Đại gia Nguyễn Văn Hảo, huyền thoại bị quên lãng: Về quê xây chùa, giúp người

26/06/2015 05:56 GMT+7

Khi trở thành một trong những người nổi tiếng giàu có ở Sài Gòn, việc làm ăn đang thuận buồm xuôi gió thì ông Hảo lại bất ngờ về quê, xây chùa ở ẩn...

Khi trở thành một trong những người nổi tiếng giàu có ở Sài Gòn, việc làm ăn đang thuận buồm xuôi gió thì ông Hảo lại bất ngờ về quê, xây chùa ở ẩn...

>> Cận cảnh ngôi nhà bốn mặt tiền hàng triệu USD của đại gia Nguyễn Văn Hảo
>> Đại gia Nguyễn Văn Hảo, huyền thoại bị quên lãng - Kỳ 4: Xây nhà hát 'hàng không mẫu hạm'

Hảo Tâm tự (nhìn từ phía sau) giờ chỉ còn là phế tích - Ảnh: T.T
Hảo Tâm tự (nhìn từ phía sau) giờ chỉ còn là phế tích - Ảnh: T.T
Chùa ông Hảo
Tại thị trấn Càng Long (Trà Vinh) có một khối kiến trúc nổi tiếng nhưng bị hoang phế từ nhiều năm nay, nằm dọc tuyến QL53 về Trà Vinh. Đó chính là “chùa ông Hảo” mà đến đây hỏi người dân thì ai ai cũng biết.
“Chùa ông Hảo” còn có tên là Hảo Tâm tự, tọa lạc trên mảnh đất rộng 8.000 m2, được xây theo lối kiến trúc nửa ta, nửa Tây, điểm nhấn là ngôi tháp cao 9 tầng.
Người ta có thể thấy hình ảnh ông Nguyễn Văn Hảo còn phảng phất tại đây qua những bức tranh phù điêu vẽ cảnh Nhà hát Nguyễn Văn Hảo, du thuyền ông Hảo sắm để rong ruổi từ Sài Gòn về Càng Long, dãy biệt thự hương thôn... Có lẽ chỉ bức phù điêu là còn nguyên vẹn trong khi mọi thứ còn lại đã hoang phế, bị đập phá, vẽ bậy.
Theo các giấy tờ do con cháu của ông còn lưu giữ, trước năm 1960, ông Hảo về Càng Long mua khu đất rộng 150 công. Năm 1960, ông làm đơn gửi Quận trưởng Càng Long xin phép xây dựng cơ sở thờ tự trên mảnh đất này và được chấp thuận. Chùa được kỹ sư Phan Hiếu Kinh thiết kế. Do kiến trúc cầu kỳ, xây dựng trong lúc giao thông khó khăn, hơn nữa lại dùng nhiều vật liệu quý nên Hảo Tâm tự mất ngót 8 năm mới tạm hoàn thành.
Gọi là tạm, bởi ý định của ông Hảo còn xây cả cầu vượt từ con đường lên tòa tháp ngang con đường nay là QL53 nối đến bờ sông An Trường. Ông cũng tính xây cầu nổi bắc qua sông này để dân qua lại nhưng không được chính quyền cấp phép.
Ủng hộ kháng chiến
Khi về lại Càng Long, ông Hảo còn cho xây dãy phố lầu hoành tráng tại đây, xây luôn cả khu chợ cho người dân tới lui mua bán...
Ông Nguyễn Văn Chín (xã An Trường, H.Càng Long), người từng là phó trụ trì của Hảo Tâm tự những năm 1968 - 1969, kể: khi chùa xây xong thì chiến sự đầu năm 1968 diễn ra ác liệt. Ngôi chùa trở thành nơi trú thân của người dân từ khắp nơi. Bất kể lạ, quen, giàu, nghèo, ông Hảo đều giúp đỡ tận tình cơm gạo, thuốc men...
“Chính quyền địa phương có phần kiêng nể thanh thế và sự giàu có của ông Hảo, nhưng họ không biết rằng ông “tư sản” này đã bí mật giúp đỡ dân kháng chiến”, ông Chín nhớ lại.
 Ông Chín kể, qua đường dây do ông Năm Ngò tổ chức, ông Hảo thường gửi thuốc men, vật dụng vào vùng căn cứ Rạch Rô (xã Nhị Long, H.Càng Long). Lần gần nhất ông Chín thấy là ông Hảo cho mua về 3 máy đánh chữ, gửi quân kháng chiến 2 cái, ông giữ lại 1 cái để “có bị hỏi còn biết đường trả lời”.
Cũng theo ông Chín, sau trận đánh năm Mậu Thân (1968), ông Năm Ngò còn nhắn về hỏi mượn ông Hảo 3.000 đồng Đông Dương để lo cho kháng chiến. Trong lúc ông Hảo chuẩn bị tiền thì đường dây liên lạc bị đứt. Sau đó ông Chín cũng được cử đi học ở nơi khác, nên những chuyện sau đó giữa ông Hảo với quân kháng chiến diễn ra thế nào ít người biết đến.
“Tuy giàu có nhưng ông Hảo khiêm tốn lắm”, ông Chín tiếp. Đất đai quanh chùa ông cho dân mượn cấy lúa hết... Sau này vẫn có nhiều người thừa nhận từng được ông Hảo cho hoặc cho mượn đất để sinh cơ trong thời kỳ chiến tranh.
Ngay khi xây Hảo Tâm tự, ông Hảo đã cho khắc chúc thư bằng đá trắng ủy nhiệm lại những người sẽ thay ông coi sóc ngôi chùa.
Theo đó, sau khi ông chết, bà Nguyễn Thị Dài, vợ chính thức sau cùng của ông Hảo, cũng là em họ của 2 người vợ trước, sẽ đứng ra coi sóc nơi thờ tự này. Đến khi bà Dài qua đời thì đến con là ông Nguyễn Tâm Thạnh và cháu lần lượt coi việc hương khói tại chùa và phủ thờ gia tiên.
Tuy nhiên, sau tiếp quản, khu vực này bị niêm phong, nhiều vật dụng quý trong chùa bị mang đi nơi khác. Bà Dài vẫn còn tá túc tại một khu nhà nép bên cạnh khu thờ cúng. Đến năm 1979, khi bà Dài qua đời thì toàn bộ khu vực này được UBND H.Càng Long làm quyết định “thu lại”.
Khu nhà được trưng dụng làm bệnh viện, sau lại giao cho ngành văn hóa quản lý để làm thư viện và khu vui chơi cho trẻ em. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến nay khu vực chỉ còn lại đống hoang tàn.
Hơn 19 năm trước, nghe lời cha, vợ chồng ông Nguyễn Tâm Triều, cháu gọi ông Hảo bằng ông nội, đã khăn gói từ Sài Gòn trở lại Càng Long, làm một căn chòi nhỏ bên cạnh khu chùa để sinh sống và nhang khói cho mộ phần ông Hảo.
Trong khu nhà mồ có kiến trúc cũng khá đặc biệt với 6 ngôi mộ gồm mẹ ruột, mẹ vợ, ông Hảo và 3 bà vợ. Mỗi nắp mộ đều có hình quyển sách, 4 góc là 4 con sư tử đá trắng đội các quyển sách. Cũng có lời đồn, trong mộ có tài sản quý nên không ít lần bị đạo tặc tìm đến. Thậm chí, những con sư tử đá cũng bị chúng đục lấy đi mất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.