Đạo diễn phim "Chuyện tử tế": Cuộc đời thật tuyệt

18/01/2010 15:53 GMT+7

Đạo diễn Trần Văn Thủy nói với hơn 200 khán giả nhân dịp hai phim cũ của ông trình chiếu tại Press Café, Hà Nội tối 16/1: “Thời điểm làm Chuyện tử tế, tôi cực kỳ may mắn đi qua cánh cửa hẹp. Cuộc đời thật tuyệt vời”.

Trần Văn Thủy coi việc phim được xem sau gần 30 năm ra đời là một phần thưởng. “Tôi tự hào, vì xã hội nhiều mối quan tâm, mà các bạn (đa số là khán giả trẻ) lại quan tâm tới chuyện cũ”.

Lát sau ông nói: “Bây giờ rất nhiều người, kể cả các học giả xem xong phim vẫn bảo, ồ vẫn còn tính thời sự, làm tôi chẳng sung sướng gì cả. Đáng lẽ người ta phải thấy rằng, cái này đề-mốt rồi, chuyện này qua lâu rồi và người ta không nghĩ đến nữa, đời sống phải khác đi rồi...”.

Thực ra có thể hiểu rằng, bộ phim của ông đã chạm tới một vấn đề vượt thời gian, vượt không gian. Liệu có lúc nào con người thôi không băn khoăn về những chuyện tử tế trong đời sống của mình?

Không vì ưu thế đề tài mà khán giả ngày nay bỏ qua kỹ thuật làm phim. Một nữ khán giả tự giới thiệu là du học sinh Mỹ cho rằng phim quá nhiều lời bình và dùng cú pháp giả: Tác giả viết lời theo ý đồ của mình cho diễn viên đọc. Trần Văn Thủy:

“Phương pháp làm phim tài liệu hiện đại của thế giới không dùng commantaire (lời bình- PV) nhiều như thế. Điều đó chúng tôi làm nghề rất hiểu. Thế hệ trẻ bây giờ dùng tiếng thật, hình thật để diễn đạt một vấn đề gì đấy có thật. Còn dùng lời bình là trong những hoàn cảnh khó khăn nào đó. Tất nhiên cũng có những phim ít lời bình cũng rất hay, xem rất được nếu như lời bình ăn với hình, đi vào lòng người, đặt ra vấn đề của cuộc sống đương đại”.

Trần Văn Thủy cho hay thời điểm làm Chuyện tử tế, ông cực kỳ cô đơn. Phim trước đó, Hà Nội trong mắt ai đang bị cấm. Tuy nhiên điều thú vị là hệ thống sản xuất phim của nhà nước vẫn chấp nhận cho ông làm Chuyện tử tế.

Đạo diễn cho hay Chuyện tử tế từng chiếu trên 10 đài truyền hình các nước Pháp, Anh, Bỉ, Nhật, Úc, Mỹ, Canada: “Tiền bản quyền gửi về Liên hiệp Điện ảnh Việt Nam. Tôi không cầm một xu”. Tuy nhiên phim vẫn chưa được phát trên truyền hình trong nước, đạo diễn khẳng định điều này với một khán giả nước ngoài.

Trần Văn Thủy cũng nhắc đến cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh với lòng kính trọng, biết ơn. Ông cho biết, đầu năm 1987, sau một cuộc gặp riêng giữa ông với Tổng bí thư, Chuyện tử tế được trình chiếu và Hà Nội trong mắt ai khỏi trùm chăn trong kho. Nhưng mọi việc chưa hẳn đã xuôi chèo sau chiến thắng tuyệt đối của Hà Nội trong mắt ai tại LHP toàn quốc tháng 3-1988. Và ông tìm mọi cách để Chuyện tử tế được sang Lepzig (CHDC Đức) dự LHP quốc tế, để rồi giành được một giải Vàng, hai giải Bạc.

“Một khán giả hỏi về điều tác giả tâm đắc trong Chuyện tử tế. Trả lời: “Ngay từ mở đầu”. Trần Văn Thủy đọc lại lời bình đầu phim: “Có lần tranh luận về việc làm phim, bạn tôi đã bực mình mắng tôi một câu nghe rất lạ tai: Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người mà chăm lo cho bộ da của mình. Chữ nghĩa đến là nóng nảy và táo tợn. Tôi ngờ rằng lời lẽ ấy bạn tôi đã vay mượn ở đâu đó”. Cuối phim, khán giả mới được thông báo đó là lời của Kark Marx.

Suýt nữa khán giả ở Press Cafe không được xem Hà Nội trong mắt ai, vì đột nhiên đạo diễn không muốn chiếu phim nữa. “Chính nhiều người Việt Nam cũng không hiểu được Hà Nội trong mắt ai”- ông nói - “Rất khó hiểu. Xem rất chán, không có chất cinema. Dùng lời bình áp đặt. Các bạn xem sẽ thất vọng. Từ lâu tôi cố quên.

Đoạn cuối phải thêm một số hình ảnh can hệ đến việc tôi có bị bắt hay không. Thời gian bị giam trong kho, không có điều kiện bảo quản, phim bị mốc, hỏng. Sau năm năm bị cấm, phim được tôn vinh tại LHP toàn quốc tháng 3-1988 tại Đà Nẵng với giải xuất sắc nhất dành cho phim, đạo diễn, biên kịch lẫn quay phim”.

Thực tế, bên cạnh những câu chuyện lịch sử, Hà Nội trong mắt ai có những cảnh quay đẹp về Hà Nội ba thập niên trước. Hiện Trần Văn Thủy đang thực hiện loạt phim ca nhạc cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long theo đặt hàng của NXB m nhạc.

Theo N.M.Hà / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.