|
|
|
|
|
Dân tộc Do Thái hay còn biết đến với tên gọi là người Hebrew, định cư tại vùng Canaan thuộc Trung cận đông cổ đại hình thành vào khoảng thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên (TCN). Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4000 năm, dân tộc nhỏ bé này đã từng trải qua những cuộc thiên di, nạn diệt chủng khủng khiếp nhất nhưng với đức tin "dân tộc được chọn" cùng trí tuệ và tinh thần đoàn kết, người Do Thái đã tạo dựng thành công một quốc gia - dân tộc độc lập, giàu có và phát triển vượt bậc trong thế giới hiện đại.
|
Trong suốt chiều dài lịch sử đi tìm con đường định danh dân tộc cho đến quá trình khẳng định vị thế, tầm vóc, người Do Thái luôn đề cao tinh thần thượng tôn tri thức. Kể cả trong những năm tháng lưu lạc, người Do Thái vẫn rất chú trọng đến việc giáo dục thế hệ tương lai, xây dựng hệ giá trị Do Thái nhằm tạo nên nguồn sức mạnh dồi dào về vật chất lẫn tri thức.
Với dân tộc Do Thái, trí tuệ và tri thức chính là đích đến của mỗi người, không phân biệt độ tuổi, giới tính, ai cũng có quyền đọc sách để đạt được tri thức. Người Do Thái coi sách chính là "kho vàng" khơi dậy sức sáng tạo cùng khả năng tư duy của con người, để rồi từ đó hình thành nên "trí tuệ" - thứ được coi còn quý hơn cả tri thức. Trong mỗi ngôi nhà của người Do Thái thường có truyền thống đặt tủ sách ở đầu giường nhằm bày tỏ thái độ tôn kính với sách và cũng để đọc sách thường xuyên hơn.
|
Cuốn sách quan trọng hàng đầu đối với người Do Thái và là cuốn sách phải học thuộc lòng, viết thạo từ năm lên 6 tuổi chính là Kinh Torah. Cuốn Kinh có lịch sử hàng nghìn năm này chính là kho tàng lưu giữ ngôn ngữ dân tộc, lịch sử và đức tin dân tộc của người Do Thái. Do vậy, người Do Thái đặc biệt dành nhiều thời gian cho việc tự nghiên cứu cuốn kinh Torah bằng cách đọc đi đọc lại nhiều lần rồi đặt ra câu hỏi, nhận xét về những gì ghi trong đó. Điều này không chỉ giúp người Do Thái am hiểu về lịch sử dân tộc, duy trì bản sắc, tiếng nói mà còn giúp họ nâng cao trình độ giáo dục, hình thành năng lực tự học và tư duy phản biện.
Nhờ việc đào tạo và dạy dỗ cho trẻ thông qua những lời cầu nguyện và cách thực hiện nghi thức theo Kinh thánh mà từ hàng ngàn năm Trước Công Nguyên, trẻ em Do Thái hầu hết đều biết đọc, biết viết, cho đến khi lưu lạc ở châu Âu, tỷ lệ biết đọc, biết viết của họ thậm chí còn cao hơn người bản địa.
Bước sang thời kỳ xây dựng quốc gia độc lập, ngành giáo dục lại càng được nhà nước Israel hiện đại chú trọng và phát triển một cách có hệ thống. Họ xây dựng một nền giáo dục dân chủ nhằm phát huy tối đa khả năng tư duy, sáng tạo của người học.
Ngay từ nhỏ, trẻ em đã được thường xuyên khuyến khích đưa ra ý tưởng riêng, khác biệt thậm chí vượt ra ngoài những khuôn mẫu thông thường, hay tranh luận với người lớn. Tại các trường phổ thông ở Israel, họ không sử dụng hệ thống sách giáo khoa, mà thay vào đó, họ áp dụng phương pháp học tập đại học, đề cao tinh thần dân chủ phản biện. Chính phương pháp giáo dục dân chủ này đã giúp định hình phẩm tính quý báu của người Do Thái chính là sự hiếu học, ham hiểu biết và không ngừng sáng tạo. Nhờ vậy, người Do Thái đã đạt được những thành tựu vượt trội trong nhiều lĩnh vực, tạo sức mạnh lõi của dân tộc để đoàn kết vươn lên mọi nghịch cảnh.
|
Việc chú trọng bồi dưỡng tri thức song song với phương pháp giáo dục dân chủ đã giúp định hình phẩm tính quý báu của người Do Thái - tinh thần chutzpah: sự hiếu học, ham hiểu biết và sáng tạo không ngừng. Sự không thỏa mãn, luôn nghi ngờ vào lý thuyết thông thường đã khiến họ không ngại đi ngược chiều, liều lĩnh, sáng tạo để tìm ra cách làm mới, hiệu quả và thú vị hơn.
