Cây cầu đá Ngũ Hành Sơn tại Bắc Âu

10/08/2006 22:00 GMT+7

Nhà biên kịch Hồ Hải Học, Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật TP Đà Nẵng vừa trở về từ thủ đô Oslo, Na Uy. Ông sang quốc gia Bắc u này để dự lễ khánh thành cây cầu đá Tolga do những thợ đá Ngũ Hành Sơn thuộc dự án điêu khắc Đà Nẵng xây dựng nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao của hai nước. Ông Hồ Hải Học đã dành cho Thanh Niên cuộc trao đổi.

* Xin ông cho biết tại sao những người thợ đá của làng nghề Ngũ Hành Sơn lại sang Na Uy để làm cầu?

- Đây là một trong những công trình hợp tác của dự án Điêu khắc đá Non Nước do hội chúng tôi và nhà điêu khắc Na Uy Oyvin  Storbekken, Giám đốc dự án tổ chức thực hiện. Năm ngoái, các tác phẩm điêu khắc của các nghệ sĩ Na Uy đã được dựng trên bờ sông Hàn (Đà Nẵng), và năm nay, chiếc cầu đá Tolga được  các thợ trẻ Ngũ Hành Sơn thực hiện tại Tolga, vùng cực bắc Na Uy cách thủ đô Oslo hơn 300 km. Mười hai thợ đá trẻ đã được dự án đào tạo trong 3 năm cả về nghề nghiệp lẫn tiếng Anh. Họ đã được cử sang Na Uy 2 lần. 

Cũng xin nói thêm là chiếc cầu này có độ dài 40 mét bắc qua một thác nước nhỏ. 125 tấn đá granit được chế tác tại dự án điêu khắc đá Đà Nẵng và chở sang Na Uy bằng đường thủy, trong đó có 40 tấn đá của Tolga. Việc lắp dựng chiếc cầu kéo dài trong 2 tháng theo phong cách kiến trúc cầu cổ của châu u kèm theo nhiều họa tiết chạm khắc tinh tế của Việt Nam. Trong tương lai, tại vị trí này sẽ là một công viên văn hóa trong vùng.

* Người dân Na Uy đánh giá thế nào về công trình và trình độ của thợ trẻ Ngũ Hành Sơn?


Đông đảo người dân Na Uy đến dự lễ khánh thành cầu Tolga - Ảnh: H.H.H

- Tôi đến công trường trước lễ khánh thành và thấy nhiều người dân tập trung xem những bạn trẻ của chúng ta đang chạm khắc trên đá granit. Có người xách đến những giỏ dâu đỏ tươi vừa hái trong vườn và mang nước ra mời các nghệ nhân trẻ. Ra phố, dù không biết tên, họ vẫn tươi cười chào anh em "Hello Danang" hoặc "Hello Vietnam" rất ngộ! Sau khi xem tận mắt công việc của anh em, nhìn những nét chạm trổ tinh tế và nghe giới thiệu về truyền thống một làng nghề hơn 300 năm, nhiều người dân ở Tolga bảo thế nào họ cũng sang Việt Nam du lịch, và nhất định sẽ đến Đà Nẵng. Nhân dịp lễ khánh thành cây cầu, có một phiên chợ được tổ chức. Đây là một chợ phiên mỗi năm chỉ tổ chức một lần. Người ta mang những vật dụng cũ như ấm chén, đồng hồ, đồ trang sức cổ, vật kỷ niệm và cả những món ăn tự chế biến ra bán. Họ dành hẳn một gian cho các thợ trẻ Ngũ Hành Sơn trưng bày các sáng tác, như những phù điêu, tượng Chăm bằng thạch cao chế tác tại chỗ ra bán. Nhiều người rất thích thú khi được nghe giới thiệu về nền điêu khắc Chămpa độc đáo... Vậy là gian hàng của anh em bán hết sạch và họ có thêm chút tiền để tiêu vặt. Ngoài hội chợ, các thợ trẻ chúng ta cũng đã đúc các tượng thạch cao làm quà tặng cho các gia đình, như một cách quảng bá hình ảnh quê hương và truyền thống nghệ thuật Ngũ Hành Sơn...

Trước và ngay sau lễ khánh thành, nhiều tờ báo lớn của Na Uy đã đăng ảnh và viết bài nhiều kỳ về cây cầu và quan hệ hợp tác văn hóa giữa hai nước. Đại sứ Na Uy tại Việt Nam đã hết lời ca ngợi các nghệ nhân trẻ của làng nghề Ngũ Hành Sơn và cho rằng chiếc cầu là biểu hiện sinh động tình hữu nghị của hai dân tộc nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trương Điện Thắng (thực hiện) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.