Lão chủ quán cứ ít phút lại chạy ra rít thuốc lào sòng sọc trong cái ống điếu to tướng, tuyên bố với anh như thế. Câu nói nhằm ý khoe chất lượng món ăn khiến anh bất giác thở dài, hình dung ra mấy khu rừng ngày càng cạn kiệt mọi thứ. Biết thế, tiếc thế, đau đáu thế, nhưng mình vẫn cứ phải ăn, thật là… Trong lúc đợi chế biến món rắn hầm sả ớt, anh rảo ra phía sau, nhìn những cái chuồng bé xíu ẩm thấp hôi hám nhốt vài con nhím, con hoẵng, con rùa xấu số đang đợi hóa kiếp. Anh thấy mình không có lý do mà lại thở dài.
Quán ở sát biên giới Việt - Cam, phía trước là cửa khẩu quốc tế, vòng vèo qua những con đường bé xíu heo hút mới tới, vậy mà ngồi chỉ một chút đã thấy có chiếc xe hơi khác ghé lại, thân quen buông câu: Bữa nay có gì đặc sản không ông chủ? Lão chủ quán liền hất hàm hỏi ngược: Quý khách muốn ăn gì cũng chiều được.
Vài ly rượu thuốc khiến thằng Tâm hăng hái hơn hẳn. Nó bảo, đầu giờ chiều mình sẽ vòng qua mấy chỗ em từng xem qua trước rồi. Ngon lắm. Có một cây rất bá cháy, tán rộng, chắc phải chừng ba mươi năm tuổi có hơn à, bị cái bà chủ nhà mắc dịch không chịu bán. Để hôm nay anh thử trổ tài dụ dỗ bả coi sao nghen! Nhạc mẫu tương lai của em đấy nhé, vậy mới cú!
- Bớt ảo đi mày, ế bền vững mà bạ đâu cũng thích kêu vợ kêu bồ!
Sau câu đùa ấy, anh hỉ hả cười. Đây không phải lần đầu anh cùng thằng Tâm la cà ở khu vực rừng già này để săn mai. Loài cây của mùa xuân phương nam hình như ưa loại đất nâu đỏ mỡ màng này thì phải, nên chưa ở đâu anh thấy trồng mai nhiều và đẹp như ở đây. Giá cả cũng hên xui vô chừng, nhưng nói chung là rẻ. Gặp phải chủ nhà tay mơ hoặc hám tiền là coi như trúng mánh lớn. Anh không hẳn vì lợi nhuận, dù nhiều đợt bán lại cho bạn bè người quen, thu lại cũng bộn. Chủ yếu, anh thích la cà trong những con đường mòn xanh lá, cảm giác làm chủ tay lái qua một hành trình xuyên rừng, bên cạnh là thằng Tâm hoa tiêu mồm miệng liến láu khiến anh như được thư giãn sau những ngày bươn bả căng thẳng mỏi mệt.
Tâm sống hẳn vào cây. Tìm mua, cắt tỉa, bứng gốc, mang về nuôi dưỡng chăm sóc. Nó say mê cổ thụ, đắm đuối những dáng mai một thân một cốt đầy mê hoặc. Già nua cằn cỗi cỡ nào, mai ghép hay mai tàng, vào tay nó là đâm chồi nảy lộc ngay. Tâm chỉ dở trong cái việc kiếm đầu ra, buôn bán. Dăm ba đợt nhận mối thầu trồng cây xanh trong khuôn viên một công ty hoành tráng nào đấy nhưng lại không rõ ràng tiền nong khiến nó cụt vốn, lây lất vài ba thứ cây vớ vẩn tép riu.
- Chút nữa tui chở đại ca ghé nhà con ghệ của tui xem lại gốc này nhé. Ngon lắm!
Vẫn cái tiếng “ngon” quen thuộc của thằng Tâm. Anh khẽ cười. Cây mai ấy quả là đủ khiến cho một tay chơi nghiệp dư như anh mê mẩn. Anh từng đến đó một lần, không gặp chủ nhà, cửa đóng im ỉm nên đứng từ ngoài nhìn vào cho đỡ ghiền. Gần hết tháng giêng rồi mà sắc vàng vẫn rực lên một góc, tựa hồ bao nhiêu lộc lá của khu vực này đều gom hết về đây, khoe ra cái màu óng ả nuột nà cuối mùa của nó. Lả tả đợi tàn phai thôi mà vẫn đẹp đến não nùng. Anh ngây người ra ngắm, chợt hiểu vì sao bà già kia nhất định không chịu nhả cái cội mai mấy mươi năm tuổi ra cho cò, lái lẫn khách.