Nhờ tinh thần Chutzpah, người Do Thái đã đạt được những thành tựu vượt trội trong nhiều lĩnh vực. Với dân số khiêm tốn chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng dân số thế giới, thế nhưng, có đến 22% trong tổng số giải Nobel - giải thưởng danh giá quốc tế dành cho những cá nhân và tổ chức có thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực vật lý, hóa học, y học, văn học, kinh tế và hòa bình hiện nay thuộc về người có gốc Do Thái. Họ là chủ nhân của 41% các giải thưởng Nobel kinh tế, 28% các giải thưởng Nobel Y học, 26% các giải thưởng Nobel Vật lý, 19% các giải thưởng Nobel hóa học, 13% các giải thưởng Nobel Văn học và 9% các giải thưởng Hòa bình. Trong đó, một số vĩ nhân nổi tiếng xuất thân từ dân tộc Do Thái có thể kể đến như nhà văn, nhà thơ Paul Heyse, nhà hóa học Adolf von Baeyer, nhà sinh vật học Élie Metchnikoff, nhà hóa sinh học Hans Adolf Krebs, nhà vật lý học Albert Einstein,...
Bất chấp việc người Do Thái từng bị xua đuổi ở châu Âu trong gần hai nghìn năm, họ không chỉ duy trì và phát triển bản sắc dân tộc mà trí tuệ của người Do Thái còn góp phần tạo nên nền tảng đạo đức xã hội phương Tây, định hình tư tưởng triết học và thế giới quan trong xã hội này, và là nguồn tư tưởng sáng tạo nên những tác phẩm âm nhạc nghệ thuật bất hủ.
Dù là trong quá trình xây dựng đất nước trên mảnh đất nghèo nàn tài nguyên hay hành trình định danh dân tộc sau những biến cố lớn của lịch sử, dân tộc Do Thái đều đạt được những thành tựu khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Sự vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Do Thái trong mọi nghịch cảnh đã đặt ra câu hỏi lớn về dân tộc trí tuệ, đoàn kết và sáng tạo.
Câu chuyện của dân tộc Do Thái từ lịch sử hình thành, quá trình duy trì bản sắc dân tộc và phát triển quốc gia hình mẫu Israel với nền kinh tế phát triển vượt bậc đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều dân tộc khác trên thế giới. Nhà sáng lập - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn những cuốn sách quý: "Mật mã Do Thái", "Trí tuệ Do Thái", "Do Thái trí tuệ toàn thư" và "Phương pháp giáo dục con của người Do Thái", "Lịch sử Thượng Đế - Cuộc chinh phạt 4000 năm của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo"… cùng với bộ phim "Vua Solomon" thuộc Tủ phim Nền tảng Đổi Đời - Đặc biệt là cuốn sách "Quốc gia khởi nghiệp" kể về đất nước Israel - 1 trong 5 đầu sách quý được Hành Trình Từ Trái Tim trao tặng trong nhiều năm qua để gửi gắm khát vọng kiến quốc khởi nghiệp cho thế hệ thanh niên Việt Nam. Đây là những tác phẩm thuộc Tủ sách Nền tảng Đổi Đời - tủ sách gồm hơn 100 đầu sách quý thuộc 12 lĩnh vực căn cốt nhất của nhân loại nhằm xây dựng trí huệ và minh triết toàn diện, góp phần kiến tạo nên một dân tộc hình mẫu, dẫn dắt tinh thần toàn diện cho quốc gia và đi tới sự giàu có toàn diện về thể chất, vật chất, tinh thần.
|
Lịch sử lưu lạc hàng ngàn năm không khiến tinh thần đoàn kết người Do Thái lung lay, mà chính nhờ đức tin chung mãnh liệt về một dân tộc được chọn, người Do Thái đã từng bước thoát khỏi số phận thiên di, đấu tranh với sự khắc nghiệt của địa lý, chính trị, chiến tranh để khẳng định vị thế của dân tộc Do Thái trong thế giới hiện đại sau hơn 4000 năm thăng trầm. Họ không chỉ thành công trong việc xây dựng nên quốc gia Israel giữ vẹn nguyên bản sắc dân tộc Do Thái từ hàng nghìn năm trước, mà còn đưa nền kinh tế Israel vươn lên mạnh mẽ, biến nơi đây trở thành "miền đất hứa" như trong kinh thánh Do Thái.
