàng Hà, GS - nhạc sĩ Thế Bảo... bị gạt, và nếu Hội đồng duyệt đã đọc qua hồ sơ, họ muốn xem biên bản thẩm định tác phẩm.   

N.Vân
(ghi)

Trong khi sự việc vẫn ầm ĩ, cần những câu trả lời thẳng thắn, minh bạch cho những khúc mắc xung quanh việc xét giải thưởng, thì Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân và Chủ tịch Hội đồng cơ sở Trần Long Ẩn lại chưa lên tiếng giải thích. Hôm 18.7, chúng tôi đã điện thoại cho cả ông Đỗ Hồng Quân và nhạc sĩ Trần Long Ẩn với mong muốn để các ông cho biết ý kiến về sự việc này, nhưng đều không liên lạc được.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.