Con đường Chiêm không có ê

30/12/2018 09:02 GMT+7

Con đường nhỏ dài chưa đầy 100 m nhưng thuộc loại là “đường lớn” - có quán, nhà hàng mà các đại gia ở Sài Gòn hay tụ tập.

Ấy là con đường mang tên Nguyễn Văn Chiêm, bên tay phải (từ hướng Phạm Ngọc Thạch đi vào) là tòa nhà Diamond Plaza, bên tay trái là sân quần vợt của Nhà văn hóa Thanh niên. Đi lên phía trên một chút là nhà hàng Thanh Niên - nơi ăn sáng, ăn trưa bàn công việc của rất nhiều đại gia.
Thời gian gần đây, để tiện phục vụ ăn uống lề đường cho người dân, UBND thành phố chọn con đường này để mở khu buôn bán thức ăn đường phố từ tháng 8.2017. Bởi vậy, khu lề đường Nguyễn Văn Chiêm sáng, trưa, chiều tối tấp nập người dân buôn bán, hay dân công sở chung quanh khu vực này ra vào.
Nhiều sử gia lề đường cắc cớ hỏi vậy chứ ông Nguyễn Văn Chiêm là ai? Nhân vật lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm hay danh nhân văn hóa thuộc lĩnh vực văn chương, giáo dục thời kỳ nào? Ngay cả hai bậc thức giả Nguyễn Q.Thắng -Nguyễn Đình Tư trong quyển Đường phố TP.HCM (NXB Văn hóa - Thông tin năm 2001) cũng chẳng thấy đề cập.

Một tay vợt xuất sắc từng tranh giả thế giới

Một số tài liệu rải rác trên mạng cho thấy có lẽ đây là con đường duy nhất của VN mang tên một nhà hoạt động thể thao? Tìm trong tư liệu đây đó thì được biết con đường này mang tên một nhà vô địch quần vợt đầu tiên của VN tên là Nguyễn Văn Chim (1899 - 1952). Người viết biết tên ông Chim cùng một tay vợt khác nữa là Giao (Huỳnh Văn Giao) từ quyển tiểu thuyết Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng khi nhà văn này nói về ước mơ của Xuân Tóc Đỏ là “trở thành Chim và Giao trong môn “ban quần”. Báo Phụ Nữ Tân Văn số ra ngày 1.8.1929 có viết: “Hai tay đánh banh vợt đại tài của ta là Chim -Giao bữa trước còn tức khí với nhau người này hơn người kia, cho nên ngày thứ bảy 20.6 mới rồi, hai bên thử tài nhau những 5 set. Bữa đó Chim đã thắng Giao vậy đủ chứng rõ rằng trong nghề múa vợt, Giao chưa hơn thầy học của mình”.
Chim nổi danh đến nỗi tên được dùng để quảng cáo bán vợt trên báo Écho Annamite ngày 9.9.1927: “Các vợt của Lamquang và Chim được làm theo những dữ kiện từ vợt của hai nhà đại vô địch Nam Kỳ của chúng ta Lâm Quang Vinh và Chim đã thắng vẻ vang trên khắp Nam Kỳ. Bởi những đặc trưng mới, đã thu hút sự chú ý của các nhà chơi thể thao quần vợt mong muốn cải thiện lúc mình chơi quần vợt đánh với vận tốc thật nhanh. Quí vị hãy chơi với hai cây vợt này của Lamquang và Chim. Tên tuổi của họ là đủ quảng cáo cây vợt rồi…”.
Trước đó, ở trong nước cặp Chim - Giao đã hạ các tay vợt vô địch người Pháp nổi danh như Cochet, Tilden… Tháng 8.1929 Nguyễn Văn Chim và Huỳnh Văn Giao được mời tranh giải quần vợt Mã Lai tại Singapore. Sự kiện này được dân ái mộ thể thao Nam Kỳ ủng hộ nhiệt liệt. Ba kép hát của gánh Trần Đắt đã trình diễn ngày 30.6 năm đó ở nhà hát gây quỹ cho hai nhà thể thao Chim và Giao đi dự giải quần vợt Mã Lai. Sau đó báo chí Pháp đưa tin Chim và Giao giành được chức quán quân quần vợt đánh đôi.
Theo tài liệu của ông Nguyễn Đức Hiệp, một nhà nghiên cứu, thì "năm 1931, với danh tiếng vô địch quần vợt Đông Dương, Nguyễn Văn Chim và Huỳnh Văn Giao được mời qua Pháp và Anh tham dự hai giải Grand Slam lớn nhất mà tất cả các tay quần vợt trên thế giới đều mơ ước được tham dự: giải quần vợt Pháp mở rộng và giải Wimbledon ở Anh. Đây là lần đầu tiên có hai người VN tham dự các giải Grand Slam.
Nguyễn Văn Chim đánh với Jean Borotra, tay vợt nổi tiếng của Pháp, một trong “4 chàng ngự lâm pháo thủ” (4 mousquetaires) thời đó, vô địch 15 lần hai giải Grand Slam (9 lần vô địch giải quần vợt Pháp mở rộng và 6 lần vô địch giải Wimbledon). Với một đối thủ như vậy Chim tuy thua 4-6, 3-6, 3-6 nhưng đã gây ấn tượng trong giới quần vợt thế giới.
Khi mất, ông Nguyễn Văn Chim được dựng tượng và chôn trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (công viên Lê Văn Tám bây giờ). Vào tháng 10.1955, tên ông đã được chính quyền khi đó dùng để thay tên cho đường Mac Pourpe (trước đó là đường Square) thời Pháp thuộc. Nhưng có điều là không biết tại sao từ Nguyễn Văn Chim đã biến thành Nguyễn Văn Chiêm miết từ đó tới giờ? Khi phát âm thì Chim hay Chiêm gì cũng na ná như nhau, chỉ khác nhau khi viết là có dư thêm chữ ê mà thôi!
Con đường cũng không quá dài, có quá nhiều địa chỉ để gây rắc rối cho số đông - nên chăng Hội đồng đặt tên đường của thành phố dịp nào đó thẩm định và có quyết định điều chỉnh lại viết cho đúng tên một nhà thể thao hiếm hoi được đặt tên đường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.