Bả cũng không chịu gả con bé Hai cho tui mới tức chứ! Thằng Tâm lại thủng thẳng kể. Hai đứa quen nhau lâu rồi, mà kêu cưới cho xong chuyện, con bé cứ ậm ừ, bà già thì cười trừ.
Bé Hai thực ra không phải là quá bé. Cô gái trạc tuổi thằng Tâm, tóc có lẽ dài, vì được bới cao lên, chừa ra một cái cần cổ vun vút trắng trẻo. Khuôn mặt dễ coi, nhưng có vẻ là không phải dễ dãi hay dễ nhằn. Bé Hai đưa mắt nhìn anh như ước chừng, trước khi buông câu nói trỏng:
- Mẹ không bán mai đâu!
Anh cũng không định mua nữa. Cảm giác rõ rệt rằng, cội mai ấy, nếu bứng rời khỏi cái sân rộng bề ngang mà ngắn ngủi kia, nối tiếp là căn nhà lợp mái lá tứ bề bằng đất nung hay cái gì đó tương tự, tôi tối và êm êm ấy, thì thật không còn ý nghĩa nữa. Chẳng hiểu trời xui khiến gì, anh còn lén lút nghĩ thêm, nếu không có bé Hai loanh quanh bên cạnh, thì cội mai ấy cũng sẽ bớt đẹp. Anh hiểu luôn, vì đâu thằng Tâm thường kèm theo cái cụm “ngon lắm” khi nhắc về ngôi nhà có bà già, cây mai và người con gái nó quen biết nhiều năm mà chưa thể cưới hỏi gì.
Thằng Tâm với bé Hai đi về hướng vườn tiêu nói chuyện, bỏ mặc anh lững thững phía ngoài. Anh lặng lẽ nhìn mớ xoan đào, bằng lăng, mận ăn trái đã cắt cụt ngọn, được bứng trồng trong mấy cái chậu đất nung to tướng xếp hàng dài buồn thiu bên đầu hồi. Cây cối dường như cũng có cuộc đời riêng của nó, nên khi bị tách ra khỏi nơi đã sinh ra và lớn lên thì cũng khó có thể đẹp đẽ tươi mưởi như lúc đang ở nơi chúng thuộc về. Ý nghĩ bâng quơ ấy đưa anh ngang qua cái cửa sau mở ra khoảnh vườn đã cho thằng Tâm thuê để trồng cây, “làm nghề”. Bà già, mẹ của bé Hai đang ngồi cùng mớ áo quần nùi nùi lớp lớp bên cạnh. Ánh mắt dành cho anh không mấy thiện cảm. Kệ. Anh thư thả dạo hết lượt chiều ngang của vườn tiêu, tiện tay hái cả nắm trái chín nhìn ngon mắt, dù chẳng để làm gì. Lúc anh quay ra, vẫn thấy bà già nhướng mắt nhìn anh chăm chú:
- Cô may đồ cho khách à?
- Ừ, loay hoay chi đó cho vui. Chứ biết làm gì bây giờ.
Anh nhìn mớ vải vóc có phần cũ kỹ úa màu ấy, tự hỏi, có phải bà già cứ khâu vào rồi lại gỡ ra, mượn sợi chỉ cây kim để khuây khỏa thời gian hay không nhỉ. Anh bất giác thấy mình bỏ qua thói quen kiệm lời cố hữu mà dịu dàng hỏi thăm thêm vài câu, bất ngờ khi nhận lại thái độ chia sẻ đến khó tin:
- Ông nhà tôi mới mất tháng rồi. Mấy chục năm trước đưa mẹ con tôi từ bên Cam về đây, mua đất dựng nhà, làm công trình phụ các kiểu. To rộng để làm gì, rồi đột ngột bỏ mẹ con tôi mà đi...
Bà già nghèn nghẹn. Nước mắt chẳng ròng ròng mà chậm chạp rơi ra, khó nhọc. Anh đứng đó, bối rối, xót ruột. Tựa hồ như chính anh vừa gây ra cái tội gì đấy, khiến cho tủi hờn bật ra thành dòng. Người già thật lạ kỳ, giống như một cái chai luôn đóng kín, khó ai có thể bày tỏ, cho tới lúc nào đó bỗng đột ngột bật nắp trút ngược, bao chất chứa trong lòng tuôn ra. Anh bỗng muốn nắm tay bà già để an ủi. Hoặc chí ít là khẽ chạm vào bà, theo một cách nào đấy, giữa người ta với nhau…
Có tiếng bước chân, bé Hai và thằng Tâm vừa quay lại. Thằng Tâm thoáng cười, vẻ ngạc nhiên và hài hước với cảnh tượng trước mặt. Bé Hai nhìn thẳng vào mắt anh, lạ lẫm. Nửa như trách móc, nửa lại khiến anh thấy mình luống cuống. Người đàn ông đã gần đi qua tuổi trẻ, bôn ba nhiều mảnh đất, trải qua vô số nỗi thiệt hơn thành bại ở đời, hà cớ gì phải lúng túng trước một bà già và một cô gái miền đất đỏ thế này?
