Đây là cách Hollywood 'chiều lòng' Trung Quốc

25/01/2017 10:15 GMT+7

Nếu Trung Quốc đòi hỏi về ‘yếu tố Trung Quốc’ để phim nước ngoài được phát hành thuận lợi ở nước này, thì các nhà làm phim Hollywood cũng có chiêu 'chiều lòng' để đối phó lại.

Tẩy trắng (Whitewashing: Tẩy trắng là việc thực hiện tuyển diễn viên da trắng được giao vào vai mà lịch sử ghi nhận không phải da trắng) vẫn là một khái niệm khá mới đối với người châu Á ở châu Á, nơi hầu hết các chương trình truyền hình địa phương và các bộ phim toàn là diễn viên cùng màu da. Thay vào đó, khán giả ở đây đã trở nên đặc biệt nhạy cảm với chiến thuật “chiều lòng” (nguyên gốc: pander) của Hollywood.
Đây là một khái niệm có nhiều ý nghĩa. Như người dẫn chương trình Stephen Colbert trong Late Show 2015 cho rằng “chiều lòng” có nghĩa là làm chính phủ Trung Quốc hài lòng bằng cách thay đổi cốt truyện để đảm bảo các tài liệu tham khảo tới Trung Quốc là tích cực. Và nó cũng có thể là nỗ lực để tiếp cận khán giả Trung Quốc bằng cách giao cho diễn viên châu Á những vai không có ý nghĩa với cốt truyện - một hình thức "tẩy trắng ngược".
Trung Quốc là thị trường phòng vé lớn thứ hai trên thế giới sau Bắc Mỹ. Thành công ở đây có thể giúp cứu vãn doanh thu không mấy sáng sủa ở Bắc Mỹ (như trường hợp Warcraft mùa hè năm ngoái) hoặc biến một tuyệt phẩm thành một siêu phẩm. Do vậy, đối với Hollywood, chiêu “chiều lòng” này cần thiết bởi có thể thỏa mãn chính phủ với cái gọi là yếu tố Trung Quốc - điều kiện để phim được phát hành rộng rãi tại đây. Cụ thể, yếu tố Trung Quốc gồm phim cần có diễn viên địa phương, quay phim ở bản địa, đóng góp về tài chính cho Trung Quốc, phim là sản phẩm hợp tác chính thức giữa nước ngoài và trong nước…
Chân Tử Đan trong Rogue One: A Star Wars Story (2016) được nhà sản xuất “bơm phồng” vai trò nhằm né chỉ trích việc dùng chiến dịch “chiều lòng” chiếu lệ từ khán giả Trung Quốc
Có thể thấy, Hollywood đang tích cực tuyển diễn viên châu Á vào những vai không mang ý nghĩa quyết định đến nội dung phim chỉ nhằm để tác phẩm có điều kiện tiếp cận với khán giả Trung Quốc. Dễ dàng nhận ra, trong những bộ phim sau đây, diễn viên nước này chỉ làm "bình hoa di động”: Iron Man 3 (2013), X-Men: Days of Future Past (2014) Transformers: Age Of Extinction (2014).
Tiến sĩ Ying Zhu, giáo sư tại Trường cao đẳng Staten Island ở New York, nhận xét rằng vai diễn khách mời trong Transformers: Age of Extinction - do Lý Băng Băng và võ sĩ quyền anh Olympic Zou Shiming đảm nhận - chỉ là sự chèn vai cho có lệ. Tương tự, khán giả Trung Quốc một lần nữa “khóc ròng” khi chờ và thất vọng với vai phi công chiến đấu mà nữ diễn viên Angelababy nhận trong Independence Day: Resurgence (2016). Một người đánh giá phim trên Douban viết cay đắng: "Có vẻ như các cảnh của Angelababy chỉ được thêm vào trong quá trình hậu sản xuất thì phải".
Một số hãng phim Hollywood tránh né những lời chỉ trích chiến dịch “chiều lòng” bằng cách tạo ra vai trò lớn hơn thực tế cho các diễn viên Trung Quốc ở phần credit. Rogue One: A Star Wars Story (2016) là một ví dụ. Nhờ sự khéo léo, các nhà đầu tư đã khiến cho phương tiện truyền thông địa phương và các trang bình phim trực tuyến nghiệp dư phản ứng tích cực vào chiến dịch “bơm phồng” các ngôi sao hành động Hồng Kông. Người ta ca ngợi tài năng của Chân Tử Đan (vai Chirrut Imwe) và Khương Văn (vai Baze Malbus) hết lời. Ngay cả những tờ báo như Global Times cũng viết: "Sự lựa chọn đã được đền đáp khi đạo diễn đại lục kiêm diễn viên Khương Văn và ngôi sao hành động Hồng Kông Chân Tử Đan đã để lại một ấn tượng sâu sắc với khán giả ở Trung Quốc”.
Rất ít phim thực sự là kết quả hợp tác giữa Trung Quốc và Hollywood như The Great Wall. Phim này khi phát hành trailer hồi năm ngoái đã chịu chỉ trích rằng các cảnh nam diễn viên Matt Damon dẫn đầu đoàn quân Trung Quốc đánh trận như thêm một ví dụ khác minh chứng cho công thức “vị cứu tinh da trắng” lặp đi lặp lại của Hollywood. Nhưng theo New York Times, một số ít người đã nhận ra và sẽ nhận ra khi The Great Wall phát hành tháng tới tại Mỹ rằng nó thực sự được làm như là một nỗ lực để tránh việc chiều lòng chiếu lệ nói ở trên.
The Great Wall có một đạo diễn Trung Quốc, phần lớn dàn diễn viên Trung Quốc nhận vai, cốt truyện và địa điểm tại nước này, tài liệu tham khảo về văn hóa của đất nước cũng phong phú. Nó có lẽ là bộ phim Trung Quốc nhất trong số các phim thực hiện với xưởng phim Hollywood ở phía sau. Ông Peter Loehr, một trong những nhà sản xuất phát biểu: “Phim không được đem đến Trung Quốc chỉ vì tài chính hay muốn truy cập vào thị trường lớn này mà câu chuyện thực sự diễn ra ở đây”. Quyết định để Damon, một ngôi sao quốc tế, vào vai chính hay ngôn ngữ phim bằng tiếng Anh chỉ là nỗ lực để chiều lòng người xem bên ngoài Trung Quốc.
Ngoài ra, như Trương Nghệ Mưu nói: “Chúng ta không thể làm một bộ phim quốc tế thành công một mình. Nếu không có Damon, nếu chúng ta không nói tiếng Anh trong phim, thì nó sẽ chỉ là phim hoàn toàn Trung Quốc mà thôi".
Từ những điều ở trên có thể thấy, việc Trung Quốc “khó khăn” với dòng phim nước ngoài không thể ngăn các nhà làm phim Hollywood liên tục tấn công vào thị trường béo bở này. Còn về phía Hollywood, nếu họ không thật sự làm đa dạng dàn diễn viên, đa dạng kịch bản thì sẽ phải chịu chỉ trích và bị “kết tội” thực hiện “tẩy trắng” và áp dụng chiêu “chiều lòng” lấy lệ từ phía khán giả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.