Công bố hàng loạt hiện vật tại di tích Chăm Phong Lệ

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
21/08/2018 15:47 GMT+7

Nhiều hiện vật phát hiện tại di tích Chăm Phong Lệ lần đầu tiên được công bố rộng rãi sau một tháng khai quật.

Ngày 21.8, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, nhóm chuyên gia Trường đại học KHXH-NV Hà Nội và Sở VH-TT TP.Đà Nẵng tổ chức lễ báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Chăm Phong Lệ năm 2018.
[VIDEO] Tìm thấy nhiều cổ vật quý tại di tích Chăm Phong Lệ
PGS-TS Đặng Hồng Sơn, Phó chủ nhiệm Bộ môn Khảo cổ học (Trường đại học KHXH-NV Hà Nội) chủ trì đoàn khai quật cho hay sau một tháng khai quật (từ ngày 17.7 - 17.8) trên diện tích 308 m2, các chuyên gia đã phát hiện nhiều hiện vật là các loại gạch ngói, trang trí kiến trúc bằng đá của người Chăm, gốm thô người Chăm và gốm sứ thời Tống của Trung Quốc…

Hàng loạt hiện vật được tìm thấy có nhiều chất liệu khác nhau

Ông Sơn cũng cho biết cuộc khai quật lần này đã có thêm nhiều phát hiện mới qua đó có thể nhận định khu di tích đền tháp Phong Lệ là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy thuộc dòng sông Cẩm Lệ. 

Di tích này có khả năng được quy hoạch với các cấp nền khác nhau với một đền tháp chính ở cấp nền trung tâm cao nhất, vây quanh là hệ thống tường bao ngăn cách khu vực trung tâm với vùng ngoại vi, lối vào kiến trúc cổng…

Về vật liệu xây dựng cũng như các di vật, PGS-TS Đặng Hồng Sơn nhận định là di vật gốc, nằm trong địa tầng rõ ràng, là nguồn bổ sung cho di vật trưng bày và nghiên cứu của Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Hiện vật bằng gạch có họa tiết như tháp Khương Mỹ

Căn cứ các hoa văn trang trí trên gạch di tích Phong Lệ là mô-típ kiểu cành lá uốn cong, vểnh lên ở đầu mút, lá có rãnh sâu… giống với những họa tiết trang trí tại đền tháp Khương Mỹ, Mỹ Sơn A1, Mỹ Sơn B5, các nhà nghiên cứu xếp niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 10.

Thanh Niên xin giới thiệu đến độc giả một số hiện vật quý do đoàn chuyên gia thu thập được tại Phong Lệ:

Các chuyên gia nhận định hiện vật này có thể cho thấy công trình được xây dựng từ thế kỷ thứ 10
Tuy nhỏ nhưng hiện vật bằng gốm và ngói chiếm khá nhiều
Ngói lợp của người Chăm xưa có phần nhọn ở đầu
Qua tham khảo các tài liệu, các chuyên gia khảo cổ nhận định mảnh vỡ gốm này là từ hộp sứ men trắng xanh tại lò Đức Hóa (thời Nam Tống thế kỷ 12)
Đợt khai quật này, đoàn khảo cổ phát hiện 23 di vật bằng đá
Hiện vật bằng đá đa phần là các cấu kiện để trang trí tháp Chăm
Tượng rắn thần (Naga) bằng đá sa thạch
Tượng đầu sư tử
Đặc biệt nhất là tượng sư tử (Shimha) được phát hiện lần này còn nguyên vẹn với chiều dài 0,44 m, rộng 0,45 m và cao 1,09 m. Tượng sư tử này được tìm thấy ở Phong Lệ có đặc điểm giống với những tượng sư tử được tìm thấy thuộc phong cách nghệ thuật điêu khắc Trà Kiệu vào thế kỷ thứ 10-11
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.