***
Anh còn trở lại cái vườn tiêu, nơi phía trước có căn nhà mái lá và đầu hồi được cho thuê để trồng cây ấy thêm vài bận nữa. Lần đầu là cùng với thằng Tâm và một hai người thợ địa phương vừa thuê vội. Anh mướn họ leo lên lợp lại cái mái nhà đã có vài nơi lỗ chỗ nhiều sợi dột. Chằng thêm lá, kèo thêm dây để chống chọi lại mùa gió sắp tới. Dặm sơn lên mấy mảng tường lốm đốm vì thấm nước. Vừa làm anh vừa bông đùa với thằng Tâm, là đầu tư cho chú mầy cũng tốn bộn tiền đấy nhé. Liệu liệu mà thu hoạch cho tôi nhờ! Nói xong, anh liếc nhanh ra xung quanh, chỉ sợ có ai kia nghe được sự bỗ bã ấy. Anh bỗng cắc cớ tự hỏi mình, là có đúng là anh đang vì thằng Tâm thật không?
Mấy đợt sau, anh đi một mình, đấu tranh dữ dội với cảm giác hình như anh vu vơ có lỗi với thằng Tâm thì phải. Ta có đang làm đúng không? Ta vì cái gì vậy chứ? Ta sao thế này? Anh gạt qua những băn khoăn của bản thân khi quyết định tới lui chốn ấy, nhiều lần…
Thêm dăm lượt nữa, anh đến, chỉ để cùng bà già ngồi ăn bánh uống trà anh tự mang theo, nghe kể thêm vài câu chuyện hồi xưa, với cụm từ luôn được nhắc nhớ là “ông nhà tôi”. Anh loay hoay với câu hỏi: Phải yêu thương đầy vơi như thế nào, thì khi người đã khuất xa lâu rồi, mà người ở lại vẫn còn ngong ngóng nỗi tiếc mong khoắc khoải đến vậy? Tinh nghịch trong anh sự tưởng tượng rằng, biết đâu mười, hai mươi năm nữa, bé Hai cũng có một “ông nhà tôi” trong tim cô ấy, cùng thưởng trà ngắm mai, thì kẻ may mắn kia sẽ ấm áp hạnh phúc biết chừng nào. Thâm tâm anh chẳng dám thừa nhận, là trong mấy câu chuyện không đầu đuôi vô thưởng vô phạt ấy, anh vẫn có lúc dáo dác ngó ra cổng, chờ một tiếng bước chân len qua cội mai vàng. Là bé Hai đi làm công nhân ở gần đó về, dắt chiếc xe vào cổng, lên tiếng chào ông khách mê mai đến dở người…
Bà già giờ đã quen tiếng quen người, có vẻ cảm kích và quý mến, mở lời biểu anh ở lại ăn cơm, nhẹ tênh và đơn giản như với người nhà. Anh cố giấu nỗi sung sướng ngon miệng khi được xếp gọn đôi chân mà ngồi vào mâm cơm nhà đó, đối diện với bông bí xào tỏi, trứng chiên thịt bằm, khô cá bé tí ram mặn. Bé Hai giờ không còn dành cho anh ánh nhìn lạ lẫm nữa, nhưng đôi mắt mang hình dấu hỏi vẫn thường nhướng về phía anh, khó tin xen lẫn buồn cười. Tựa hồ như kiểu “dẫu anh cố gắng thế nào thì cũng không có được cây mai nhà tui đâu”. Anh đôi khi chỉ muốn buông chén trà uống dở xuống, níu tay bé Hai mà giải thích một câu rằng, thật ra ngay từ hôm đầu, anh đã bỏ hẳn ý định mang cội mai đi rồi.
Nhưng anh chẳng dám. Thật lạ lùng là đôi khi người ta bỗng trở nên nhút nhát vì một ai đấy không dữ dằn, không nguy hiểm, càng không có ý định tấn công hay ăn hiếp mình…
***
Anh bất ngờ nhận được cuộc gọi của thằng Tâm vào chiều cuối năm, khi lòng đã dự định ngày giờ quay lại thăm cội mai và chủ nhân của nó.
