'Chí Phèo' đã xa làng Vũ Đại

Ngọc An
Ngọc An
04/08/2018 08:00 GMT+7

NSƯT Bùi Cường, người nghệ sĩ gắn liền tên tuổi với vai diễn Chí Phèo trong bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy, đã đi xa khi nhiều ấp ủ với điện ảnh của ông vẫn còn dang dở...

Tiếng cười Chí Phèo
Cách đây vài năm, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi ở nhà riêng tại Hà Nội, NSƯT Bùi Cường đã nhắc đến cái duyên đưa ông đến vai diễn Chí Phèo, một trong những vai diễn kinh điển của điện ảnh VN. Đó là năm 1982, khi đạo diễn Phạm Văn Khoa đến Xưởng phim truyện VN (nay là Hãng phim Truyện VN), ông đã chăm chú nhìn chàng diễn viên có mái tóc dài ngang vai rồi bảo: “Bùi Cường dám cắt tóc không, có vai này hay lắm”.
“Nếu được nhận vai hay, bác nói cháu cạo trọc cháu cũng làm”, Bùi Cường đáp mà không hay biết ông được nhắm cho vai Chí Phèo. Lúc Bùi Cường đến trường quay, hóa trang xong, cả đoàn làm phim đều phải thốt lên “giống Chí Phèo quá”. Và, chỉ sau cảnh quay thử đầu tiên Thị Nở (NSƯT Đức Lưu đóng) mang bát cháo hành cho Chí Phèo, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã gật gù vì ông biết mình không cần phải chọn thêm diễn viên nữa. Đoạn quay thử sau đó được dựng luôn thành phim.
“Chí Phèo” Bùi Cường khác với Chí Phèo của Nam Cao ở chỗ ngoài say rượu, chửi bới, ăn vạ thì còn… biết hát. Nghệ sĩ Bùi Cường từng nói, lúc đầu ông lo lắm vì mọi người có thể khó chấp nhận hình ảnh Chí Phèo trong phim khác với hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn học đã quá nổi tiếng của nhà văn Nam Cao. Nhưng khi nghe Bùi Cường hát thử, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã mê luôn và đề nghị Bùi Cường giữ nguyên cách diễn. Với nghệ sĩ, cái khó nhất khi đóng Chí Phèo là tìm cho được tiếng cười. Bùi Cường đã mất
1 tháng để nghĩ ra được tiếng cười Chí Phèo giống với tiếng con chó. “Chí Phèo cũng giống như con chó khi bị dồn vào chân tường thì cắn càn. Tiếng cười mà như con chó bị hóc xương cứ ằng ặc nghèn nghẹn ở cổ, nuốt không được, ặc không ra”, Bùi Cường nói rồi cười một tràng khiến chúng tôi thấy như Chí Phèo của Làng Vũ đại ngày ấy ở ngay trước mặt.
“Chí Phèo là một vai diễn được nhiều diễn viên ao ước, nhưng cũng là một vai diễn rất khó để thể hiện. Đạo diễn Phạm Văn Khoa đã tìm rất nhiều diễn viên nhưng ông đã đúng khi quyết định giao cho Bùi Cường. Và công chúng có thể thấy tài năng của người nghệ sĩ khi thể hiện được tất cả sự biến đổi cảm xúc của Chí Phèo”, nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh nhìn nhận.
Một đời đam mê làm phim
Sau vai diễn Chí Phèo, nghệ sĩ Bùi Cường tham gia một vài vai diễn khác rồi quyết định chuyển sang công việc đạo diễn từ đầu những năm 1990. Ông trở thành một trong những đạo diễn có tiếng trong thời kỳ “phim mì ăn liền”. Khi truyền hình phát triển, Bùi Cường là một trong những đạo diễn phim truyền hình đầu tiên của chương trình Văn nghệ chủ nhật (VTV3). Thời gian sau này, Đài truyền hình TP.HCM cũng mời ông vào làm phim.
Nghệ sĩ Bùi Cường đã ấp ủ từ lâu dự định làm bộ phim Bữa ăn cuối cùng của Lão Hạc (kịch bản do ông và nhà văn Đoàn Lê viết), như tỏ lòng biết ơn nhà văn Nam Cao, người đã tạo nên nhân vật Chí Phèo để cái tên Bùi Cường được gắn liền.
“Tôi vừa mới cầm kịch bản phim Bữa ăn cuối cùng của lão Hạc mà chú đưa cho. Tôi và chú đã nhiều ngày ngồi với nhau để cùng bàn việc làm bộ phim. Vậy mà, mọi việc lại xảy ra như vậy… Chú đã làm việc, đau đáu với việc làm phim đến những hơi thở cuối cùng”, nhà quay phim Vũ Đức Tùng nghẹn lại khi nói về một người anh, người chú gần gũi, tình cảm và say nghề.
“Chí Phèo” nay đã xa làng Vũ Đại, nhưng chẳng bao giờ người ta có thể quên được một anh Chí của Làng Vũ Đại ngày ấy.
 
NSƯT Bùi Cường sinh năm 1947 tại Hà Nội. Sau nhiều ngày điều trị vì tai biến, ông đã qua đời vào lúc 3 giờ ngày 3.8, tại Hà Nội, hưởng thọ 71 tuổi. Lễ viếng và lễ truy điệu NSƯT Bùi Cường diễn ra vào lúc 7 giờ 30 và 8 giờ 45 ngày 7.8 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).
Ông là diễn viên khóa 2 của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, cùng với cố NSND Phương Thanh, NSND Minh Châu, NSƯT Bùi Bài Bình… Ông tham gia diễn xuất trong nhiều bộ phim: Làng Vũ đại ngày ấy (ông được trao Bông sen vàng nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim VN lần thứ 6), Biệt động Sài Gòn, Không có đường chân trời… Một số bộ phim truyền hình và điện ảnh do ông đạo diễn: Người đàn bà không con, Vị tướng tình báo và hai bà vợ (phim đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc), Năm ngày trong đời vị tướng, Mái trường yên tĩnh… Mới đây, NSƯT Bùi Cường được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.