Đàn đá tự chế của già làng

04/12/2009 23:27 GMT+7

Lần đầu tiên, bộ đàn đá Cadong vùng cao Quảng Nam được mang ra tận thủ đô Hà Nội để trình diễn. Ẩn trong tiếng đàn là niềm đam mê đặc biệt của một già làng tài hoa...

Gùi cơm đi tìm đàn...

Mới ở tuổi 44, Hồ Văn Thập đã là một già làng tài hoa của đồng bào Cadong làng Măng Tó (thôn 2, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Từ vài năm nay, vị già - làng - trẻ ấy đã lôi cuốn đám thanh niên bằng chính tiếng đàn đá tự chế của mình. Nhà anh luôn có khách đến nghe và học cách đánh đàn. Già làng Thập càng thu hút sự chú ý hơn vào mỗi kỳ lễ hội, anh thường có mặt để đánh cồng chiêng, rồi biểu diễn nhiều loại đàn, sáo cũng do anh chế tạo...

Nhưng ít ai biết Hồ Văn Thập đã kỳ công bao nhiêu tháng ròng mới hoàn thành tâm nguyện chế tác nên chiếc đàn đá. Từ khi theo chân cha, cố nghệ nhân Hồ Văn Biêu - người từng tự làm đàn nước và đi biểu diễn khắp nơi, chàng trai trẻ Hồ Văn Thập lại bén duyên với nhạc cụ cổ xưa khác: đàn đá. Hấp dẫn bởi loại nhạc cụ mới, anh quyết tâm chế tác. Trong hai năm, ngày nào anh cũng lên rẫy, luồn lách trong các con suối, các ghềnh đá sâu trong rừng để tìm những thanh đá có hình dáng ưng ý, có âm thanh vừa tai mang về. Cứ thế, cơm muối gùi sau lưng, anh lao vào rừng. “Lúc đầu, thấy tui đi như vậy vợ con rất lo. Vợ can hoài vì sợ con thú ăn thịt, sợ rừng thiêng lấy mất xác. Tui giải thích mãi, vợ mới hiểu”, anh Thập nhớ lại.

Lần đầu tiên trở về, anh quẳng vào gùi đến 10 thanh đá lớn. Càng đi càng thấy nặng, đành bỏ bớt lại dọc đường, đánh dấu để lần sau đến lấy. Một mình nơi rừng sâu núi thẳm, vẳng bên tai là lời dặn của người cha tài hoa, rằng phải ráng chế tạo đàn và biểu diễn phục vụ bà con trong làng. Ấy là năm 2000, khi anh đã trải 19 năm theo chân cha lội khắp các buôn làng biểu diễn...

Từ ngày anh ham mê chế tạo nhạc cụ, gánh nặng làm nương rẫy dồn cả cho vợ. “Có lúc tui thấy mình và vợ như đổi chỗ cho nhau: vợ lên nương làm rẫy còn tui ở nhà nghiên cứu chế tạo đàn và trông con. Nên khi làm đàn đá thành công, vợ là người tui cảm ơn đầu tiên”, anh tâm sự.

Điêu luyện ngón đàn Hồ Văn Thập
Điêu luyện ngón đàn Hồ Văn Thập

Vang từ Măng Tó đến thủ đô

Khi đã tìm đủ những thanh đá ưng ý, Hồ Văn Thập phải suy nghĩ cách đặt các thanh đá sao cho đúng hợp âm. Lại đánh vật với những âm thanh, lúc được thanh này thì mất thanh kia. Tự anh đúc kết kinh nghiệm, để thấy thanh đá nào dài, dày, to thì đánh lên nghe tiếng trầm, và ngược lại. Cuối cùng, cây đàn đá đặc biệt ấy cũng đã phát ra âm cao nghe như tiếng hú vang dội núi rừng, như tiếng chim thánh thót, hay trầm đục tựa tiếng hú bị kìm hãm trong bốn bề vách đá...

Một ngày cuối tháng 11.2009, người đàn ông Cadong có thân hình nhỏ bé đã thỏa sức gõ đàn đá ngay giữa thủ đô, nơi đang trưng bày hình ảnh, hiện vật Quảng Nam nhân Tuần văn hóa - du lịch Quảng Nam hướng đến 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngọn lửa đam mê cháy suốt  thời trai trẻ đã được thổi bùng, kể từ ngày anh nghe tiếng đàn nước quá đặc biệt của người cha. Năng khiếu thẩm âm bẩm sinh cùng khát vọng chế tác một loại nhạc cụ khác đàn nước đã khiến anh luôn có nhu cầu tìm vật liệu mới để “minh họa” cho một âm thanh bất chợt nghe được. Hiện giờ, bộ sưu tập nhạc cụ tự chế của Hồ Văn Thập đã rất nhiều, không chỉ đàn đá Cadong mà còn có đàn nước, đàn T’rưng, đàn bầu, đàn B’ling, đàn môi, khèn, sáo...  

Đứa con của làng Măng Tó ngày xưa giờ đã trở thành già làng tài hoa, in dấu chân qua nhiều vùng đất Việt Nam, và tiếng đàn đá tự chế của anh đã vang lên giữa thủ đô Hà Nội với tất cả niềm tha thiết, gọi mời...

Hứa Xuyên Huỳnh - Diễm Lệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.