Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng khi đã chuyển sang cơ chế thị trường, thì lễ hội không chỉ là lễ hội. Theo tiến sĩ Sơn, lễ hội phải tuân theo quy luật của cơ chế thị trường là nó phải trở thành dịch vụ, phải được bán hàng.
“Ví dụ cái gì cũng dịch vụ. Từ đi đền chùa, xem triển lãm nghệ thuật cũng thế cả. Chọi trâu là một hàng hoá. Nên bình tĩnh nghiên cứu và tuân theo quy luật thị trường. Quan điểm chống thương mại hoá lễ hội giờ đã lạc hậu rồi. Vì bây giờ có lễ hội nào không bị thương mại hoá. Nhưng phải có giá, không chặt chém”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, có 2 cách để thu tiền từ lễ hội. Một, cách hay nhất là phát triển thành sản phẩm du lịch, thu tiền lưu trú và dịch vụ ăn nghỉ kéo dài như thi pháo hoa ở Đà Nẵng. Đó là cách văn minh đang làm ở các điểm du lịch. Cách thứ hai là thu tiền trực tiếp khi bán vé ra.
“Cả hai cách đều được. Nếu thu theo cách đầu tiên thì hay nhất. Nhưng chưa có khả năng thì bước đầu thu theo cách hai là hợp lý. Nên quản lý lễ hội là phải nghiên cứu thực tế. Chả nhẽ lấy ngân sách nhà nước để bao cấp”, ông Sơn nói
Phó giáo sư - tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam, cũng cho rằng: “Phải thu để còn có tiền tổ chức hoạt động chứ. Nếu quan điểm cứng nhắc thì không nên. Lúc ra sân vận động có đông người thì làm sao mà bảo đảm? Chọi trâu không dự phòng để chết người thì phê phán, chặt chém thì phê phán. Chứ dịch vụ nào chả có phí dịch vụ. Nếu nghị định, thông tư chưa chuẩn thì sau này sửa”.
Cùng quan điểm này, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, cũng cho rằng, lễ hội xưa quy mô nhỏ, giờ đã thoát ra khỏi hội làng kiểu truyền thống. “Nó đã thoát ra khỏi lễ hội làng thuần tuý từ lâu nay, mang tính chuyên nghiệp rồi. Mình phải xử lý theo hướng đó. Phải giữ để nó không mang tính tiêu cực thôi. Vì trong quá trình thay đổi, trước đây nó ở cộng đồng nhỏ thì khác, khi nó rộng hơn thì cách vận hành nó khác”, ông Huy nói.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, thành phố Hải Phòng vừa gửi đề án chọi trâu Đồ Sơn lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đề nghị được bán vé, giá dự kiến 80.000 đồng/vé vòng loại, 150.000 đồng/vé vòng chung kết. Việc bán vé, theo đề án, được chi cho hoa hồng bán vé, in ấn vé, phí bảo hiểm khách xem lễ hội và hỗ trợ công tác tổ chức lễ hội ở các phường.
Theo đề án, trước đây, việc tổ chức dựa vào việc đóng góp của người dân trong cộng đồng theo đầu người. Tuy nhiên, việc có hoạt động chọi trâu tại sân vận động có bán vé đã diễn ra hàng chục năm nay, được cộng đồng và du khách chấp nhận như một dịch vụ có phí.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho biết hiện Bộ chưa có ý kiến chính thức về đề án này. Tuy nhiên, bà Hương cho hay: “Quy định tại Thông tư 15 và Nghị định 28 thì không được bán vé thu tiền lễ hội. Không thể làm trái được đâu. Nếu bán vé sẽ vi phạm Nghị định của Chính phủ ngay và Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc làm sai nghị định”.
Bình luận (0)