[CHÙM ẢNH] Cận cảnh mộ các giáo sĩ ở Sài Gòn xưa

21/09/2015 15:54 GMT+7

(TNO) Rất ít người biết (kể cả giáo dân), trong khuôn viên Đại chủng viện Thánh Giuse (số 6 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM) có một ngôi nhà mồ rất đẹp.

(TNO) Rất ít người biết (kể cả giáo dân), trong khuôn viên Đại chủng viện Thánh Giuse (số 6 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM) có một ngôi nhà mồ rất đẹp.

Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 1Đó là mộ của linh mục Wibaux, người sáng lập chủng viện này. Nhà mồ được xây dựng trên một khu đất rộng, có dòng suối nhân tạo uốn quanh nên muốn vào nhà mồ phải đi qua những cây cầu nhỏ…
Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 2
Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 3
Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 4Nhà mồ trông như một thánh đường có kiến trúc Gothic thu nhỏ, diện tích chỉ khoảng hơn 20 m2. Nhà hình tứ giác, mái vòm, trổ 3 cửa (cửa chính và 2 cửa hông, trừ tường hậu). Trên mỗi cửa đều có tháp hình tam giác gắn thánh giá trên đỉnh, hai bên tháp chính còn có những tháp phụ, nhỏ và nhọn đâm thẳng lên trời trông rất thanh thoát. Ở cửa chính vào nhà mồ có cổng song sắt cao không quá đầu người, hai cửa hông thì rào song sắt (không có cổng) để tạo độ thông thoáng… Nhìn nhà mồ chính diện và nhìn từ bên hông, so sánh với bức ảnh chụp nhà mồ này lúc mới kiến tạo, ta thấy nhà mồ đã được thu gọn lại, cắt bớt phần cửa hông (có trụ) và làm thêm những tháp nhọn nhỏ…
Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 5Mộ cha Wibaux nhìn từ bên hông, có 2 tầng. Tầng dưới trang trí 3 ô hình mái vòm. Tầng trên nhỏ hơn, chung quanh tầng này có gắn 4 bảng đá đen ghi tiểu sử của cha và những câu trích từ Kinh thánh bằng tiếng Latin…
Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 6Tiểu sử ghi ở trước mộ: Théodore Wibaux. Linh mục người Pháp thuộc Hội Thừa sai hải ngoại. Giám quản Tông tòa Tây Đàng Trong. Cha khai sinh và là Giám đốc đầu tiên của Chủng viện này. Từ trần ngày 7.10.1877
Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 7
Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 8Ở chính giữa bức tường hậu có tượng bán thân cha Wibaux trên bệ đặt khá cao so với mộ. Tượng có khuôn mặt đẹp quắc thước, râu dài 2 chòm, mặc áo dòng có hàng nút áo chạy dài đặc trưng của tu sĩ Công giáo. Dưới tượng có gắn bảng đá đen ghi: Triều thiên của bậc lão niên là đàn con cháu. Vinh quang của con cháu là những bậc cha ông. Năm 1913 các linh mục Đông Dương hiến lập mộ cha, kỷ niệm 50 năm thành lập Chủng viện.
Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 9Bên cạnh mộ cha Wibaux (bên phải) là mộ của Linh mục G.B Hồ Văn Vui - người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm linh mục chánh sở Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn, sinh năm 1917, từ trần ngày 8.1.2002 được an táng cạnh cha Wibaux (bên phải), mộ phần lát gạch màu bằng phẳng với nền nhà mồ…
Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 10Tượng giáo sĩ Alexandre de Rhodes (người có đóng góp nhiều trong việc hoàn thiện chữ quốc ngữ) trong khuôn viên Đại chủng viện…
Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 11
Nhà thờ Cha Tam (25 Học Lạc, quận 5, TP.HCM) nhìn từ cuối đường Trần Hưng Đạo. Trên gác lầu chuông của nhà thờ có tượng thánh Phanxicô Xaviê đứng giơ cao cây thánh giá. Sở dĩ Nhà thờ Cha Tam trở nên nổi tiếng vì là nơi Tổng thống Ngô Đình Diệm và em ruột là Cố vấn Ngô Đình Nhu trú ẩn và dự thánh lễ lần cuối cùng, trước khi nộp mình cho phe đảo chánh. Để rồi trên đường từ Chợ Lớn trở về trung tâm Sài Gòn cả hai anh em ông bị bắn chết trong thùng chiếc xe thiết giáp M113, trong cuộc chính biến đầu tháng 11.1963…
Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 12
Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 13Do vậy nhiều người nghĩ, lúc đó cha Tam hẳn là người tin cẩn của ông Diệm. Sự thật không phải vậy, bởi cha Tam là người xây cất ngôi nhà thờ này (khởi công tháng 12.1900, khánh thành ngày 10.1.1902), lấy tên là Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê nhưng người dân cứ quen gọi là Nhà thờ Cha Tam… Khi cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm xảy ra, thì cha Tam đã qua đời ngót 30 năm (1934). Cha sở vào thời điểm đó là Joseph Guimet cùng 2 linh mục phụ tá là Gabriel Lajeune và A.Pinsel. Chẳng biết trong 3 linh mục người Pháp này, ai là người dâng thánh lễ cuối cùng với anh em ông Diệm? Ảnh chân dung cha Tam trên bia trước mộ và ảnh được trưng bày trong nhà xứ (có chữ Hán)…
Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 14
Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 15Mộ cha Tam rất giản dị, cha được an táng ngay trên thềm (tiền sảnh) của nhà thờ, không có nấm mộ, chỉ có một tấm đá khác màu lát bằng phẳng với nền nhà thờ. Phía đầu mộ (sát chân tường nhà thờ) có dựng tấm ảnh chân dung cha Tam nằm hơi nghiêng trên bệ đá màu đen…
Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 16
Chùm ảnh mộ các giáo sĩ xưa 17Tiểu sử của cha Tam được khắc trực tiếp lên tấm đá trắng (mặt mộ) bằng tiếng Pháp và tiếng Hán. Phanxicô Xaviê Tam Assou (tên thật của cha Tam, đọc theo âm tiếng Việt là Đàm Á Tô), sinh năm 1855 tại Macao (Trung Quốc), lúc còn nhỏ được cha mẹ gởi vào trường các dì phước ở Hồng Kông, rồi được Sơ Benjamin đưa qua Sài Gòn lúc mới 8 tuổi. Bà Sơ này nuôi Tam Assou ăn học cho đến lúc ông được phong chức linh mục (năm 1882). Cha Tam được cử làm phó tại Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn đồng thời là giáo sư ở trường Lasan Taberd. Vì là người gốc Hoa lại nói được nhiều thứ tiếng địa phương của cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn nên cha Tam được cử về họ đạo Thanh Nhân (1898). Hai năm sau, cha khởi công xây cất nhà thờ, lấy tên thánh của mình đặt cho giáo xứ. Họ đạo Phanxicô Xaviê (tức nhà thờ Cha Tam) ra đời từ đấy…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.