Sau khi mất đi trung tâm sinh hoạt từ Jerusalem, rời xa khỏi quê hương lịch sử ở Trung Đông, cộng đồng người Do Thái lưu vong trên khắp thế giới vẫn tiếp tục cố gắng sinh hoạt như một quốc gia. Mặc dù buộc phải chấp nhận những thiệt thòi của lối sống tách biệt, đối mặt với sự phân biệt đối xử và thậm chí nạn diệt chủng của các dân tộc khác, qua nhiều thế kỷ, người Do Thái vẫn duy trì một hình thức chính phủ cộng đồng của riêng mình, cùng với pháp luật, lịch, ngôn ngữ, hệ thống tư tưởng, tập quán, trang phục và ẩm thực.
|
Đây không phải là một hoạt động mang tính cục bộ của từng cộng đồng nhỏ lẻ, mà diễn ra đồng bộ ở tất cả các cộng đồng Do Thái trên thế giới. Ngay cả khi cách xa nhau ngàn vạn cây số và sống trong những điều kiện rất khác biệt, các cộng đồng vẫn duy trì kết nối trong suốt thời kỳ Trung cổ và tiếp tục trong giai đoạn hiện đại nhờ vì họ có cùng một đức tin chung. Đây cũng chính là lý do giúp người Do Thái gắn kết lại với nhau nhằm tạo thành công trong việc duy trì thương mại ở tầm xa, giữ được những tập quán khá đồng nhất.
Ở nhà của người Do Thái, dù ở bất kỳ đâu đều được đánh dấu bằng một vật được gắn trên thanh dọc khung cửa được gọi là "mezuzah". Hay người ta có thể nhận biết ngay những người đàn ông Do Thái khắp các nhà nguyện với đặc trưng là chiếc khăn choàng được thiết kế riêng cho những người cầu nguyện gọi là "tallit". Chính điều này đã nhắc nhở dân tộc Do Thái ý thức về từng tồn tại một quốc gia độc lập của người Do Thái với những nét văn hóa riêng biệt, thôi thúc họ hiện thực hóa khát vọng phục quốc.
Những năm cuối thế kỷ 19 tại châu Âu, Chủ nghĩa "Phục quốc" Do Thái hiện đại được kết tinh, dần trở nên hoàn thiện đã đặt viên gạch đầu tiên cho ý tưởng về một quê hương đất nước của người Do Thái với tên gọi Vùng đất Israel trên mảnh đất Palestine, nơi vẫn luôn trong tâm thức họ. Nhà nước Israel hiện đại ra đời có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc đối với dân tộc Do Thái. Nó chính là sự tiếp nối của một quá trình lịch sử lâu dài, kết tinh của tinh thần đoàn kết, tự giác dân tộc bền bỉ thể hiện khát vọng mãnh liệt của một cộng đồng cùng chung thế giới quan, lịch sử mong muốn xây dựng một xã hội công bằng, thịnh vượng cho chính họ.
Tháng 5/1948, người Do Thái ở Palestine tuyên bố thành lập Nhà nước Israel độc lập, khi đó, dân số của Israel chỉ vẻn vẹn có 700 ngàn người. Nhưng với đức tin chung luôn chảy âm ỉ đã khiến những người Do Thái nhập cư từ khắp các miền đất trên thế giới trở về Israel tăng lên cuồn cuộn: năm 1949 là 239.576 người; năm 1950 là 170.249 người; năm 1951 là 175.095 người. Trong giai đoạn 1990-1999, con số lên đến gần một triệu người Do Thái phần lớn là khoa học gia, kỹ sư, chuyên viên học thức cao quay trở về Israel với mong muốn cùng nhau xây dựng đất nước của dân tộc mình.
