Hai bộ phim được đầu tư kinh phí lớn, xây dựng hình ảnh của những quân nhân Trung Quốc dũng mãnh, liều mình để bảo vệ công dân nước họ khi gặp sự cố ở nước ngoài khiến khán giả nội địa nức lòng, sẵn sàng bỏ tiền vào rạp và khiến lòng tự tôn dân tộc càng dâng cao. Nhưng không chỉ đề cao việc bảo vệ công dân nước họ, thông qua hai bộ phim này, điện ảnh Trung Quốc cũng không ngần ngại phô trương thanh thế, xây dựng hình ảnh quân đội, đặc biệt là hải quân của nước này như những đội quân tinh nhuệ hàng đầu thế giới, trang thiết bị quân sự hiện đại, có thể “tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào, dù có xa tới tận đâu, nếu dám khiêu chiến với quân đội Trung Quốc” - như câu tagline (chủ đề) trong bộ phim Chiến lang 2.
Còn trong Điệp vụ Biển Đỏ, quân đội Trung Quốc phô diễn sức mạnh không chỉ hải quân mà còn cả không quân, lục quân. Nhiệm vụ của họ rất cao cả kiểu “giải cứu không sót một kiều dân của Trung Quốc nào tại vùng nội chiến và đưa về nước an toàn”. Câu tagline của phim cũng “khiêu khích” không kém Chiến lang 2: “Chinh phục nỗi sợ, chinh phục tất cả".
Và khi bộ phim kết thúc, trong phần “vĩ thanh”, dù không liên quan với toàn bộ nội dung bộ phim, Điệp vụ Biển Đỏ lồng vào một đoạn phim ngắn chỉ khoảng gần 1 phút, trong đó có cảnh tàu chiến của họ phát loa “xua đuổi” một con tàu không rõ quốc tịch ra khỏi lãnh hải mà họ cho là vùng biển của nước họ (thực chất đã được Bộ Quốc phòng Trung Quốc thừa nhận chính là quần đảo Nam Sa - cách họ gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Đây là một đoạn phim quá nhạy cảm và đặc biệt được “ngang nhiên” xuất hiện trên màn ảnh khi chiếu ở Việt Nam. Nó cho thấy sự “hở sườn” trong bộ phận kiểm duyệt nội dung phim và nếu không lên tiếng, chúng ta dần dần mất sức đề kháng trước việc nhập khẩu văn hóa từ Trung Quốc và mặc nhiên chấp nhận nội dung tuyên truyền thô thiển của họ được lồng ghép một cách thô bạo vào phim.
Ai dám bảo sau Điệp vụ Biển Đỏ họ sẽ không tiếp tục loạt phim ăn khách này với Điệp vụ Biển Đông chẳng hạn?
Bình luận (0)