Công Ninh - "Mẹ con Đậu Đũa"

20/06/2007 21:55 GMT+7

Một người đàn ông có gương mặt khắc khổ, người gầy, mà ông bà mình hay nói “không phát tướng”. Ấy nhưng đó lại là một "của quý" trong làng điện ảnh. Bởi những vai nghèo nàn, khổ sở, thân phận, không lẽ lại chọn diễn viên tròn trịa, bụng phệ! Cho nên đạo diễn cứ tìm đến người đàn ông gầy gò này, và anh ta đã làm khán giả bao nhiêu phen nghẹn ngào...

Công Ninh đó. Cái gã trung niên mặt mũi bơ bơ, ăn mặc lèng xèng trong hầu hết các phim. Ai biết anh ta là một giảng viên nổi tiếng của trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, có lúc làm tới trưởng khoa đạo diễn, và dĩ nhiên đã dựng rất nhiều vở đình đám cỡ như Dạ cổ hoài lang. Học trò mê anh lắm.

Nhưng hễ vô phim là bỏ hết cái vỏ trí thức, chỉ thấy toàn bộ đội, nông dân, bốc vác, khổ sở vô cùng! Nào Đời cát, Ai xuôi vạn lý, Tài tử nghiệp dư, Cha và con... Nhưng với Mẹ con Đậu Đũa thì anh ta như hớp hồn mấy cô mấy bà khán giả, bởi quá tội nghiệp cho cảnh gà trống nuôi con. Phụ nữ vốn hay mủi lòng, thương cảm, có khi quên mất đây chỉ là... phim.

Nhưng khán giả đàn ông cũng thương nữa nghen! Nhiều ông coi đi coi lại mấy lần, tuy không sụt sùi như mấy bà, nhưng ngồi im thin thít là biết đang... nghẹn ngào. Đài truyền hình những năm 94-95 cứ chiếu liên tục. Phim chỉ có 90 phút thôi, mà thu hút đến vậy. Không có gái đẹp, không có chân dài, không cảnh xa hoa tráng lệ, không thời trang, chỉ có núi đồi chập chùng, đường đất đỏ bùn lầy, những bà con dân tộc đen nhẻm, và gã đàn ông vai chính quần áo thanh niên xung phong bạc thếch, vá vai, địu đứa con gái tèm lem mặt mũi trên chiếc xe đạp cà tàng sút sên, bể bánh. Phim vậy đó, nhưng khuôn hình nào cũng đẹp như bài thơ và đầy ắp tình người.

Công Ninh bồi hồi: "Tôi nhận lời đóng phim này vì những ấn tượng rất tốt về thanh niên xung phong. Lúc giải phóng miền Nam, tôi mới 14 tuổi, lực lượng thanh niên xung phong đang sôi nổi xây dựng đất nước, hy sinh, tận tụy với đồng bào vùng sâu, tôi mê lắm. Nhân vật của tôi cũng là một anh thanh niên xung phong, vợ chết, để lại đứa con gái nhỏ. Lẽ ra anh được quyền trở về thành phố, nhưng anh đã ở lại núi rừng, sống với bà con".

Năm ấy Công Ninh 32 tuổi, vừa đủ độ chín của một người đàn ông, mà vẫn còn trẻ khỏe để lăn lóc cùng những thước phim, cực còn hơn thanh niên xung phong thật. Vùng Bảo Lộc đồi tiếp nối đồi, chỉ cái việc đạp xe lên dốc thôi đã đủ "hành" Công Ninh thêm gầy, thêm khắc khổ. Mà đạo diễn Trương Dũng cũng "ác" lắm, lựa chiếc xe đạp xộc xệch y chang kịch bản quy định. Xe cũ từ đời tám hoánh, dây sên cứ chạy một hồi là sút, chạy thêm hồi nữa thì tuột luôn cái pê-đan. Cho nên quay tới quay lui hổng biết bao nhiêu đoạn phim, tha hồ cho anh gà trống đạp xe toát mồ hôi.

Tới cái đoạn anh chàng chở con đi thi bé khỏe bé ngoan giữa đường bị hư xe, thì chiếc xe hư thiệt, khỏi cần "chỉ đạo". Mùa mưa Bảo Lộc đất đỏ dậy lên lầy lội, hai cha con dắt xe bì bõm trong mưa, trong sình, trời ngó xuống mà thương cho cái nghiệp diễn viên! Chưa hết, tới cảnh hai cha con bị chiếc xe tải chạy ngang bắn sình lên mặt mới thật nguy hiểm. Tài xế phải canh làm sao cho bánh xe trúng ngay cục đá, từ đó sình mới văng lên được, chỉ cần trật một chút là coi chừng lật, trúng diễn viên. Hai, ba... Một tảng bùn tung tóe, cô bé đóng vai con khóc thét lên vì sợ. Hú hồn! Khỏi quay lại lần nữa. Nhưng khổ nỗi, cô bé lại sợ thật, nên suốt một tuần đoàn phải tạm ngưng để dỗ, vời cả mẹ cô bé từ Sài Gòn lên dỗ tiếp. Dĩ nhiên "ông bố" Công Ninh suốt ngày bồng ẵm, chiều chuộng "con" mình.

Ngoài đời, hai chú cháu vẫn xưng hô là "cha con" để tình cảm rất thật, vào vai dễ hơn. Và Công Ninh còn phải học khuấy sữa, chườm khăn hạ sốt... lung tung thứ dành cho việc chăm sóc một đứa trẻ. Gà trống dễ thương là chỗ đó, làm mấy bà mấy cô mủi lòng là chỗ đó! Công Ninh lại cười hì hì: "Mình quen sống tài tử một mình, quen ăn bờ ngủ bụi, giờ vô làm "mẹ" mới thấy thương phụ nữ, sao cực quá!". Đóng xong phim, nếu có nuôi con thì Công Ninh sẽ nuôi ngon lành cho coi!

Một câu tâm đắc nhất của anh trong bộ phim, là khi trả lời câu hỏi của ban giám khảo cuộc thi bé khỏe bé ngoan: "Hạnh phúc như một cỗ máy, càng đơn giản càng dễ sửa chữa, càng phức tạp thì càng khó sửa". Nghĩa là hạnh phúc hay không tùy quan niệm của mỗi người. Ai đòi hỏi nhiều sẽ khó tìm thấy hạnh phúc. Ai biết nắm lấy từng khoảnh khắc sống, từng niềm vui, thì hạnh phúc luôn cận kề. Như anh chàng gà trống, tuy nghèo khó, nhưng bên anh đã có đứa con xinh xắn, thông minh, thế là đủ. Phim khép lại, thông điệp thật dịu dàng!

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.