|
Bằng sự đồng lòng của cả dân tộc Do Thái, diện mạo của đất nước Israel đã thay đổi không ngừng. Từ một nơi cằn cỗi thành trở thành một nước có nền nông nghiệp năng suất và hiệu quả cao nhất thế giới. Họ không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn đem về trung bình 3,5 tỉ USD mỗi năm từ xuất khẩu nông nghiệp. Hơn thế nữa, Israel còn chuyển mình thành công "từ một nền kinh tế lạc hậu theo đường lối bán tập trung để trở thành một siêu cường về công nghệ cao", như tạp chí The Economist từng nhận định năm 2010. Tính trung bình trên đầu người, Israel được mệnh danh là "Thung lũng Silicon ở Trung Đông", nơi có nhiều công ty công nghệ khởi nghiệp và thu hút vốn đầu tư mạo hiểm cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Thống kê từ năm 2008 cho thấy, với tổng số 3.850 doanh nghiệp mới thành lập, thì cứ 1.844 người Israel lại có một doanh nghiệp.
Ngày nay, Israel được đánh giá là môi trường lý tưởng hàng đầu cho các dự án khởi nghiệp. Những công ty công nghệ hàng đầu thế giới đã và đang mở đường đến đây. Họ tìm thấy ở dân tộc Do Thái trên đất nước Israel sự kết hợp độc đáo giữa tinh thần sáng tạo và đoàn kết. Sự phát triển của "văn hóa kinh doanh" đã khiến số lượng doanh nghiệp của Israel có tên trên sàn chứng khoán NASDAQ nhiều hơn tất cả các công ty châu Âu cộng lại. Sau khi start-up thành công, nhiều công ty của Israel đã được bán lại và người Do Thái tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong những tập đoàn hàng đầu thế giới.
Thành tựu của Israel trong thế giới hiện đại được đánh giá thành công vượt bậc trên ba phương diện: nền nông nghiệp Israel là nơi cung cấp lương thực cho "miệng ăn của thế giới", ngành khoa học – công nghệ là nơi hội tụ "tư duy của thế giới" còn ngành tài chính thì giống như "túi tiền của thế giới". Một lần nữa, dân tộc Do Thái lại khẳng định sức ảnh hưởng của mình đến các quốc gia - dân tộc khác nhờ tinh thần đoàn kết mạnh mẽ cùng trí tuệ và sức sáng tạo không ngừng trong công cuộc xây dựng đất nước.
|
Lịch sử của người Do Thái không được lưu giữ nhiều qua các hiện vật, di tích mà chủ yếu được lưu giữ chi tiết và đầy đủ qua cuốn Kinh Torah của Do Thái giáo. Trong Sáng thế ký, người Hebrew được nhắc đến như "dân tộc được chọn". Theo nghĩa đó, dân tộc Do Thái là dân tộc mang trọng trách ảnh hưởng đến các dân tộc khác về sự khiêm nhường, học hỏi và vươn lên mọi nghịch cảnh. Cũng chính nhờ đức tin này mà người Do Thái luôn luôn nuôi dưỡng khát vọng "Phục quốc" (Zionism) vượt qua mọi cuộc chiến trong suốt hơn 4000 năm thăng trầm.
Lịch sử về sự sống còn của dân tộc Do Thái quả thật giống như một vở kịch đầy bi tráng. Họ từng là dân tộc thịnh trị nhất thời kỳ cổ đại, sau đó lại rơi vào tình cảnh có nguy cơ diệt vong, thế nhưng nhờ khát vọng "Phục quốc" dân tộc Do Thái đã vượt qua mọi thử thách và vươn lên hồi sinh như một phép lạ.
|
Vùng đất cội nguồn của người Do Thái cổ chính là Jerusalem - nơi vốn không được thiên nhiên ưu đãi về mọi mặt. Mặc dù nằm ở Trung Đông – nơi được ví như "vàng đen" của thế giới, nhưng thiên nhiên, khoáng sản trên vùng đất Jerusalem lại vô cùng nghèo nàn, diện tích nhỏ hẹp trong đó vùng núi trơ và sa mạc lại chiếm phần lớn. Thế nhưng tại đây, người Do Thái đã xây dựng một nhà nước thịnh trị ngay từ thời cổ đại.
Dưới thời kỳ vua Solomon, ông đã mở rộng đất đai bằng tài đàm phán và ngoại giao đồng thời áp dụng các chính sách thuế quan và phát triển vương quốc thành một trung tâm buôn bán hùng mạnh, thịnh vượng. Cũng trong giai đoạn này, ngôi đền Jerusalem đầu tiên được xây dựng vào năm 825 TCN, trở thành công trình mang tầm vĩ đại thời bấy giờ. Ngôi đền chính là biểu tượng của sự thịnh trị cũng như niềm tự hào của dân tộc Do Thái hàng ngàn năm về sau.
