Câu lạc bộ ca trù nhí đất cảng

Lê Tân
Lê Tân
26/11/2018 09:28 GMT+7

Với mong muốn bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật dân gian ca trù, Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ (P.Hàng Kênh, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng) đã thành lập câu lạc bộ ca trù để truyền dạy cho các em học sinh.

[VIDEO] Những “ca nương” nhí trong lớp học đặc biệt đình Hàng Kênh
Cứ vào sáng thứ 7 hàng tuần, trong đình Hàng Kênh (P.Hàng Kênh) lại vang lên tiếng hát, tiếng trống, phách… đó là lúc câu lạc bộ ca trù của Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ đang sinh hoạt.
Trong không gian yên tĩnh của đình, hơn 10 học sinh tiểu học say sưa học hát, đánh trống, gõ phách với nghệ sĩ ưu tú Đỗ Quyên, Chủ nhiệm giáo phường ca trù Hải Phòng. 3 học sinh nam gõ trống cái, trống chầu và chiêng trên phản gỗ, 4 ca nương nhí chân xếp bằng, miệng lẩm nhẩm lời bài hát. Ngồi sát 4 ca nương, nghệ sĩ Đỗ Quyên tay cầm phách chỉ đạo từng “học viên”. Tiếng trống cái, chiêng, rồi trống chầu vang lên, 4 ca nương nhí cùng nghệ sĩ Đỗ Quyên cất tiếng hát, rồi 4 học sinh tiến vào và múa trên chiếc chiếu cói trước phản gỗ. Đó là tiết mục Hoa phong lan đang được câu lạc bộ tập luyện.
Ngồi quan sát học trò tập luyện, cô giáo Trần Thị Thu Hương, Chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết: “Năm 2015, Ban giám hiệu nhà trường và giáo phường ca trù Hải Phòng có ý tưởng mở câu lạc bộ ca trù. Điều này xuất phát từ việc tên trường mang tên Nguyễn Công Trứ - người có đóng góp rất lớn với nghệ thuật hát ca trù, nên thầy trò chúng tôi mong muốn bảo tồn, gìn giữ vẻ đẹp của ca trù. Chúng tôi được sự giúp đỡ của cô Đỗ Quyên, ca nương Thu Hằng và thành lập được câu lạc bộ ca trù của trường. Đến nay, câu lạc bộ đã đào tạo được 4 khóa học viên”. Theo cô Hương, các em học sinh tham gia câu lạc bộ đều tự nguyện và không phải đóng bất kỳ một khoản kinh phí nào.
“Em thấy cô giáo thông báo trên lớp là có lớp học ca trù nên đăng ký. Lúc đó, em cũng không biết ca trù là gì. Đi học rồi em thấy thích lắm. Em chơi trống chầu nhưng cũng biết hát nữa”, Nguyễn Mạnh Hùng, học trò lớp 4A2, Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, hồ hởi khoe.
Giống như Hùng, từ việc không biết gì về ca trù, chỉ sau 2 tháng, những học sinh tiểu học trong câu lạc bộ đã tự tin đánh trống, gõ phách và ngân nga những tác phẩm tiêu biểu của ca trù như Hát múa bỏ bộ, Hoa phong lan, Hồng hồng tuyết tuyết... Các học sinh cũng được cô Đỗ Quyên giảng về lịch sử, vẻ đẹp của ca trù, kể về những điển tích trong các tác phẩm được học.
Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Quyên cho biết: “Trẻ con như tờ giấy trắng nên rất dễ luyện. Đặc biệt, học sinh trường Nguyễn Công Trứ có một tình yêu kỳ lạ với ca trù nên tiếp thu nhanh và say mê học. Hôm nào có việc đột xuất, buộc phải nghỉ là các cháu thắc mắc, đòi học bù ngay”.
Sau 3 năm hoạt động, câu lạc bộ ca trù Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ đã trở thành đặc sản, đi biểu diễn hoặc được giới thiệu trong những sự kiện lớn. Mỗi khi đến ngày giỗ cụ Nguyễn Công Trứ, cô và trò nhà trường cũng tổ chức một buổi trình diễn để “báo công” với cụ.
Là người tâm huyết với bộ môn ca trù, nghệ sĩ ưu tú Đỗ Quyên rất hạnh phúc khi có được những cô cậu học trò còn rất nhỏ tuổi. “Ca trù là di sản thế giới cần bảo tồn. Để làm được việc đó thì rất cần thế hệ trẻ tiếp nối chúng tôi. Tôi rất mong có sự phối hợp giữa các bộ môn nghệ thuật dân gian như ca trù, hát xẩm, tuồng, chèo với ngành giáo dục, để có một quy chế hoạt động, tổ chức lớp học những bộ môn nghệ thuật dân gian này trong trường học”.
Sau thành công của câu lạc bộ Trường tiểu học Nguyễn Công Trứ, giáo phường ca trù Hải Phòng mới đây đã phối hợp mở thêm 2 câu lạc bộ nữa ở Trường THCS An Đà và Trường tiểu học Đằng Giang (P.Đằng Giang, Q.Ngô Quyền, Hải Phòng).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.