- Báo tin với ông anh, là tết này tui cưới vợ! Nghiêm túc nhé!
Anh thật lòng mừng cho nó. Từng tuổi ấy, giá như có một người đàn bà để cùng tưới mấy cái chậu đất nung trồng mấy cái cây xoan đào, bằng lăng, lộc vừng kia, thì vẫn tốt hơn những chuyến rong ruổi rừng xanh không có ai ngong ngóng chờ về. Chưa kịp hỏi gì, đã nghe thằng Tâm oang oang thông báo tiếp:
- Bà già cuối cùng chịu bán cây mai rồi. Đại ca thu xếp lên bứng với tui. Chuyến này anh em ta được cả đơn lẫn kép. Mà chắc cũng nhờ bao nhiêu công sức ông anh tới lui chỗ đó, nên bà già mới cảm động, mà gả bé Hai cho tui đấy!
Thằng Tâm còn dặn dò kể lể tính toán thêm vài thứ nữa, đại khái như chắc phải chuẩn bị cả xe cẩu lẫn xe cuốc mới xử nổi cội mai này. Anh em mình phải bó bầu quanh gốc cây thật lớn cho chắc cú. Cơ hội lâu lắm mới tới, đâu thể sơ suất, ông anh tuyển được cây mai hàng hiệu, thì em út cũng có chút cháo. Thử coi, biết đâu tóm được vài chục triệu là bình thường…
Anh hầu như không còn nắm rõ nội dung câu chuyện nữa, nhưng vẫn thoáng qua trong đầu một nhận xét, là tuyệt nhiên không nghe thằng Tâm nhắc gì thêm về cái chuyện nhân duyên đại sự. Có vẻ như, giữa lấy vợ và “cưới” được em mai tuyệt hảo có khả năng sinh lời cao ấy, thằng Tâm vẫn ưu tiên cái vế sau hơn hẳn… Nhưng thật ra, thì với anh, điều ấy còn có ý nghĩa gì?
Không hiểu sao mà hôm nay anh lái xe lừng khừng như thể quên lối. Anh nghĩ tới thằng Tâm, với chữ “ngon” bất hủ của nó. Tới cái cần cổ vun vút trắng trẻo và đôi mắt chán ngán nhìn những kẻ luôn hăm he xẻ thịt cây mai. Phảng phất xa gần một dấu hỏi dành cho anh, người đàn ông rõ rành không thuộc về chốn biên giới mịt mờ, cớ sao cứ hay lui tới làm gì. Bà già khốn khổ kia nữa, cuối cùng vì đâu mà đã mềm lòng nhân nhượng? Lẽ nào vì hiểu lầm những đợt chăm chút của anh? Anh nở nụ cười như khóc, hình dung ra hình ảnh cội mai vàng rực cùng những câu chuyện yêu thương sâu dày trong ký ức về “ông nhà tôi” bị bứng ra khỏi nơi nó thuộc về. Gần năm nay, cội mai vàng rực ấy giống như cái neo để anh dặn mình sống tốt hơn, chậm hơn, đàng hoàng hơn.
Quá nửa tháng chạp rồi, nên ngay cả ở mảnh đất tưởng đâu vẫn bị thế giới văn minh bỏ quên này, mùa xuân cũng đang khẽ khàng tiến lại. Bông cúc vạn thọ nhà ai trông tết hay sao, mà háo hức nở sớm trước sân nhà rưng rức. Anh bắt gặp bên hàng rào một rổ kiệu to đang đợi nắng, thấp thoáng bóng đàn bà ra vào dưới chái hiên. Dưng không anh thấy mình nghĩ về một dáng người với mái tóc bới cao chừa ra cái cần cổ trắng ngần. Có điều gì đó chợt nhoi nhói ngang qua tim anh, quay quắt.
Hình ảnh cội mai vàng rực ấy khiến anh bỗng dứt dạc với chính mình: Không thể nào! Chân anh vít ga, mặc kệ bàn tay đặt trên vô lăng rất giống như kẻ mộng du. Bởi anh tin chắc là, dẫu cuộc đời được mất éo le xoay trở thế nào, ai buồn ai vui, thì cội mai vàng kia cũng nhất định phải ở lại khoảnh sân có bề rộng mà hẹp chiều ngang kia, với những câu chuyện yêu thương sâu dày của nó.
Nhất định như thế.
Bình luận (0)