Chuyện đông chuyện tây trở lại sau hơn 10 năm

09/11/2017 07:16 GMT+7

Hơn 10 năm kể từ ngày ra mắt Chuyện đông chuyện tây tập 6, học giả An Chi vừa giới thiệu tập 7 của bộ sách do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Cuốn sách lần lượt giải tỏa một cách cặn kẽ, rành mạch nhiều thắc mắc của độc giả ở đủ các lĩnh vực: từ kiến thức Đông, Tây, cổ kim cho tới chuyện chữ nghĩa, các địa danh, điển tích… Chẳng hạn, với câu hỏi: Xin cho biết người Trung Quốc gọi “hoa hậu” và “nam khôi” là gì? Có lẽ “hoa khôi” là “nửa kia” của “nam khôi” chăng? Ta có thể dùng “nam vương” để chỉ “nửa kia” của “hoa hậu” được không?, An Chi lý giải: “Trong tiếng Hán, hoa khôi có nghĩa là “(người) ca kỹ nổi tiếng”. Ở ta, trước đây người ta có dùng hai tiếng hoa khôi theo nghĩa “Miss (...)” nhưng về sau thấy ra cái nghĩa gốc không mấy hay ho của nó nên đã thay bằng hoa hậu (nhưng hoa khôi vẫn còn tồn tại trong khẩu ngữ hoặc lối nói thân mật). Người Trung Quốc gọi hoa hậu là tiểu thư và nam khôi là tiên sinh. Miss World là Thế giới Tiểu thư, Mr (Mister) World là Thế giới Tiên sinh. Hai yếu tố hậu và vương không phản ánh được cái nghĩa tế nhị và chính xác của Miss và Mr (Mister)”.
Lại có người thắc mắc tại sao mọi người gọi thứ máu chảy ra từ mũi là máu cam, trong khi nó vẫn đỏ như máu ở răng, nướu chảy ra và hoàn toàn không có màu cam. An Chi cho rằng cam ở đây khác với cam trong danh ngữ chất độc màu da cam. Nó không chỉ màu mà chỉ một chứng bệnh. Hán Việt từ điển của Thiều Chửu giảng chi tiết: “Bệnh cam, một thứ bệnh về máu rãi (sic). Như vì máu trắng kém mà tì rắn lại, gọi là tì cam, trẻ con ăn bậy sinh bệnh gầy còm gọi là cam tích, chân răng thối nát gọi là cam răng hay cam tẩu mã”. Trước đây, nhà thuốc Đại Quang ở đường Tổng đốc Phương, Chợ Lớn (nay là Châu Văn Liêm), có sản xuất thứ bột chuyên trị cam tích của trẻ con gọi là Cam tích tán. Cam trong máu cam chính là chữ cam này.
Trả lời câu hỏi: “Thị trấn dọc bờ sông đào của H.Kim Sơn (Ninh Bình) tên là Phát Diệm hay Phát Diễm, cái tên này có từ bao giờ và do đâu mà ra?”, học giả họ Võ cho biết: “Địa danh Phát Diệm do Nguyễn Công Trứ đặt ra trong công cuộc khai khẩn vùng đất Kim Sơn và Tiền Hải (Thái Bình) hồi 1828 - 1829. Cách đọc chính xác xưa nay vẫn là Phát Diệm. Diệm: đẹp đẽ, sáng sủa. Tuy cũng có quyển như Việt Hán thông thoại tự vị của Đỗ Văn Đáp và cả Đào Duy Anh trong mục phụ của chữ đang xét, ghi cho nó âm diễm nhưng trong thư tịch bằng chữ Hán lâu nay nó chỉ có thanh khứ (diệm, âm gốc), chứ không bao giờ có thanh thượng (diễm)”.
GS Cao Xuân Hạo từng nhận xét về An Chi: “Thời nay không có ai có thể tự cho mình là “nhà bách khoa” cái gì cũng biết, những câu trả lời của anh đã làm thỏa mãn phần đông độc giả vì đó đều là kết quả của một quá trình tra cứu nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm đối với khoa học và đối với những người có lòng tin cậy mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.