Là trung tâm sinh hoạt của cộng đồng của dân tộc Do Thái, ngôi đền Jerusalem có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử. Hai lần ngôi đền Jerusalem bị phá hủy cũng chính là dấu mốc lịch sử hai lần dân tộc Do Thái nằm trên bờ vực thẳm.
Năm 586 TCN ngôi đền bị sụp đổ trước sự xâm lăng của đế chế Babylon, đồng thời đẩy người Do Thái vào số phận thiên di. Chứng kiến ngôi đền thiêng bị sụp đổ, chịu cảnh lưu đày tại ngoại bang, họ gần như rơi vào tuyệt vọng. Thế nhưng trong hoàn cảnh ấy, đức tin trở thành nguồn sức mạnh mạnh mẽ, thúc đẩy dân tộc Do Thái tiến lên phía trước và luôn luôn ấp ủ khát vọng "Phục quốc". Chính tại Babylon – nơi họ trải qua cuộc sống lưu đày, người Do Thái đã không ngừng giữ gìn và phát triển truyền thống dân tộc, đồng thời xây dựng tầng lớp tinh hoa trong xã hội Do Thái là các học giả tôn giáo, các nhà hiền triết trở thành lãnh tụ tinh thần của họ.
Vào năm 538 TCN, ngay sau khi được trả tự do và được phép quay về vùng đất Jerusalem với sự kiện đế chế Ba Tư chinh phục Babylon, người Do Thái đã nhanh chóng khôi phục cộng đồng dân tộc tại vùng đất quê hương và xây dựng lại ngôi đền Jerusalem.
|
Tuy nhiên, người Do Thái lại một lần nữa bị thử thách khi ngôi đền thứ hai bị phá hủy vào năm 70 TCN bởi sự bành trướng của để chế La Mã, đánh dấu cuộc thiên di lần thứ hai của dân tộc này. Trong suốt 2.000 năm, người Do Thái lang bạt khắp mọi nơi trên trái đất từ vùng Trung Đông, châu Âu, Bắc Phi cho đến châu Á xa xôi. Giai đoạn Thế chiến thứ hai (1939-1945), họ thậm chí còn phải đối diện với nạn diệt chủng Holocaust của Đức Quốc Xã lấy đi sinh mệnh của hơn sáu triệu người Do Thái. Vậy mà chỉ ba năm sau, vào năm 1948, nhà nước Israel độc lập của người Do Thái đã ra đời như một phép màu trên vùng đất vốn là quê hương của họ, chấm dứt tình trạng thiên di, thành công hiện thực hóa khát vọng "Phục quốc" của dân tộc Do Thái sau hơn 4.000 năm.
Dân tộc Do Thái có thể vươn lên một cách thần kỳ với những thành tựu đáng kinh ngạc là nhờ duy trì những nền tảng cốt lõi như: tinh thần thượng tôn và tôn thờ tri thức, tinh thần đoàn kết về một đức tin về dân tộc được chọn cùng với khát vọng lớn luôn nung nấu trong mỗi cá nhân.
Từ những tháng ngày lưu lạc hay đến khi trở thành "Quốc gia khởi nghiệp" hàng đầu thế giới, người Do Thái vẫn luôn chú trọng đến việc giáo dục, đầu tư việc mở mang tri thức ở nhiều lĩnh vực nhằm kế thừa và tiếp nối những thành tựu mà ông cha để lại; bên cạnh đó, trí tuệ của người Do Thái có được là nhờ nỗ lực học hỏi và sáng tạo không ngừng ở nhiều thế hệ nhằm khẳng định mạnh mẽ sự tồn tại của dân tộc. Trong đó, sức sống của dân tộc Do Thái luôn là một biểu tượng về sự vươn lên mạnh mẽ với tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường giúp họ vượt qua mọi nghịch cảnh từ sự hạn chế về điều kiện tự nhiên cho đến những cuộc thiên di, lưu vong hàng ngàn năm liền, nhưng họ đã xây dựng nên quốc gia Israel có nhiều ảnh hưởng và hùng mạnh trong nhiều lĩnh vực.
|
Đón đọc kỳ sau: Hàn Quốc - Bí mật tạo nên "kỳ tích sông Hàn"
Bình luận (0)