Đạo diễn Đào Bá Sơn nói về "Long Thành cầm giả ca"

22/09/2010 00:14 GMT+7

Bộ phim Long Thành cầm giả ca vừa ra mắt báo giới vào giữa tháng 9 và chuẩn bị giới thiệu đến khán giả vào tháng 10 tới. Đạo diễn, NSƯT Đào Bá Sơn đã trả lời phỏng vấn của Thanh Niên về bộ phim lịch sử này.

* Kinh phí không nhiều, lại chọn đề tài về nhà thơ Nguyễn Du, anh có cho rằng mình tự làm khó mình hay không?

- Ban đầu kinh phí dự trù khoảng 7 tỉ nhưng nay đã đội lên hơn 8 tỉ đồng. Với số tiền này làm phim hành động, hài hước đã khó nói chi đến phim lịch sử. Phim về Long Thành mà thành Thăng Long lại không còn. Bối cảnh phim dù cách đây chỉ hơn 200 năm nhưng rõ ràng chúng ta có quá ít tư liệu lịch sử trong khi tôi hoàn toàn không muốn quay phim này ở Trung Quốc. Phần đạo cụ, dựng cảnh do họa sĩ thiết kế Trung Phan và Mạnh Đức phụ trách. Đoàn phim đã phải rong ruổi khắp các tỉnh thành để có những cảnh quay tương đối đạt hiệu quả nghệ thuật.

 

 NSƯT Đào Bá Sơn - Ảnh: Đ.T

* Vì sao anh chọn gam màu nâu cho phim, phải chăng vì muốn tạo sự cổ kính, xưa cũ để che bớt những hạn chế về bối cảnh?

- Làng quê Bắc Bộ trong ký ức tôi luôn nhuốm màu nâu sồng. Nét cổ xưa thể hiện qua những bức ảnh, từng thước phim, qua trang phục của nông dân Việt. Để có những cảnh quay với gam màu đặc trưng ấy tôi đã phải phối hợp với Giám đốc hình ảnh Đặng Phúc Yên. Trang phục phim do họa sĩ Nguyễn Thị Hà đảm nhiệm. Chị là người am hiểu về trang phục xưa và rất kỹ tính trong thiết kế. Tôi muốn phục trang phải đẹp, nhưng không cầu kỳ lòe loẹt. Riêng quan lại mặc quần áo bằng lụa tơ tằm, thêu tay rất tinh xảo và đắt tiền. Toàn bộ diễn viên khi hút thuốc, ăn uống phải cởi phục trang của phim ra, đó là quy định bắt buộc.

* Anh có lo rằng bộ phim khó thu hút khán giả trẻ?

- Phim là chuyện tình của một đại văn hào với cô đào hát trải dài gần 30 năm với bao biến động thăng trầm của lịch sử. Từng triều đại qua đi, nhà Lê suy tàn, quân Thanh xâm lược bờ cõi, Tây Sơn hùng mạnh là thế rồi cũng phải nhường ngôi cho nhà Nguyễn... nhưng tiếng đàn, giọng hát của cô Cầm thì còn mãi với thời gian, với Long Thành... Những người trẻ yêu thơ Nguyễn Du, tôi tin họ sẽ tìm xem bộ phim về ông để có thể thấy được đằng sau một đại thi hào với những áng thơ bất tử của Đoạn trường tân thanh, Long Thành cầm giả ca, Văn tế thập loại chúng sinh... Nguyễn Du còn là một con người, đau với nỗi đau của dân tộc, một bậc trung quân tràn đầy tình yêu trong sáng...

 Tôi không chọn cách dẫn chuyện bạo lực hay gợi cảm trong phim này bởi tôi muốn thu hút khán giả bằng sự nhẹ nhàng, sâu lắng, bàng bạc của cảm xúc hơn là cảnh máu lửa, cảnh giường chiếu, phòng the. Và tôi hoàn toàn không ân hận khi mình đã đi theo con đường như thế.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.