Như Thanh Niên đã đưa tin, bà Lê Thị Dinh, vị cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn đã từ trần hồi 11 giờ trưa ngày 21.2 (nhằm ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu), hưởng thọ 102 tuổi.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, bà Lê Thị Dinh là cháu ngoại của Quận Công Ưng Quyến (em trai ba vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh). Năm lên 8 tuổi, bà được gọi vào cung phục vụ bà Thánh Cung Hoàng hậu, vợ vua Đồng Khánh và bà Hoàng Thái hậu Từ Cung, vợ của vua Khải Định. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bà Dinh theo đức Từ Cung về ở cung An Định, rồi chuyển về nhà số 79B, nay đổi thành 147 Phan Đình Phùng (TP.Huế), và chăm lo cho bà Hoàng Thái hậu này những ngày cuối đời. Sau đó bà Dinh về ở hẳn phủ Kiên Thái Vương (tọa lạc tại số 179 Phan Đình Phùng) cùng con trai cả và gắn mình với việc lo hương khói cho 4 vua Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Khải Định, năm 1997 thì thêm bàn thờ vua Bảo Đại.
Trong giai đoạn chồng bà là ông Nguyễn Như Đào, từng là lái xe cho vua Bảo Đại, tập kết ra Bắc, bà Dinh ở lại một mình đã một lòng nuôi con chờ đợi chồng. Trước khi qua đời, bà Dinh cùng con trai và cháu nội vẫn ở và hương khói cho 5 vua triều Nguyễn đang được thờ tại phủ Kiên Thái Vương. Công việc của bà lặng lẽ như chính những hương án của các vị vua thuộc triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
“Chương trình tang lễ của bà Dinh do gia đình định liệu. Thời gian qua phủ Kiên Thái Vương cũng được sửa sang tôn tạo khang trang. Dù sao những ngày cuối đời bà cũng được nhìn thấy phủ thờ được tôn tạo đẹp đẽ. Bà là người phụ nữ có tấm lòng tận tụy, hy sinh rất đáng quý. Bà là một trong số ít những người phục vụ trong cung đình, đặc biệt là lo liệu cho bà Từ Cung cho đến những ngày cuối đời. Nhờ bà mà bàn thờ của năm vị vua, một vị hoàng tử cùng hàng chục bà hoàng hậu ở phủ Kiên Thái Vương lúc nào cũng được hương khói đầy đủ”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho hay.
Bà Lê Thị Dinh, không chỉ là cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn, nhân chứng lịch sử mà bà còn là người am hiểu nghi lễ, đời sống, ẩm thực...và gìn giữ được rất nhiều "bí quyết" về trang phục, món ăn, cách làm đẹp...chốn hậu cung riều Nguyễn. Những năm qua, chính bà là người đã góp rất nhiều cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của triều Nguyễn và văn hóa Huế. Bà mất đi cũng là một tổn thất lớn cho văn hóa Huế cũng như công tác bảo tồn và nỗ lực phục hồi các giá trị văn hóa cung đình Huế.
Bình luận (0)