Bộ phim đã vén bức màn bí mật của lịch sử về quá khứ đau buồn của hàng ngàn đứa trẻ lai được sinh ra trong chiến tranh Đông Dương.
Sau 10 năm được công chiếu lần đầu tiên tại Pháp (năm 2009), bộ phim Người lạ, giống Pháp được giới thiệu đến đông đảo công chúng VN vào tối 3.6 tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) và tối 6.6 tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (TP.HCM) trong khuôn khổ Liên hoan phim tài liệu châu Âu - VN lần thứ 10.
Ký ức 50 năm
|
Trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương, ở VN, hàng ngàn đứa trẻ lai được sinh ra mà trong giấy khai sinh chỉ đề tên mẹ, không có tên bố (được đoán chừng là người Pháp). Sự tồn tại của những đứa trẻ ấy bị chối bỏ ở Pháp và VN vào thời điểm đó. Chúng lớn lên trong trại trẻ mồ côi hoặc cùng mẹ. Sau khi chiến tranh kết thúc, những đứa trẻ lai được “hồi hương” về Pháp, có khi bất chấp nguyện vọng của những người mẹ. Để “Pháp hóa” những đứa trẻ lai, người ta chia cắt chúng khỏi mối quan hệ máu thịt của mình như tách ra khỏi anh, chị, em ruột (cùng được đưa đến Pháp), đồng thời cắt đứt mọi mối liên hệ với người thân ở VN; thậm chí, chúng không được phép nói tiếng Việt. Ở mỗi trại trẻ, trung tâm nuôi dưỡng, những đứa trẻ ấy đùm bọc lấy nhau, lập thành nhiều gia đình mới với những người anh, chị, em dù không cùng máu mủ ruột rà.
|
Sau gần 50 năm, những đứa trẻ lai đã cùng nhau kể lại quá khứ đau buồn, những vết thương trong tâm hồn thơ trẻ. Người lạ, giống Pháp gần như là bộ phim tài liệu đầu tiên đề cập đến câu chuyện của những đứa trẻ lai ngày ấy. Không chỉ công chúng, lần đầu tiên, con cháu của họ mới biết được những câu chuyện từng được chôn giấu này của cha mẹ, ông bà mình. “Nhìn nhận của xã hội Pháp với trẻ lai đã thay đổi. Nhân vật xuất hiện trong phim là những người có vị trí trong xã hội. Trước khi nghỉ hưu, họ từng là bác sĩ, giáo viên, cảnh sát... Quá khứ đã qua, nhưng sự thật của lịch sử vẫn cần được kể lại”, đạo diễn Philippe Rostan nói.
Ngay khi phát sóng, bộ phim đã khiến công chúng Pháp bị sốc. Họ lên án mạnh mẽ hành vi tội ác, vô nhân đạo với những đứa trẻ lai. Có những vết thương khó có thể xóa nhòa, nhiều đứa trẻ đã không còn tìm được mẹ, có những người chị cho đến giờ vẫn chưa tìm lại được người em gái đã bị chia cắt khi đến Pháp... Bộ phim đã giành giải thưởng CNC 2010 des Images de la diversité và giải thưởng Prix du public, festival de Tours 2010.
Khát khao trở về quê mẹ
“Tôi làm phim cũng là cách để kể câu chuyện của chính mình”, đạo diễn Philippe Rostan chia sẻ. Anh sinh ra và lớn lên tại Buôn Ma Thuột. Khi chiến tranh kết thúc, năm 1975, Philippe Rostan đã cùng gia đình về Pháp. Rời VN khi là cậu bé 11 tuổi, Philippe Rostan luôn khát khao được trở về quê mẹ. “Trước đây, tôi cũng như nhiều đứa trẻ lai nghĩ rằng khó có cơ hội trở về quê mẹ vì lúc đó đất nước chưa mở cửa”, anh nói. Nhưng sau đó, mọi chuyện đã khác. Năm 1990, lần đầu tiên Philippe Rostan trở về VN, anh làm phụ tá cho đạo diễn Pierre Schoendoerffer thực hiện bộ phim Điện Biên Phủ. “Khi trở về, tôi đã tìm lại được phần VN vẫn còn nguyên vẹn trong mình. Chỉ đến lúc đó, tôi mới thấy con người mình hoàn thiện”, Philippe Rostan nhớ lại.
Anh luôn muốn làm phim tài liệu dưới góc nhìn của một người con mang dòng máu Việt - Pháp, có thể kể đến như bộ phim: VN thân yêu, Ba cuộc chiến tranh của Madeleine Riffaud (nói về nữ nhà báo người Pháp Madeleine Riffaud, con gái nuôi của Bác Hồ, người bạn của nhân dân VN; bà đã có mặt để đưa tin về cuộc chiến tranh tại VN)... Philippe Rostan cũng quan tâm đến những đề tài về văn hóa, hay hình ảnh VN đương đại mà anh gọi đó là cách để được khám phá quê hương mình. Anh thực hiện những bộ phim như Chợ tình (2011), Hoa sen (2012), hay mới đây nhất là bộ phim Người H’Mông, giữa đất và trời (2018). “Tôi muốn quảng bá hình ảnh quê hương VN tới công chúng quốc tế qua những bộ phim”, anh nói.
Philippe Rostan chia sẻ, khi còn nhỏ, anh luôn nghĩ mình sẽ trở thành đạo diễn phim truyện, nhưng sau này khi tốt nghiệp (chuyên ngành đạo diễn của Đại học Paris Vincennes), anh lại có duyên với phim tài liệu. “Dù vậy, tôi vẫn ấp ủ và đang chuẩn bị cho dự án làm phim điện ảnh về VN, về những đứa trẻ lai trước và sau khi đất nước thống nhất”, Philippe Rostan nói.
Bình luận (0)