Con đường vòng

02/05/2009 21:41 GMT+7

Đúng là một “con đường vòng” khi tận đến chuyến tham quan Angkor Watt, Campuchia, tôi mới có dịp giảng giải cho con gái về cây gạo, hoa gạo, loài cây vốn quen thuộc như cây đa, bến nước, sân đình ở những vùng quê Việt, mà đây là lần đầu tiên con tôi được nhìn thấy và nó khen là thứ cây “thật hay, thật lạ, thật đẹp”.

Một cái cây lớn, không có chiếc lá nào (vì mùa xuân hoa gạo nở trước khi cây ra lá non) trên những nhánh cành đen thẫm xòe ra từng chùm hoa năm cánh to dày, đỏ tươi in lên nền trời như một bức tranh tươi đẹp.

Nhìn cây hoa gạo xứ người, tôi nhớ những ngày tuổi thơ còn ở miền Bắc, trên con đường đê đi học xanh mướt cỏ, hình ảnh hết sức thân thuộc đối với tôi là những cây gạo không biết được trồng từ bao đời đứng sừng sững, cứ mỗi tháng ba, từng đàn chim sáo bay về chíu chít làm tổ, hoa gạo nở bừng như báo hiệu cái “rét tháng ba bà già chết cóng” đã qua đi. Bà nội tôi vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa kể chuyện về sự tích nàng Bân vụng về đan áo cho chồng mãi chưa xong. Rồi bà ngâm nga đọc câu ca dao: “Tháng ba cày vỡ ruộng ra/Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”...

Lũ trẻ thì vô cùng thích thú với thảm hoa rụng dưới gốc cây. Chúng xâu kết những bông hoa đỏ rụng đầy dưới gốc cây thành một chuỗi đặt lên đầu “cô dâu, chú rể”, đeo lên cổ “trạng nguyên”, đọc những bài đồng dao vui vui và chơi những trò chơi quanh gốc gạo. Người ta còn gọi cây gạo là cây mộc miên hay hồng miên, nhưng tôi vẫn thích gọi là cây hoa gạo giản dị, chân quê... Kể cho con nghe câu chuyện về những cây hoa gạo Việt ở trên đất Campuchia, tôi mới cảm nhận thấy khoảng cách giữa thế hệ của mình và cuộc sống của thế hệ sau mình, đã lâu không ý thức chia sẻ, lấp đầy...

Cuộc sống của những người thuộc thế hệ chúng tôi, thế hệ 7X, lớn lên sau chiến tranh, còn trẻ, còn chút kết nối với cái gọi là “nhà quê” khi đa phần chúng tôi chỉ là dân ngụ cư ở các thành phố lớn. Có lẽ đây cũng là thế hệ rời xa quê nhiều nhất, vì họ lớn lên với đầy đủ kiến thức và điều kiện để lập nghiệp nơi xa. Nơi xa bao giờ cũng to hơn, đẹp hơn, giàu hơn, và guồng quay của cuộc sống cuốn họ đi.

Không có gì lạ khi những cậu bé chăn trâu cắt cỏ và những cô bé mò cua bắt ốc khi xưa nay trở thành những ông chủ, bà chủ doanh nghiệp, những kỹ sư, bác sĩ… và con cái họ là những đứa trẻ thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, rành đồ hi-tech, từ nhỏ đã được đi du lịch ở những vùng đất đẹp đẽ trong nước và cả nước ngoài. Chuyện những đứa trẻ thành phố không biết con trâu thật, con cò thật thế nào cũng không phải là chuyện hiếm.

Những câu chuyện về thời “râu tôm nấu với ruột bầu” hay “rau muống chấm tương” đôi lúc được kể lại như thí dụ về một thời khó khăn vất vả đã qua, đã xa, chẳng ai muốn trở lại, có khi nó còn được nhìn dưới lăng kính hài hước. Cũng phải vậy thôi, cuộc sống là phải luôn vươn tới, phải giàu hơn, đẹp hơn. Không thể lấy thước đo của thế hệ mình áp đặt cho thế hệ tiếp theo. Mỗi thế hệ chỉ cách nhau khoảng hai mươi năm, nhưng ký ức sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nếu bài học về cuộc sống có thể dạy bằng nhiều cách, không chỉ một cách “ôn nghèo kể khổ”, thì cái cần mà người ta thường quên là cầu nối về tâm cảm giữa các thế hệ.

Một ngày nào đó, những lớp người từ quê ra thành thị, từ miền Bắc, miền Trung vào Nam như rất nhiều “làn sóng” dân ngụ cư hơn chục năm trở lại đây sẽ chia sẻ như thế nào với những đứa con không biết gì về kỷ niệm tuổi thơ của họ? Những đứa trẻ sẽ kiếm tìm, “phát hiện” trên mạng hoặc tại những vùng đất xa lạ thông tin về những gì đang ở gần kề xung quanh chúng, đã từng là cuộc sống, máu thịt của cha mẹ chúng. Và có thể chúng cũng chỉ lướt qua mà thôi. 

Hạ Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.