“Đây là Đài Truyền hình Sài Gòn giải phóng...”

28/04/2005 22:42 GMT+7

Đó là câu nói đầu tiên của phát thanh viên Hồ Mỹ Hạnh xuất hiện trên màn hình Đài Truyền hình Sài Gòn vào lúc 19h ngày 1/5/1975 - một thời khắc lịch sử mở đầu cho những hoạt động thường xuyên của Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) suốt 30 năm nay. Để có thể làm cho Đài Truyền hình Sài Gòn hoạt động được ngay chỉ sau 1 ngày tiếp quản là cả một điều kỳ diệu bởi công sức của rất nhiều người. Thanh Niên đã gặp gỡ những người trực tiếp thực hiện chương trình phát sóng đầu tiên hôm đó.

Theo kỹ sư điện thanh - nhạc sĩ Vĩnh Lai thì sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, ngày 12/4/1975 Ban Tuyên huấn Trung ương đã quyết định thành lập một đoàn gồm 12 đồng chí đang làm việc tại Cục Kỹ thuật phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (tất cả đều đã được đào tạo về truyền hình từ các nước XHCN và ở Pháp, có bằng cấp từ kỹ sư đến tiến sĩ - trong đó có kỹ sư Vĩnh Lai) do đồng chí Đặng Trung Hiếu (Phó ban B truyền hình) làm Trưởng đoàn, từ miền Bắc vào phục vụ B2... 15 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, đoàn vào chiếm lĩnh Đài Truyền hình Sài Gòn. Ở đó đã có đoàn của đồng chí Lê Minh Hiền vào tiếp quản trước đó ít giờ. Tất cả đều nằm ngủ ngoài hành lang, không dám vào khu trung tâm vì sợ địch cài bom trước khi tháo chạy. 30 năm sau, nhạc sĩ Vĩnh Lai vẫn còn rất xúc động khi nhớ lại cảnh các sinh viên Văn khoa và Nông - Lâm - Súc đã tự giác tổ chức canh gác, bảo vệ đài khi địch tháo chạy. Cũng chính họ và một số chị em lao động đã tổ chức nấu cơm đưa vào nuôi bộ đội vào tiếp quản đài. 6 giờ sáng ngày 1/5/1975, đoàn tiếp quản tiến dần vào khu trung tâm (studio, đài phát, nhà máy đèn...), kiểm tra thấy toàn bộ thiết bị, máy móc của đài vẫn còn nguyên vẹn nên báo cáo lên Ban Quân quản và lãnh đạo đài, được lệnh: "Cố gắng thực hiện chương trình phát sóng ngay trong đêm 1/5".

Nhà báo Trương Nghĩa Tiến đứng trước Dinh Độc Lập sáng ngày 1/5/1975

Đêm 1/5/1975, đúng 19 giờ, đồng chí Lê Minh Hiền ra lệnh phát sóng: Đài hiệu hiện lên trên màn hình với lá cờ Mặt trận giải phóng miền Nam bay phất phới trong tiếng quân thiều (bài Giải phóng miền Nam của Huỳnh Minh Siêng), phát thanh viên đọc tuyên bố xóa bỏ đài truyền hình cũ và giới thiệu Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng - tiếng nói của nhân dân Sài Gòn-Gia Định, tiếp đến là Nhật lệnh của Ủy ban Quân quản thành phố, phóng sự Sài Gòn ngày đầu giải phóng (phóng sự này do các anh Nguyễn Ngọc Ngoạn, Trương Nghĩa Tiến, Phạm Khắc và lái xe Nguyễn Văn Đáng đi các ngõ ngách của Sài Gòn phỏng vấn, ghi hình người dân trong buổi sáng cùng ngày). Phim tài liệu về ngày 2/9 và 1/5 tại thủ đô Hà Nội với hình ảnh Bác Hồ tươi cười vẫy chào đồng bào thủ đô. Cuối chương trình là phần văn nghệ do Đoàn Văn công Tây Nguyên biểu diễn. Nội dung chương trình ngoài phần phóng sự tại chỗ và Nhật lệnh, còn lại đều đã được chuẩn bị sẵn (ghi vào băng hình 16 ly, đem từ ngoài Bắc vào). Đêm phát sóng đầu tiên với thời lượng khoảng gần 2 tiếng đồng hồ đã được thực hiện một cách suôn sẻ, đạt chất lượng về kỹ thuật và nghệ thuật. Để đạt được sự thành công này chính là sự nhìn xa thấy rộng của các cấp lãnh đạo trung ương, bởi ngay khi biết tin Đài Truyền hình Sài Gòn vừa được xây dựng (1966) thì đã cử ngay một đoàn gồm 16 người sang Cuba học về truyền hình hệ FCC (cùng hệ với Đài Truyền hình Sài Gòn), sau đó lại cử một số anh em đi học làm truyền hình ở các nước khối XHCN và ở Pháp, nên đã rất chủ động khi phục hồi hoạt động của Đài Truyền hình Sài Gòn. Với nhạc sĩ Vĩnh Lai thì đó quả là "một đêm huyền diệu".

Nhà báo Trương Nghĩa Tiến vẫn bồi hồi khi nhớ những ngày lịch sử đó: "Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những người làm truyền hình chúng tôi luôn bức xúc: Làm thế nào nắm được Đài Truyền hình Sài Gòn và phát hình sớm nhất. Trên đường tiến quân, đồng chí lái xe chở nhóm chúng tôi do quá nôn nóng nên đã để xe cán lên lề đường, xe bị lật, ai cũng bị xây xát, nặng nhất là anh Lâm Mộc Khôn - bị gãy tay nhưng vẫn theo đoàn về Sài Gòn. Hình ảnh xúc động nhất là anh Lâm Mộc Khôn với cánh tay còn treo dây băng nhưng vẫn là tổng đạo diễn của đêm phát sóng đầu tiên...".  

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.