Cuộc di tản trong vinh quang

23/07/2017 06:45 GMT+7

Bộ phim Dunkirk (tựa Việt Cuộc di tản Dunkirk , ra rạp ngày 21.7) phần nào thể hiện được điều nghịch lý trong chiến tranh: một cuộc triệt thoái khổng lồ của quân đội nhưng lại được người dân ủng hộ và xem như thắng lợi.

Bờ biển Dunkirk nước Pháp là nơi chứng kiến gần 400.000 binh lính buộc phải di tản khẩn cấp sau những đòn tấn công chớp nhoáng của phát xít Đức vào những năm đầu Thế chiến thứ 2. Đường thoát duy nhất là vượt biển để sang Anh. Khán giả như được sống lại với năm 1940, bên những ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến qua những thước phim được quay bằng máy IMAX 65mm do Christopher Nolan đạo diễn. 
Không hô hào về tình đồng đội hay lòng dũng cảm, Dunkirk lại “nói” rất nhiều về điều đó qua từng mẩu đối thoại của những người lính, ngư dân tham gia cuộc giải cứu, khi mà đối diện với cái chết, con người bộc lộ hết những gì tốt đẹp nhất cũng như xấu xa nhất.
Nolan kể sự kiện Dunkirk bằng 3 câu chuyện với 3 mốc thời gian khác nhau trên đất liền, trên biển và trên không: cậu lính trẻ Tommy (Fionn Whitehead đóng) chạy được vào bãi biển tìm mọi cách trở về Anh trong 1 tuần; ngư dân Dawson (Mark Rylance) và con trai Peter (Tom Glynn-Carney) đưa du thuyền tham gia hỗ trợ cuộc di tản trong 1 ngày và phi công Farrier (Tom Hardy) điều khiển tiêm kích Spitfire trong 1 giờ chiến đấu với máy bay Đức bảo vệ đoàn quân di tản đến giọt xăng cuối cùng. Càng về cuối, 3 mặt trận này gắn kết với nhau tại cùng một thời điểm, cùng một không gian.
Cũng chính tại đoạn kết này, sự phối hợp 3 mặt trận đã làm nên một màn di tản thành công. Nolan tạo ấn tượng về phong cách làm phim rất độc đáo của ông khi lồng không gian và 3 mốc thời gian vào cái kết phim.
Dunkirk mô tả tốt những đại cảnh với hàng ngàn binh sĩ trên bờ biển chờ triệt thoái nhưng lại thiếu sự khốc liệt, tàn bạo của chiến tranh cho dù chỉ là cảnh hoang tàn của một góc phố hay ngôi làng như Saving private Ryan của Steven Spielberg. Phim thiếu những điểm nhấn, cao trào và cả những phận đời của nhân vật để khán giả cùng khóc cười với họ trên màn bạc.
Thật khó tin một bộ phim chiến tranh hoành tráng, tốn kém đến 150 triệu USD như Dunkirk lại chỉ gói gọn vỏn vẹn trong 106 phút, ít hơn nhiều so với Saving private Ryan (169 phút) nên khán giả vẫn còn chút tiếc nuối khi cảm xúc bị trôi tuột theo mạch phim đơn giản, không nút thắt - thứ để buộc khán giả phải bất ngờ. Giữa những cảnh bom đạn, giữa lằn ranh của sống chết, rất cần những khoảng lặng, của tình người, tiếc thay điều này Dunkirk còn quá ít.
Đó là chưa nói đến việc Dunkirk bị báo chí Pháp lên án vì sai lệch lịch sử, khi xem nhẹ vai trò của lính Pháp trong cuộc di tản này. Nhà báo Jacques Mandelbaum viết trên tờ Le Monde: “120.000 lính Pháp cũng được giải cứu từ Dunkirk ở đâu trong phim? Cả 40.000 người khác đã hy sinh tính mạng để bảo vệ thành phố trước kẻ thù hùng mạnh ở đâu trong phim?”.
Cây bút Adam White đặt tựa bài viết trên tờ The Telegraph (Anh): Những người lính Pháp ở đâu - Những nhà phê bình phim Paris lên án Dunkirk vì sai lệch lịch sử. Nhiều báo khác của Pháp cũng lên tiếng việc Christopher Nolan chỉ tập trung những nỗ lực của người Anh trong cuộc di tản, bỏ qua công lao của quân đội các nước khác trong chiến dịch lịch sử này. Cần ghi nhận những cống hiến của 30.000 lính Pháp đã thiệt mạng để giúp quân đội Anh tránh khỏi thảm họa phải đầu hàng phát xít Đức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.