Chuyện dài cảm tác

23/10/2006 23:27 GMT+7

Mới đây, có vài chuyện ì xèo về kịch bản sân khấu, gây dư luận không hay. Vấn đề là từ một tác phẩm gốc, người ta có thể cảm xúc thế nào rồi từ đó "sáng tạo" lại thành một tác phẩm mới mang dấu ấn riêng mình.

Và tác phẩm mới này phải ghi rõ là "chuyển thể", "phóng tác", hay "cảm tác"... để đừng xảy ra những tranh cãi. Vậy mà vẫn có tranh cãi đấy!

Đạo diễn Minh Nguyệt với vở Tiếng chim vườn ngọc lan rất ấn tượng, cũng bắt đầu từ một truyện ngắn Trung Quốc, nhưng chị nói: "Tôi sửa lại rất nhiều, từ ý tưởng cho tới kết cấu nhân vật. Trong truyện, gọi nhân vật chính là "ả" và "hắn" với sự khinh rẻ, cho nên họ tả nhân vật chạy theo dục vọng bản năng. Còn tôi, thấy đó là bi kịch, thấy số phận đáng thương của người vợ khi lấy phải người chồng đồng tính, còn người chồng cũng đáng thương vì trong anh ta vẫn có khao khát chính đáng của một con người bình thường. Vì vậy, tôi thay đổi lại đường dây câu chuyện, và gọi là "cảm tác". Cảm tác là chỉ lấy một chút gì đó trong tác phẩm gốc mà mình cảm xúc thôi, còn phóng tác thì giữ lại nhiều hơn, và chuyển thể gần như giữ lại nguyên vẹn". Thật ra, bây giờ có rất nhiều nguồn tác phẩm cho tác giả kịch bản làm nguyên liệu. Truyện ngắn là một kho phong phú nhất. Rồi đến báo chí với những câu chuyện cười đã giúp các nhóm hài cảm tác. Rồi phim ảnh nước ngoài tràn ngập. Nhưng xin đừng chủ quan mà giấu nhẹm nguồn gốc tác phẩm, bởi hệ thống thông tin hiện nay phổ biến rất rộng, bất cứ người dân nào cũng có thể phát hiện ra tác giả đã "lấy" từ đâu, cho nên nếu anh không ghi rõ xuất xứ thì người ta bảo anh "đạo" ngay. Vì vậy, an toàn nhất là anh cứ ghi "cảm tác" chẳng ai bắt bẻ được cả. Bởi thấy hai chữ cảm tác cũng đủ hiểu phần đóng góp của anh bao nhiêu rồi.

Về phía người xem, cũng cần một thái độ công bằng đối với tác phẩm cảm tác. Dù nó lấy xuất xứ từ đâu thì nó vẫn phải được công nhận những giá trị hiển nhiên của chính bản thân nó, chứ không thể cứ truy tìm xuất xứ rồi thành kiến với nó. Chính vì "sợ" thành kiến như thế nên tác giả một kịch bản đành giấu xuất xứ là một phim cấp ba, để rồi mang tiếng. Thật ra, từ phim tới kịch là cả một khoảng cách. Kịch đã nâng tính cách nhân vật, nâng ý tưởng chủ đề lên cao hơn nhiều. Nếu không, dễ gì những khán giả trí thức của sân khấu ấy chịu bỏ tiền mua vé. Đánh giá tác phẩm phải từ nhiều phía khách quan.

Cảm tác còn rắc rối ngay cả trong trường hợp cầm một kịch bản sân khấu hẳn hòi trong tay mà đạo diễn lại dựng gần như khác hẳn, khiến tác giả la lên: "Tôi nhìn không ra đứa con của mình nữa!". Chuyện giữa đạo diễn Đức Thịnh và tác giả Võ Tuấn Thiện là mới toanh đây, tranh cãi cũng không ít. Đức Thịnh nói anh chỉ cảm xúc một số ý trong vở Cánh đồng gió, còn Tuấn Thiện cho rằng: "Nếu muốn sửa như thế thì phải nói trước với tôi một tiếng, đằng này Thịnh làm xong hết trơn rồi tôi mới được thấy tác phẩm. Tóm lại, tôi đồng ý cho sửa, nhưng nên bàn luận với nhau". Cuối cùng hai bên cũng vui vẻ đứng tên chung là tác giả và nhìn kịch bản chào đời trên sân khấu...

Tuy nhiên, nếu không rạch ròi cách làm việc thì e rằng sẽ tiếp tục nhiều vụ tranh cãi khác nữa. Có lẽ mọi tác giả nên hiểu rằng tác phẩm của mình khi bước ra với công chúng thì tất nhiên sẽ được cảm nhận qua nhiều "lăng kính" khác nhau, tùy theo mỗi người thưởng thức chất chứa riêng điều gì trong họ. Và có khi chỉ "gặp" nhau ở một "mảnh" nào đó thôi, mà người thưởng thức lại sáng tạo ra một tác phẩm mới, với cái phần riêng tư của họ. Vậåy tác giả của tác phẩm gốc cũng nên vui vẻ hiểu rằng mình đã có công "khơi gợi" cho một tác phẩm mới, làm phong phú cho nghệ thuật. Tác phẩm gốc vẫn còn đó để đối chiếu, ai hay, ai dở mất đi đâu mà sợ.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.