Chiêm ngưỡng thảm Ba Tư

07/04/2009 23:23 GMT+7

Lần đầu tiên, những chiếc thảm quyến rũ trong câu chuyện cổ Nghìn lẻ một đêm của nàng Scheherazade đã đến Hà Nội.

Hàng trăm tấm thảm dệt bằng tay đủ kích cỡ đã được Đại sứ quán Iran kết hợp cùng Công ty Safa Carpet Gallery trưng bày và bán tại Triển lãm thảm Ba Tư khai mạc ở khách sạn Sofitel Metropole (Hà Nội).

Thảm Ba Tư từ lâu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng toàn thế giới vì chất lượng tuyệt hảo, độ tinh xảo nhờ bàn tay của các thợ thủ công và trên hết là cả một truyền thống văn hóa lâu đời đằng sau nó. Nhà du hành Marco Polo khi đi thăm xứ Tiểu Á vào khoảng năm 1270, thấy ở đó có những “tấm thảm đẹp nhất thế giới”.

Tại triển lãm lần này, hầu hết các tấm thảm được trình bày theo trình tự thời gian từ cổ đại đến cận - hiện đại. Về tên gọi, nhiều tấm thảm được gọi tên dựa trên vùng miền mà nó được sản xuất, chẳng hạn như thảm Bakhshayesh, hay một số khác được đặt tên dựa trên kiểu cấu trúc hay hình dáng chính của thảm, như kiểu Lachak-toranji (nghĩa là có hình mề đay trang trí ở các góc). Một số khác lại được gọi theo tên của nhà thiết kế (Benam chẳng hạn), hay theo tên nhà sản xuất (như Mohtasham), thậm chí chúng còn được đặt tên theo địa phương đang lưu giữ chúng, như Chelsea...

Nhà sử học Will Durant, trong cuốn Văn minh Ả Rập, đã ngợi ca nghệ thuật Hồi giáo nói chung và nghệ thuật trang trí trên thảm Ba Tư nói riêng đã vượt tất cả giới hạn thời gian và không gian, bất chấp sự phân biệt chủng tộc, huyết thống, đạt được tinh thần nhân loại.

Những mẫu thiết kế hay cấu trúc chính trong bộ sưu tập này gồm có: Lachak-toranji (trang trí hình mề đay ở các góc), Afshan (trang trí hoa trên toàn bộ thảm), Toranji (trang trí hình mề đay), Mehrabi (trang trí hình người cầu nguyện), Derakhti (trang trí hình cây), Baghi (trang trí hình vườn cây), Moharramat (trang trí kẻ sọc), Tasviri (trang trí bằng tranh), Shekargahi (trang trí bằng hình đi săn), Jangali (trang trí bằng hình ảnh rừng nhiệt đới)... Giá trung bình của thảm Ba Tư từ vài trăm đến vài trăm nghìn USD.

Ở Ba Tư cũng có tình trạng nghề thủ công truyền thống bị thu hẹp dần trong các làng. Bởi có một làn sóng dân nhập cư từ nông thôn ra thành thị để mong có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái. Tuy nhiên, rất may là ở Iran còn có rất nhiều người yêu nghệ thuật dệt thảm. Và đó cũng là lý do “cứu vãn” nghề dệt thảm và duy trì sự phát triển của nó...

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.