Chúng tôi bảy người

30/12/2018 08:59 GMT+7

(Cuộc trò chuyện với đứa con sắp chào đời) … Trong tập thơ We are seven (Chúng tôi bảy người) của nhà thơ lãng mạn người Anh William Wordsworth có nói về một bé gái, khi được nhà thơ hỏi, cô luôn trả lời là gia đình cô có bảy người, mặc dù hai thành viên trong gia đình đã chết từ lâu!

Thế nhưng trong gia đình của một người bạn, câu chuyện hoàn toàn trái ngược. Ai cũng tưởng gia đình có năm người nhưng thực ra thì có sáu thành viên: lý do là một đứa con lúc sinh ra bị hội chứng down, gia đình nhốt kín em trong nhà để mọi người khỏi biết.

Quen bạn đã lâu, nhưng mãi về sau ba mới biết chuyện. Một bữa tình cờ bước vào nhà bạn, ba trông thấy một đứa bé bị down đang vội vàng lẩn trốn. Khi hỏi chuyện, người bạn đắn đo, rồi sau cùng mới ngập ngừng nói đó là em trai mình. Lúc đó ba mới hiểu vì sao có lần anh ta đau khổ khi thấy một gã ngu ngốc đóng kịch, lắc lư để chế giễu một cô gái bị down trên đường phố.
Con ơi! Con thử tưởng tượng một đứa trẻ, vừa sinh ra bất hạnh đã trùm lấy nó, thế mà khi lớn lên còn bị gia đình hổ thẹn và xã hội từ chối! Nó sẽ phản ứng ra sao? Chắc chắn động tác đầu tiên là trốn chạy, thu mình lại như một con nhím. Nhưng những mũi nhọn không tua tủa xòe ra ngoài mà tự đâm vào trí não và ý nghĩ của mình. Một nỗi đau bất tận!
Thế giới này đầy rẫy những điều xuẩn ngốc!
Nhiều người không hiểu rằng sự khuyết tật không phải là một căn bệnh. Nó là một hoàn cảnh. Người khuyết tật không cần chữa trị. Họ không cần ai thương hại mà chỉ cần sự chấp nhận và tôn trọng.
Thân thể và chuyển động của họ có thể gây ra sự khó chịu ngay cả với những người thân. Nhưng mấy ai hiểu là nhiều khi trí óc của họ minh mẫn và thông tuệ.
Bất cứ kẻ nào sinh ra với những khuyết tật vẫn phải được sống như một con người. Và không ai có thể nhân danh điều gì để nhốt họ vào căn phòng lạnh lẽo, chui nhủi như ở trong hang.
Cái hang đó chỉ ngăn cách với thế giới bên ngoài nhưng không thể ngăn chặn mùa đông trong tâm hồn họ. Họ sống như thực vật và sẽ chết vì sự im lặng và cô đơn.
Thế thì sinh ra để làm gì, nếu phải tiếp tục tồn tại như thế? Và xã hội có thể tự nhận là văn minh, được quyền tố cáo hay lên án người Sparta cổ đại khi một đứa bé sinh ra bị khuyết tật thì họ ném chúng xuống vực sâu?
Ba hiểu là trong xã hội hiện đại, khi cuộc sống có quá nhiều khó khăn cho người "bình thường" thì dĩ nhiên những kẻ bất hạnh không thể đòi hỏi gì nhiều. Nhưng, giúp họ sống quanh ta, quan tâm đến họ để họ không sống đời thực vật là một đòi hỏi có gì lớn lao? Đôi khi mỉm cười với họ, nào có tốn kém gì! (Vả lại, với môi trường ô nhiễm, không khí, sóng từ trường, thức ăn, thức uống, dược phẩm… đều mang chất độc hại ai bảo đảm rằng chúng ta sẽ miễn nhiễm việc sinh con khiếm khuyết?).
Một người bạn khuyết tật của ba từng gào lên trong câm lặng: Chúa ơi, sao con bị sinh ra khốn nạn như thế này đây? Xin Thiên Chúa nhân từ, giúp những giọt nước mắt được trôi về biển vì nếu không, con sẽ bị chết chìm trong đó.
Sau bức thư đau đớn ấy, anh ta đã quyên sinh. Chấm dứt cuộc đời khốn khổ của mình.
Nhưng không phải người khuyết tật nào cũng có một cuộc đời bi thảm như thế. Xung quanh ta có những người bất hạnh, nhưng họ đã vượt qua, chấp nhận và sống một đời sống bình thường.
Họ không tuyệt vọng. Hay ít ra khi hiểu được những bất hạnh lớn hơn, ý chí của họ bừng dậy. Và sức mạnh nội tâm giúp họ đứng lên mạnh mẽ.
Ba thuật lại câu chuyện sau đây, mà một người bạn là nhân viên xã hội đã kể lại đã làm ba ấn tượng.
Một thiếu niên bị tai nạn xe hơi. Tuy không chết nhưng một cánh tay và một bàn chân của anh không cử động được. Sau khi xuất viện anh ta gặp nhiều khó khăn nên suốt ngày trốn trong phòng, không đến trường, không muốn gặp ai hết. Anh bị trầm cảm và thường có ý tự tử.
Cảm nhận được điều ấy, mẹ anh rất buồn. Bà gọi đến văn phòng xã hội để xin giúp đỡ.
Người ta cử một cô nhân viên tới nhà để hỏi thăm. Hôm đó, từ sáng sớm người mẹ đã báo con trai tin là sắp có người đến thăm. Nhưng bà chỉ nghe đồ đạc ném về phía cánh cửa đang đóng chặt và câu nói vô cùng giận dữ: “Mẹ đừng gọi người ta đến”.
Giờ hẹn đến, bà mẹ luống cuống ra mở cửa: “Tôi thành thật xin lỗi, con trai tôi bướng bỉnh, nói thế nào nó cũng không chịu gặp cô”.
Cô nhân viên xã hội an ủi: “Không sao đâu ạ, tôi hiểu mà, bà cứ để tôi thử xem. Phòng của anh ấy ở đâu?”.
- “Ngay trên đầu cầu thang”.
Cô gái nói: “Tốt, vậy làm phiền bà cầm giúp tôi một cái nạng”.
Cô nhân viên này là một người đi tập tễnh, hai chân đeo đôi giày sắt rất nặng, lúc đi lên lầu phải dùng tay vịn vào lan can rồi nhảy từng bậc thang, cho nên cần một người mang giúp cây nạng lên lầu.
Cô ấy đu lên với tốc độ rất chậm, dùng lực của hai tay bám vào lan can, nhấc hai chân khỏi mặt đất, rồi lại rơi xuống bậc cầu thang. Vì giày sắt nặng nên mỗi lần rơi xuống phát ra âm thanh rất to.
Anh thiếu niên nghe âm thanh quái dị tiến gần, không thể nhịn được liền mở cửa phòng ra xem. Và cảnh tượng hiện ra khiến anh ta chấn động: “Một người phụ nữ với đôi chân không thể vận động lại đến an ủi một thiếu niên như mình…!”.
Cô nhân viên chưa nói lời nào thì anh đã cảm thấy rằng một chút thương tích của bản thân thật ra không đáng kể.
Sau đó anh ta tiếp tục đến trường, học rất giỏi và trở thành một giáo sư dạy tin học.
Cuộc đời muôn vẻ. Có may có rủi. Nhưng dù sao thì cũng không bao giờ để mình phải thất vọng. Ba kể con nghe một câu chuyện khác mà một nhà văn người Ý đã viết để giúp chúng ta nhìn đời bằng lòng nhân ái:
Một đứa bé đi ngang qua một cửa hàng bán chó. Nó tò mò dừng lại và hỏi ông chủ tiệm giá bao nhiêu một con. “Tùy thôi, từ 30 đến 50 nghìn”. “Thưa bác, cháu chỉ có 20 nghìn thôi. Vậy cháu có thể xem chúng không?”. Ông chủ tiệm mỉm cười và tu miệng huýt gió. Một chú chó mẹ chạy ra theo sau là 5 chú chó con. Trong đó có một con đi rất chậm vì một chân bị thọt.
Thằng bé nhìn con chó tàn tật, xúc động và hỏi nó bị sao. “Lúc mới sinh bác sĩ thú y nói nó bị hư một khớp chân nên sẽ bị tàn tật suốt đời”.“Vậy à, thế thì cháu muốn mua con chó đó!”. Ông chủ tiệm bật cười. “Cháu mua làm gì con đó. Suốt đời nó đâu thể chạy nhảy như những con chó khác. Nếu cháu muốn thì bác sẽ cho cháu”.
“Cháu không muốn được tặng không. Cháu nghĩ rằng nó cũng có giá trị như những con chó khác nên sẽ trả tiền cho bác bằng giá với những con kia. Bây giờ cháu chỉ có 20 nghìn, nhưng hàng tháng cháu sẽ trả bác 4 nghìn cho đến khi hết nợ”.
Nói xong nó kéo ống quần lên. Ông chủ tiệm thấy có một ống chân giả, trên đó có những chỗ bắt vít bằng kim loại. “Bác xem đấy. Cháu cũng không thể chạy nhảy. Nên cháu muốn là con chó tàn tật kia có được một người hiểu và thông cảm với nó”.
Ông chủ tiệm cắn mạnh vào môi dưới. Nước mắt ông ngấn ra. “Ôi cháu ơi, bác chỉ mong và cầu nguyện là mỗi con chó đều có một ông chủ như con”.
Lúc đọc câu chuyện này, nước mắt chảy dài và ba tin là nó sẽ xóa bỏ những mặc cảm cho những ai cảm thấy mình nhỏ bé và vô ích. Kể lại ba chỉ mong con nhớ rằng giá trị của một người không phải là họ có mọi thứ đều hoàn toàn mà chính là cách sống của họ có thể làm xúc động bao nhiêu trái tim hay bao người được họ giúp mỉm cười, được thoải mái khóc. Rằng không có gì quan trọng, điều mà con thể hiện ở bề ngoài hay con là ai, mà chính là điều người khác nhận ra giá trị của con. Vì thế con đừng bao giờ sợ hay đừng bao giờ mang trong lòng những mặc cảm yếu hèn nếu vì một lý do gì đó nó có thể xuất hiện trong đầu con.
Con hãy nhớ rằng không có ai hoàn toàn cả. Nên con cứ ngẩng cao đầu, mà đi.
...
(Trích tiểu thuyết Trò chuyện với thiên thần - 2018. Sách sắp xuất bản)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.